Gặp gỡ Mỹ - Triều lần 3: Níu kéo đây, răn đe kia

Từ cuộc gặp gỡ Mỹ - Triều lần thứ 3, có thể rút ra 3 điều rất đáng chú ý và 4 nhận thức về tiến trình hòa bình và hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên thời gian tới. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

Gặp gỡ Mỹ - Triều lần 3: Níu kéo đây, răn đe kia. (Nguồn: Biếm họa của Sarah Tanat-Jones trên tờ Financial Times)

Một bên quả quyết là ý tưởng gặp nhau đến gần như bột phát. Một phía công khai tỏ ra ngỡ ngàng. Dù sự thật đúng như thế hay cả hai bên đều diễn sâu để sự việc thêm kịch tính, mà cả hai đều có thể tận lợi triệt để, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã lại gặp nhau - lần thứ 3 trong thời gian hơn một năm.

Có ba điều đáng được để ý trong câu chuyện này.

Từ 3 tính chất độc đáo…

Thứ nhất là tính gấp gáp của vụ việc. Cuộc gặp này được thu xếp tưởng như không thể chóng vánh hơn được nữa. Không phải như thế hay sao khi chỉ hơn một ngày sau dòng twitter của ông Trump thì hai người đã gặp nhau? Chậm nhất thì cũng cho tới vụ việc này, thiên hạ không thể không nhận thấy là, trong mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên nói chung và giữa ông Trump với ông Kim Jong-un nói riêng luôn có thể xảy ra đột biến vào bất cứ khi nào theo hướng tích cực nhưng đương nhiên cũng không thể loại trừ cả tiêu cực.

Thứ hai là tính đầu tiên. Ông Trump không phải là tổng thống đương nhiệm đầu tiên của nước Mỹ tới thăm khu phi quân sự tại giới tuyến quân sự tạm thời trên bán đảo Triều Tiên giữa Triều Tiên và Hàn Quốc nhưng là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. Vừa rồi cũng còn là lần đầu tiên có cuộc hội ngộ tay ba giữa Tổng thống Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Thứ ba là địa điểm và thời điểm. Ai cũng biết vướng mắc cơ bản và cũng nan giải nhất lâu nay giữa Mỹ với Iran và với Triều Tiên là vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của hai nước này. Hiện tại, ông Trump và ông Kim Jong-un bất ngờ gặp lại nhau và lại còn gặp nhau ở trên bán đảo Triều Tiên, tức là ngay tại trung tâm của điểm nóng, trong khi Mỹ và Iran lại đang ngấp nghé bên bờ vực của đụng độ quân sự, thậm chí còn cả chiến tranh với nhau.

Cả Trung Quốc và Nga đều có thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề chính trị an ninh liên quan đến hiện tại và tương lai của bán đảo Triều Tiên. Trước cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un ở Bàn Môn Điếm, ông Trump đều đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 tổ chức ở thành phố Osaka của Nhật Bản.

Cho nên có thể thấy được là kết quả quan trọng nhất và có ý nghĩa to lớn nhất ở cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un là cuộc gặp đã diễn ra trong bối cảnh tình hình hiện tại như trên và đã diễn ra ở Bàn Môn Điếm.

Ở Bàn Môn Điếm, ông Trump nhắc lại lời mời ông Kim Jong-un sang thăm Mỹ. Ở Bàn Môn Điếm, hai người này khẳng định lại tiếp tục đàm phán hòa bình và hòa giải vốn đang bị ngưng trệ kể từ cuối tháng Hai đến nay. Nhưng lời mời này đã từng được ông Trump nói ra. Đàm phán hòa bình và hòa giải giữa hai bên cho tới nay đã một vài lần bị ngưng trệ và rồi sau đó được nối lại. Đây cũng là kết quả của cuộc gặp này nhưng không phải với ý nghĩa to lớn và quan trọng nhất.

Cũng từ đấy mà có thể rút ra được bốn nhận thức có khả năng chi phối diễn biến tiếp theo đây của tiến trình hòa bình và hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên.

…đến 4 nhận thức về triển vọng

Thứ nhất, bằng cái gọi là "Ngoại giao thư tín" và bằng ba cuộc gặp nhau cho tới nay, ông Trump và ông Kim Jong-un chủ ý tranh thủ cá nhân lẫn nhau và dùng mối quan hệ cá nhân này làm phương cách và công cụ để xử lý chuyện quan hệ song phương hiện tại giữa Mỹ và Triều Tiên.

Ở đây, hiện thật khó phân biệt được rạch ròi hai người này "hợp nhau " thật hay vì đều toan tính thực dụng mà chủ ý công khai tỏ ra rất hiểu nhau, rất tôn trọng nhau, rất tranh thủ và đề cao lẫn nhau.

Thứ hai, ông Trump tạo dựng sự tương phản về mức độ quan hệ song phương giữa Mỹ và Triều Tiên với giữa Mỹ và Iran để răn đe và cô lập Iran. Thông điệp của ông Trump ở đây là, tuy cùng vấn đề mắc mớ nhưng phía Mỹ có thể giải quyết được hòa giải được với Triều Tiên trong khi có thể làm găng với Iran và không cần nhất khoát phải vội giải quyết vấn đề với Iran.

Ông Trump cũng còn muốn cho Trung Quốc và Nga thấy là, Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn hoàn toàn làm chủ và dẫn dắt tiến trình hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên cũng như thừa khả năng làm phá sản mọi mưu tính của Trung Quốc và Nga chơi "Con bài Triều Tiên" trong quan hệ của họ với Mỹ, không để cho Trung Quốc và Nga tùy ý phân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên để tận lợi.

Thứ ba, một cuộc gặp cấp cao thực thụ mới nữa giữa Mỹ và Triều Tiên trong thời gian gần tới chứ không xa đã trở nên thực tế hơn cũng như khả thi hơn và cả việc ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên tới thăm Mỹ cũng đã trở nên thực tế và khả thi hơn trước rất nhiều. Đàm phán hòa bình và hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên không trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn nhưng sẽ tiến triển rõ nét hơn.

Thứ tư, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định vai trò trung gian của Hàn Quốc và của cá nhân mình cho việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Và cơ chế gặp gỡ ba bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đã bắt đầu phôi thai để rồi dần định hình và phát huy vai trò.

Dịch Dung

Dịch Dung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gap-go-my-trieu-lan-3-niu-keo-day-ran-de-kia-96792.html