Gặp gỡ Lạng Sơn, tháng Hai 2019…

Trước Tết Kỷ Hợi, anh Nguyễn Duy gửi một tin nhắn 'Kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới, đi Lạng Sơn không? Nếu đi thì đăng ký ngay, chỗ ngồi xe của bọn này từ Hà Nội hạn chế lắm'. Đi chứ. Đã tuột mất cơ hội rong ruổi cùng thơ và hoa đào ở Lạng Sơn tháng 2. 2017, lần này sao có thể để mất.

1. Dự tính ban đầu của chuyến đi dân sự tự phát về lại chiến trường xưa này chỉ là 10 người. Vậy mà khi hạ cánh Nội Bài, quân số thêm từ Hà Nội đã thành 30. Nguyễn Duy, Ngô Thảo, Phạm Xuân Nguyên, Trần Đăng Tuấn, Nguyễn Cường, Trần Tiến, Nguyễn Thị Hậu, Huy Đức, Trần Định, Nguyễn Đình Toán, Dương Minh Long, Nguyễn Trọng Chức, các nhà báo ở VTC, Tiền Phong, Người Đô Thị... Thế rồi cũng đâu vào đó, tíu tít người và xe buổi sáng đầu xuân trên sân nhà trọ đường Lê Thạch gần hồ Gươm, cảm giác bồi hồi như trong câu thơ Nguyễn Duy: Ta về thăm chiến trường xưa/Em - hoa đào muộn Kỳ Lừa mùa xuân...

Xe đi qua sông Hồng, sông Đuống mùa nước thấp; đi qua những địa danh in dấu trong thơ văn và những bài hát xuyên thời gian: Lim, Suối Hoa, Thị Cầu, Đáp Cầu... của Bắc Ninh, Hương Sơn, Lạng Giang... của Bắc Giang. Đâu đó theo đường xe đi là sông Cầu, trong lịch sử có tên là sông Như Nguyệt, nơi Lý Thường Kiệt đã chỉ huy quân đội đánh tan 100.000 quân Bắc Tống vào năm 1077. Khi xe bắt đầu vào đất Chi Lăng - huyện đầu tiên của Lạng Sơn ở hướng Nam, ai đó trên xe đã mở nhạc. Ca từ và giai điệu nối nhau bài này sang bài khác: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...”; “Đoàn quân vội đi, đi về biên giới, cũng từ biên giới về những bầy trẻ nhỏ, đoàn quân lặng im nhìn đàn em bé, từng đôi mắt đen xoe tròn, từng đôi mắt mang hình viên đạn...”; “Hãy cho tôi lên đường, cho tôi lên đường về miền biên cương mịt mù khói sương, hãy cho tôi lên đường, tôi đi tiêu diệt giặc thù xâm lăng bảo vệ biên cương”...

Từ phải: ông Trương Hùng Anh, nhà thơ Nguyễn Duy, ông Bạch Tiến Hạnh, bà Hoàng Thị Tú

Từ phải: ông Trương Hùng Anh, nhà thơ Nguyễn Duy, ông Bạch Tiến Hạnh, bà Hoàng Thị Tú

Tiếng hát Ái Vân trong Hãy cho ta lên đường tháng 3 năm 1979 ấy sao mà ngọt ngào và thôi thúc, đã làm bật lên tiếng hát xúc động của những người trên xe. Họ, những năm tháng lịch sử ấy trên dưới đôi mươi, ai cũng có những kỷ niệm và xúc cảm xa gần với dải đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. Vợ chồng bác sĩ Hải Đăng và Hằng Thư từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ ở vùng đất này. Nhạc sĩ Trần Tiến, tác giả của ca khúc Những đôi mắt mang hình viên đạn ra đời trong giai đoạn chiến tranh biên giới. Nhà thơ Nguyễn Duy cùng với tổ “phóng viên chiến trường” của báo Văn Nghệ gồm Đỗ Chu, Hồng Phi, Phạm Tiến Duật, Hoài An... những người chỉ một ngày sau khi chiến sự nổ ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đã có mặt ở mặt trận Lạng Sơn, 18.2.1979.

Và chính trong những ngày khói lửa đó mà các nhà báo văn nghệ từng khoác áo lính ấy đã gặp tổ tự vệ trực chiến của trường Đông Kinh Phố gồm bốn giáo viên mới qua tuổi hai mươi và sục sôi tinh thần yêu nước đang bám trụ tại thị xã Lạng Sơn: Trương Hùng Anh (sau này là Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn), Hoàng Thị Tú, Bạch Tiến Hạnh, Bình (đã mất)... Họ đã trở thành bạn bè kể từ thời điểm sinh tử ở Lạng Sơn năm ấy.

Chừng nào cảm xúc của lòng yêu nước còn là mối dây gắn kết các thế hệ trên đất nước ta, chừng ấy mọi thứ kẻ thù đều phải coi chừng. Trách nhiệm nuôi dưỡng cảm xúc ấy một cách vững chắc phải chăng là thuộc về chính mỗi chúng ta.

