Gặp gỡ những người giải mã văn hóa Chăm - Bài 2: Thành quả từ những nỗ lực

Mỗi thành công đều có những dấu ấn của sự nỗ lực, những cống hiến không mệt mỏi. Công trình sách 'Tượng thờ Hindu giáo: Từ đền tháp Chăm đến chùa miếu Việt' khẳng định sự nỗ lực của Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế - một tập thể đoàn kết, sáng tạo, đầy nhiệt huyết.

Du khách tham quan Khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN

Du khách tham quan Khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN

Công trình của tập thể

Trên con đường đi về phương Nam, tiếp cận với di sản văn hóa Chăm pa, người Việt không bài xích, triệt tiêu mà vẫn tìm cách dung nạp, linh hoạt sống chung, chọn lọc để biến dưỡng, tạo ra thành tố mới trong di sản văn hóa của mình, không phân biệt gốc gác dị giáo hay mang tâm lý kỳ thị. Vấn đề then chốt này đã được Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế xem xét, tiếp cận và giải quyết từng bước qua công trình sách “Tượng thờ Hindu giáo: Từ đền tháp Chăm đến chùa miếu Việt”.

Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, Trần Đình Hằng chia sẻ trong lễ trao Giải thuởng Văn nghệ dân gian Việt Nam 2018 tại Hà Nội: Từ việc trình bày các quan điểm nghiên cứu, bối cảnh lịch sử, kết quả khảo sát, công trình đã đi sâu nghiên cứu hiện tượng thờ các bức tượng Hindu giáo ở các cơ sở tín ngưỡng hiện nay. Công trình được minh họa bởi nguồn tư liệu sinh động gắn liền quá trình điền dã tận nhiều làng xã từ Quảng Bình đến Quảng Nam, với 222 ảnh chụp các bức tượng, cơ sở tín ngưỡng đền, miếu, chùa, nhà thờ… Tư liệu thuyết minh này được chọn lọc, bố cục có chủ ý, trở thành một phần quan trọng của cuốn sách, với những nhận xét và đánh giá cụ thể, trực tiếp.

Theo ông Hằng, quan điểm thống nhất, xuyên suốt của nhóm tác giả về quá trình Nam tiến không thuần túy là sự điền thế mà là quá trình xen cư, cộng cư với người bản địa, làm nên bức tranh làng xã miền Trung. Từ đó, sự tiếp xúc văn hóa Việt - Chăm qua cuộc khảo sát này là cách ứng xử đầy nhân văn trên tinh thần hiếu hòa, rộng mở.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ghi nhận: Đây là một công trình được đầu tư công phu, của một tập thể đầy sáng tạo, đoàn kết và nhiệt huyết. Qua những trang viết, hình ảnh trong sách, cuộc di dân về phương Nam của người Việt hiện ra sống động. Quá trình tiếp nhận, biến đổi, thờ phụng tượng Hindu của người Việt trên vùng đất mới khai phá gắn liền khát vọng an bình trước thế lực thần thánh xa lạ, với lòng thành tiếp nhận và gắn kết những linh vật ấy vào vị trí chính danh trong hệ thống thờ tự, thần linh Việt. Những điều chỉnh hữu hiệu về mặt tạo hình, tên gọi... đã đưa những vị thần của người Chăm như Civa, Visnu, Brahma, Uma, Poh Nagar… vào thế giới tâm linh Việt, trở thành hóa thân của Quan Thế Âm, Bồ Tát, Phật Bà, Bà Dương, Bà Yang…, hoặc trở thành “thần Việt gốc Chăm” như Bà Lồi, Bà Thu Bồn, Bố Y Na, Thiên Y A Na… Nhờ vậy, các pho tượng Hindu giáo trở thành những pho tượng linh thiêng được chiêm bái, bảo tồn trong đời sống tinh thần người Việt đến tận hôm nay.

Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế có 15 nhà nghiên cứu. Khi điền dã ở địa phương, Phân viện cũng thường xuyên mời thêm những nhà điền dã tại chỗ, những nhà nghiên cứu ở Huế. Phân viện cũng tích cực vận dụng tinh thần tập thể trong việc kêu gọi sự đầu tư, xã hội hóa cho hoạt động nghiên cứu. Theo ông Trần Đình Hằng, đây là những việc làm rất hiệu quả bởi nó phối hợp được nhiều yếu tố từ chuyên môn đến kiến thức, thu được thông tin từ nhiều phía giúp Phân viện có những sản phẩm chất lượng, khác biệt.

