'Gặp gỡ Việt Nam đã tạo điều kiện cho tôi mở rộng tầm nhìn'

Trên là phát biểu của GS Đàm Thanh Sơn tại Hội nghị Khoa học quốc tế 'Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ: Kỷ niệm 25 năm Gặp gỡ Việt Nam'.

Các nhà khoa học dự lễ kỷ niệm 25 năm Gặp gỡ Việt Nam - Ảnh: ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Ngày 6.8, Hội Gặp gỡ Việt Nam (Pháp) tổ chức khai mạc Hội nghị Khoa học quốc tế "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ: Kỷ niệm 25 năm Gặp gỡ Việt Nam" tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE - ở P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, Bình Định).

Tham dự hội nghị có 180 nhà khoa học đến từ 30 quốc gia, trong đó có GS Jerome Friendman (đạt giải Nobel vật lý năm 1990) và các GS người Việt nổi tiếng từng tham dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất (tổ chức tại Hà Nội vào năm 1993) như: GS Đàm Thanh Sơn (công tác tại Đại học Chicago), GS Nguyễn Trọng Hiền (công tác tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ - NASA)…

Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, Hội nghị Cửa sổ nhìn ra vũ trụ sẽ tổng quan tình hình gần đây nhất của vật lý Hạt cơ bản, vật lý Thiên văn và Vũ trụ học. Hội nghị đặc biệt chú trọng đến sự tham dự của các nhà nghiên cứu trẻ và các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ. Hội nghị sẽ bế mạc vào ngày 11.8.

GS Jerome Friendman, GS Trần Thanh Vân (ở giữa) - Ảnh: ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Năm 1993, theo đề nghị của GS Nguyễn Văn Hiệu, lúc đó là Viện trưởng Viện Khoa Học Việt Nam, GS Trần Thanh Vân từ Pháp về Hà Nội tổ chức Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam) lần thứ nhất, thu hút hàng trăm nhà vật lý nổi tiếng trên thế giới, trong đó có GS Jack Steinberger (người Mỹ, đạt giải Nobel vật lý năm 1988). Đến nay, GS Trần Thanh Vân, Hội Gặp gỡ Việt Nam và các cộng sự đã tổ chức 14 chương trình Gặp gỡ Việt Nam.

Ngoài tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, các lớp học chuyên đề quốc tế, Hội Gặp gỡ Việt Nam còn tổ chức nhiều chương trình hoạt động trong lĩnh vực giáo dục như: trao học bổng khuyến học, khuyến tài cho sinh viên ưu tú của Việt Nam, đưa phương pháp dạy học khoa học Bàn tay nặn bột về tập huấn cho các giáo viên Việt Nam, thành lập chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao…

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS Đàm Thanh Sơn kể từ trước năm 1992, bản thân ông cũng như nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam lúc đó rất ít có điều kiện tiếp xúc với các nhà khoa học tên tuổi trên thế giới. Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất vào năm 1993 là lần đầu tiên GS Đàm Thanh Sơn được mở rộng tầm nhìn, được gặp rất nhiều nhà khoa học ở nhiều nước, nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều người mà GS Đàm Thanh Sơn gặp nhau tại chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất là những người bạn lâu dài của ông về sau.

GS Đàm Thanh Sơn tại hội nghị - Ảnh: ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Theo GS Đàm Thanh Sơn, từ năm 1993 đến nay, có rất nhiều thay đổi, kể cả vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như trong kiến thức của nhân loại đối với lĩnh vực vật lý… Hiện Việt Nam trở thành nền kinh tế phát triển rất nhanh, rất nhiều sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học. Trung tâm ICISE cũng đã mang nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới tới Việt Nam và nhiều nhà khoa học trẻ cũng nhờ trung tâm này mà được tiếp xúc với Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều thách thức mà các nhà khoa học bàn đến trong Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất vẫn còn đó, trong đó có nhiều thách thức còn khẩn thiết hơn.

“Việt Nam vẫn còn cần rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu tầm cỡ quốc tế. Vì không có những viện nghiên cứu, trường đại học như thế cho giới trẻ làm khoa học thì hiện tượng chảy máu chất xám sẽ tiếp tục. Trong một thời gian dài, nhiều người trong số chúng tôi đã nghĩ, tìm cách nâng cao chất lượng khoa học ở Việt Nam, chúng tôi hiểu rằng bài toán này là bài toán rất khó. Chúng tôi đang nhìn trung tâm ICISE như là một ví dụ chứng minh rằng có thể làm một cái gì thành công cho khoa học Việt Nam”, GS Đàm Thanh Sơn nhấn mạnh.

Hoàng Trọng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/gap-go-viet-nam-da-tao-dieu-kien-cho-toi-mo-rong-tam-nhin-990560.html