Tham gia hành trình từ Đồng Mỏ đến Lạng Sơn ngày 16.2.2019, anh Bạch Tiến Hạnh, cựu giáo viên dạy văn, sử trường Đông Kinh Phố ở Lạng Sơn năm xưa chia sẻ: đến nay anh vẫn còn giữ bản tốc ký bài thơ ngắn làm tại mặt trận của Nguyễn Duy - Đêm ở chốt 417: Thâm lũng, Tam lung... chìm nghỉm trong đen/ Bất chợt lại xanh lè đạn nổ/ Lửa đốt lòng ta những đêm không ngủ/ Là ánh đèn đã tắt dưới làng dân (Lạng Sơn, 22.2.1979).

Đêm giao lưu của các văn nghệ sĩ với thầy trò trường chuyên Chu Văn An ngày 16.2.2019. Từ phải: nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhà thơ Nguyễn Duy, nhạc sĩ Trần Tiến và các cô giáo

Và cả bài thơ mà Phạm Tiến Duật chép vào sổ của Hạnh - bài thơ Duật làm tại Hà Nội một ngày trước khi lên mặt trận Lạng Sơn - Ý nghĩ trước trận đầu đánh thắng: Đồng đội ơi, các anh đánh rất tài/ Nếu chúng chưa thật kinh hoàng, hãy cho thêm trận nữa/ Đến bằng lửa, chúng phải đi bằng lửa/ Lần này đến ống đồng chúng cũng chẳng kịp chui.

Còn Hoàng Thị Tú, nhân vật đặc biệt có mặt trong chuyến xe Hà Nội - Lạng Sơn cùng chúng tôi hôm nay thì vẫn giữ được giọng nói và phong thái mềm mại như chị từng có trong mọi hoàn cảnh, một phong thái đã khiến chị trở thành hình tượng nghệ thuật trong bài thơ Dạ hương mà Nguyễn Duy xúc cảm viết ngay trong những ngày Lạng Sơn khói lửa cách đây 40 năm: Sẽ rất nhớ dáng người vừa thoáng gặp/chiều Lạng Sơn súng nổ rụng hoa đào/những giọt máu của vườn cây vung vãi/Trường sơ tán rồi, cô giáo còn chốt lại/khẩu súng thép chéo lưng con gái/ôi tấm lưng kia ngỡ sinh ra để mà mềm mại/Dáng điệu ấy chốt lại lòng ta mãi/như dạ hương thoáng gặp một đêm nào.

Khi nói Hoàng Thị Tú đặc biệt là chúng tôi nhớ câu nói của nhà thơ Nguyễn Duy: “Tú chính là sợi dây kết nối tụi mình với Lạng Sơn từ ngày ấy”, nhớ câu chuyện mà nhà thơ Nguyễn Duy từng kể về chị trong những ngày chiến tranh khốc liệt ở Lạng Sơn tháng Hai cách nay 40 năm. Là con gái của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn - Hoàng Trường Minh thời kỳ chiến tranh biên giới, Tú đã không theo gia đình và nhân dân trong thị xã sơ tán về Đồng Mỏ. Chị không những cùng tổ tự vệ trường Đông Kinh Phố bám trụ bảo vệ trường mà sau đó, khi đã được cấp trên kiên quyết buộc cả tổ tự vệ phải rời nơi chiến sự ác liệt, Tú còn mạo hiểm trở lại hang Phai Vệ để mang đi toàn bộ học bạ và hồ sơ của nhà trường được cất giấu ở đó vào ngày mới nổ ra chiến sự.

Học sinh trường chuyên Chu Văn An biểu diễn tại đêm giao lưu bài “Tạm biệt chim én” của nhạc sĩ Trần Tiến

Trong chuyến hành trình về Lạng Sơn vào dịp 40 năm sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, khi nhớ lại hành động hết sức mạo hiểm đó của chính mình, Tú thú nhận khi ấy chị rất sợ vì phải băng qua thị xã Lạng Sơn hoang tàn vì đạn pháo, hôm đó gần như không một bóng người, cái chết rình rập vì quân giặc có thể bắn ra từ chỗ ẩn nấp nào đó mà mình không thể biết. Nhưng nếu để mất số học bạ và hồ sơ thì cả học sinh và nhà trường đều sẽ rất khó khăn sau này. Nghĩ thế mà vượt qua nỗi sợ hãi. Thật hú vía, chỉ mấy ngày sau đó hang Phai Vệ bị quân Trung Quốc phá tan bằng bộc phá.