Riêng chương trình tìm hiểu dấu tích Chăm pa trong đời sống văn hóa miền Trung, Phân viện đã tổ chức điền dã rất nhiều đợt, mỗi đợt nhiều nhóm, mỗi nhóm đi có ít nhất 5 người. Bên cạnh việc tiếp cận, nghiên cứu các tư liệu hiện vật, việc đo, vẽ, dọn dẹp các cảnh quan xung quanh khu vực nghiên cứu được các nhà nghiên cứu phối hợp triển khai trong mỗi chuyến đi.

Những bước tiến thành công

Công trình “Tượng thờ Hindu giáo: Từ đền tháp Chăm đến chùa miếu Việt” được làm trong một thời gian dài, trên địa bàn trải rộng từ Quảng Bình tới Quảng Ngãi, và cả Bình Định. Khi được in thành sách, công trình dày 200 trang, do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông chủ biên, in tại Nhà xuất bản Thuận Hóa năm 2017.

Cuốn sách tập trung vào các nội dung chính yếu như: Hiện tượng chuyển hóa và biến dưỡng văn hóa - nhìn từ miền Trung Việt Nam; con đường xuôi Nam của người Việt và nghệ thuật chinh phục vùng đất mới trên góc độ văn hóa tâm linh; sự tiếp nhận tượng thờ Hindu giáo trong không gian tôn giáo Việt qua cách thức định danh, thiết trí thờ tự, kỹ thuật xử lý, huyền thoại hóa....

Là kết quả gần 10 năm nghiên cứu theo phương thức xã hội hóa, sách góp thêm tư liệu và góc nhìn về vấn đề tiếp xúc, giao lưu văn hóa Việt - Chăm trong đời sống làng xã miền Trung, qua những dẫn chứng cụ thể, giới thiệu về nghệ thuật tạo hình, giá trị mỹ thuật, tín ngưỡng, sự giao thoa văn hóa Việt - Chăm thông qua việc tiếp nhận các dạng tượng thờ, phù điêu Hindu giáo trong các ngôi chùa, miếu Việt.

Được thành lập năm 1999; đến nay, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế đã có gần 30 đầu sách trong đó có nhiều công trình có tính ứng dụng cao. Đáng chú ý, trong 2 năm 2005 và 2016, Phân viện đã công bố 2 công trình sách “Nghiên cứu hương ước, lệ làng ở vùng đồng bằng” và “Nghiên cứu luật tục, lệ làng trong văn hóa các dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở Quảng Nam”. Hai cuốn sách trên được giải của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Hội Xuất bản Việt Nam (giải Nhất).

Thời gian qua, bên cạnh công trình vừa đạt giải Nhất Giải thưởng Văn nghệ dân gian Việt Nam 2018, Phân viện còn có một công trình khác quy tụ được nguồn nhân lực, thời gian lớn, mang tên “Mỹ thuật thời các chúa Nguyễn qua di sản lăng mộ”.

Phân viện cũng đang chuẩn bị in, giới thiệu một số sản phẩm, kết quả nghiên cứu như: Hoàn tất bản thảo về tục thờ cá voi ở miền Trung; xuất bản công trình sách “Mỹ thuật thời các chúa Nguyễn qua di sản lăng mộ” và một số công trình nghiên cứu về làng, xã ở Quảng Nam.

Khi tạm biệt Hà Nội, ông Trần Đình Hằng bật mí thêm “Riêng với công trình sách “Tượng thờ Hindu giáo: Từ đền tháp Chăm đến chùa miếu Việt”, cán bộ Phân viện sẽ tiếp tục đi sâu vào các câu chuyện từ Bình Định, Khánh Hòa đến Ninh Thuận. Bình Thuận. Chắc chắn vấn đề đặt ra trong công trình sẽ được chứng minh và thể hiện đậm nét hơn”.

Mỹ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/gap-go-nhung-nguoi-giai-ma-van-hoa-cham-bai-2-thanh-qua-tu-nhung-no-luc-20190102081706403.htm