Gặp 'hiệp sĩ' cứu người giữa biển khơi

Tôi về Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) vào một ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khi bà con ngư dân ở đây đang tất bật với chuyến ra khơi cuối cùng của năm cũ để kịp trở về dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón năm mới.

Ngồi khâu lại những mắt lưới bị rách đứt, lão ngư Mai Văn Dũng, người mà bà con ở đây thường gọi là “hiệp sĩ biển khơi”, có nước da sạm đen, người nhỏ nhắn, không vạm vỡ như tôi từng nghĩ…

Hỏi chuyện cứu người trên biển, ông vừa vá lưới vừa nhìn ra biển, giọng đượm buồn nói rằng, bố của ông cũng là một ngư dân dạn dày sóng nước. Nhưng cách đây 35 năm, trong một chuyến ra khơi, không may bị chìm thuyền nên đã cùng với 5 bạn thuyền khác nằm lại với biển khơi.

“Tui khi đó 12 tuổi, đến 5 năm sau thì nối nghiệp cha, do hoàn cảnh gia đình không có người trụ cột, kinh tế khó khăn. Tui phải bỏ lại việc học để mưu sinh, phụ giúp mẹ và các em còn nhỏ. Đến bây giờ, tui đã 30 năm gắn bó với nghề biển, bên cạnh việc áo cơm, tui lúc nào cũng đau đáu cho sự an toàn của bà con trên biển”.

Sau nhiều năm mưu sinh bằng con thuyền công suất nhỏ của gia đình, năm 1997, ông trở thành thuyền viên tham gia đội tàu đánh bắt xa bờ của thị trấn biển Cửa Việt. Hai năm sau đó ông trở về tự gom vốn mua một con tàu có công suất trung bình để vươn khơi.

Rồi cách đây 6 năm, ông đầu tư đóng mới được một con tàu lớn với công suất 700CV. Mỗi năm có tới 8 tháng, ông cùng các thuyền viên có mặt khắp các vùng biển Hoàng Sa, Vịnh Bắc Bộ, đảo Cồn Cỏ để buông lưới nhùng đánh bắt cá ngừ, cá thu. Mỗi chuyến đi thường kéo dài 2 tuần lễ.

Ông bảo: “Nghề biển thì chuyến được, chuyến mất. Cũng có nhiều chuyến biển, tàu tui bị tàu nước ngoài cắt và cướp mất lưới nhưng không vì thế mà mình nghỉ đi biển. Đã là ngư phủ thì biển là vườn nhà, mình vừa kiếm kế mưu sinh trên đó vừa giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc mình”.

Ông Dũng đang tranh thủ vá lưới chiều cuối năm.

Ông Dũng đang tranh thủ vá lưới chiều cuối năm.

“Nghề đi biển, chuyện gặp nạn trên biển thi thoảng xảy ra. Với bà con chúng tôi, bất cứ lúc nào, đang làm gì trên biển, nghe đâu có hoạn nạn là tức tốc chạy đến. Lằn ranh sống và chết trước biển rất mong manh; việc cứu người vì thế phải rất khẩn trương, phải tính bằng giây chứ không thể bằng phút, bằng giờ được”, ông chia sẻ thêm và kể lại một kỷ niệm cứu người: “Vào trung tuần tháng 11-2019, khi tui và các bạn thuyền đang buông lưới ở gần khu vực đảo Cồn Cỏ thì nhận được tin báo qua bộ đàm có tàu anh Lê Hồng Nhung, quê ở Nghệ An đang gặp nạn, tàu bị cháy.

Tui liền nghĩ cách nhanh nhất để cứu nạn cho tàu bạn, là định vị vị trí tàu gặp nạn và ngay lập tức chặt đứt số lưới đang buông để nhanh chóng rời được vùng nước, tiến đến vị trí cứu nạn đó… Trong lúc chặt lưới, do quá gấp gáp tui đã không may chặt trúng một nhát vào tay mình”, đoạn ông đưa bàn tay với vết sẹo vẫn còn sâu hoắm cho tôi xem và kể tiếp: “Sau khi cứu được bà con Nghệ An gặp nạn, tui vẫn chưa an tâm vì sợ sức khỏe của họ không được đảm bảo. Thế là, đành quyết định bỏ hết lưới cụ đang còn nằm dở dang dưới biển, tui và các bạn thuyền đưa họ vào bờ càng nhanh càng tốt để họ được các bác sĩ, bà con ở đất liền chăm sóc đảm bảo”.

Chuyến biển ấy, ông Dũng không chỉ trắng tay mà còn bị mất gần 4 ngàn mét lưới sau khi chặt để chạy đi cứu nạn đã bị trôi theo dòng hải lưu. Sau hôm ấy, số bà con ngư dân Nghệ An gặp nạn xin được hoàn lại số lưới đó, song ông và các bạn thuyền nhất quyết không nhận.

Giữa buổi chiều cận Tết, ông Dũng cùng các nhân công vẫn miệt mài vá lại những tấm lưới cũ để chuẩn bị cho chuyến ra khơi cuối cùng trong năm. Mùa xuân luôn đem đến cho mọi người những niềm hi vọng mới. Với ông Dũng đó không chỉ là những chuyến biển được mùa mà còn là niềm hi vọng bình an cho những ngư dân vượt sóng vươn khơi mưu sinh và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thanh Bình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/gap-hiep-si-cuu-nguoi-giua-bien-khoi-577702/