2. Thành phố Lạng Sơn tối 16.2.2019 ở Hội trường Tỉnh ủy là một tối đáng nhớ cho tất cả những ai có mặt. Tôi tin vậy. Hơn 100 học sinh chuyên văn của trường chuyên Chu Văn An đã tề tựu từ sớm để tham dự buổi giao lưu với những nhân chứng của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh chống xâm lược 17.2 ở thành phố địa đầu này thay cho diễn văn và biểu ngữ là dạt dào cảm xúc của những người đã đi qua cuộc chiến khốc liệt ấy và may mắn còn sống. Là sự tò mò có kềm nén của những gương mặt non tơ, trong sáng mà tuổi đời cách cuộc chiến tranh đến hơn 20 năm. Những người trẻ ấy đến đây không chỉ là để nghe các nhạc sĩ ngôi sao Trần Tiến và Nguyễn Cường hát với khoảng cách rất gần những ca khúc lứa trẻ một thời ưa thích Mặt trời bé con, Mái đình làng biển, Những đôi mắt mang hình viên đạn. Họ đến còn là để ngồi thật yên lặng nghe nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Duy đọc những bài thơ thấm đẫm tình yêu đôi lứa quyện với tình yêu quê hương xứ sở vào thời điểm 40 năm trước.

Từ trái: Nhà thơ Nguyễn Duy, ông Trương Hùng Anh, bà Hoàng Thị Tú, ông Bạch Tiến Hạnh trong buổi giao lưu với thầy trò trường phổ thông chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn ngày 16.2.2019

Tách khỏi hàng ghế khách mời để ngồi gần những người trẻ mới cảm động nhận ra về niềm tin cho chính thế hệ mình: tuổi trẻ chưa trải nghiệm chiến tranh không có nghĩa là tuổi trẻ không thể rung động trước những vẻ đẹp nghiệt ngã của tình cảm con người trong một thời khắc mong manh sống chết và cả hoang mang giữa thật - giả, thủy chung - phản bội. Quân giặc tràn qua đèo Hữu nghị quan/Đồng Đăng thất thủ rồi/Pháo Bằng Tường dội sang xối xả/dằng dặc dòng người sơ tán đổ về xuôi/... Trẻ con trên ô tô trên xe trâu xe thồ/ Trẻ con trên lưng trẻ con trên tay/ Trẻ con lon ton níu váy níu áo/ Đòn gánh nữa kia kẽo kẹt nghiến trên vai/ Một đầu gánh là trẻ con còn đầu kia là nồi gạo/ Mắt trẻ con cứ tròn thao láo/ Như hòn sỏi ném theo đoàn quân đi.../ Bao lứa trẻ từng lớn lên như thế/ Gặp lũ trẻ con nay bắt gặp tuổi thơ mình/ Gặp tuổi thơ của em/ Gặp tuổi thơ của anh/ Gặp lại cả mấy thời chạy loạn/ Thời là tản cư/ Thời là sơ tán/ Gian nan xưa cứ tưởng đã cũ rồi !/ Quân đi, quân đi/ Ngược lên biên giới/ Có cái nhìn như sỏi ném sau tôi... (Ngày đầu lên biên giới, Nguyễn Duy, 18.2.1979).

Khi Nguyễn Duy nức lên nghẹn ngào trên sân khấu, kể rằng những ánh mắt trẻ thơ trong mắt anh khi ấy như là những viên sỏi nẩy lên dưới mỗi bước chân người lính, những đôi mắt - viên sỏi ấy như trách móc, như hờn giận đã ám ảnh anh mãi; tôi thấy các khán giả trẻ của anh như bất động và ứa nước mắt...

Bia tưởng nhớ nhà báo Nhật Bản Isao Takano - phóng viên nhật báo Akahata hy sinh tại mặt trận Lạng Sơn khi đang làm nhiệm vụ, tháng 3.1979

Sau Nguyễn Duy là anh Trương Hùng Anh - một trong những giáo viên - nhân chứng của những ngày Lạng Sơn chìm trong khói lửa của cuộc xâm lược phát biểu. Anh nói với các em học sinh và thầy cô giáo trường chuyên Chu Văn An trong niềm xúc động rằng, khi nhận lệnh của cấp trên phải rời ngay vị trí trực chiến để không hy sinh vô ích trước hỏa lực ghê gớm của quân địch, anh và cả tổ trực chiến của anh đều muốn chống lệnh và đều có cảm giác như mình đang trốn chạy, như mình có lỗi. Tổ quốc đang bị dày xéo, bị xâm chiếm, sao ta có thể bỏ đi, dù là bỏ đi theo mệnh lệnh. Tràng vỗ tay nồng nhiệt ngay sau khi anh Trương Hùng Anh dứt lời và nét xúc động chân thành trên những gương mặt non trẻ đang hiện diện đã làm cho những người thuộc lứa tuổi 60, 70 chúng tôi rơi nước mắt.

Chừng nào cảm xúc của lòng yêu nước còn là mối dây gắn kết các thế hệ trên đất nước ta, chừng ấy mọi thứ kẻ thù đều phải coi chừng. Trách nhiệm nuôi dưỡng cảm xúc ấy một cách vững chắc phải chăng là thuộc về chính mỗi chúng ta. Có lòng yêu nước và ý chí vượt lên để sống, lo gì mà những đổ nát hoang tàn như Lạng Sơn bốn mươi năm trước sẽ không nhường bước cho sự phát triển hôm nay. Lạng Sơn 2019, quả là một cuộc gặp gỡ ấm áp.

Bài và ảnh: Thanh Nguyễn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/gap-go-lang-son-thang-hai-2019-17467.html