Gập ghềnh tương lai 'dải lụa Đông Nam Á'

Môi trường cạnh tranh khốc liệt, cùng những bất ổn địa chính trị đã khiến hãng hàng không lớn nhất 'xứ sở Chùa vàng' lao dốc từng bước và cuối cùng phải đệ đơn xin phá sản.

Máy bay của hãng hàng không Thai Airways tại sân bay quốc tế Changi, Singapore. Ảnh: AFP/ TTXVN

Máy bay của hãng hàng không Thai Airways tại sân bay quốc tế Changi, Singapore. Ảnh: AFP/ TTXVN

Được mệnh danh là “dải lụa Đông Nam Á”, Thai Airways từng là một ngôi sao sáng trên bầu trời Thái Lan. Tuy nhiên, môi trường cạnh tranh khốc liệt, cùng những bất ổn địa chính trị đã khiến hãng hàng không lớn nhất “xứ sở Chùa vàng” lao dốc từng bước và chìm trong gánh nặng nợ nần.
Mọi thứ diễn ra ngày càng tệ và Thai Airways liên tục báo lỗ từ năm 2012 (ngoại trừ năm 2016), để rồi đến năm 2020, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã như một “cú đánh chí mạng”, khiến bao nỗ lực tái cơ cấu và vực dậy của hãng hàng không này rơi vào vô vọng.
Cuối cùng, Thái Airways đã buộc phải nộp đơn xin phá sản sau một hành trình dài đầy mỏi mệt.
* Thời hoàng kim của “dải lụa” Đông Nam Á
Được thành lập vào năm 1960, Thai Airways International Plc. - một liên doanh giữa Thai Airways Company (TAC) và Hệ thống Hàng không Scandinavi (SAS) vận hành các chuyến bay nội địa, khu vực và quốc tế khởi hành từ Bangkok, Thái Lan. Với khẩu hiệu “Êm như lụa”, Thai Airways dần trở thành một trong những hãng hàng không lớn nhất trong khu vực
Năm 1960, những chuyến bay đầu tiên của Thai Airways đã khởi hành từ sân bay Suvarnabhumi Bangkok đến 9 địa điểm trong khu vực châu Á. Hai năm sau, hãng bắt đầu mở rộng phạm vi khai thác ra thị trường quốc tế với tốc độ nhanh chóng nhằm gia tăng thị phần. Những điểm đến đầu tiên là Australia (1970), châu Âu (1972), Bắc Mỹ (1980)…
Tháng 4/1977, sau 17 năm Thai Airways được thành lập, Chính phủ Thái Lan đã mua lại SAS và Thai Airways trở thành hãng hàng không thuộc 100% sở hữu nhà nước. Cột mốc tiếp theo của hãng là vào tháng 4/1988, khi Thai Airways sáp nhập với TAC, giúp nâng vốn cổ phần của hãng từ 1,4 tỷ baht lên 2,23 tỷ baht.

Thai Airways chính thức trở thành hãng hàng không quốc gia duy nhất của Thái Lan. Ngày 25/6/1991, Nội các Thái Lan thông qua kế hoạch cho phép Thai Airways niêm yết cổ phiếu tại Sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET), nhờ đó vốn cổ phần của hãng tăng từ 2,23 tỷ baht lên 14 tỷ baht. Đây là vụ niêm yết cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử của SET.
Với phương châm cung cấp dịch vụ an toàn, tiện nghi, chất lượng và có trách nhiệm với môi trường, ngày 14/5/1997, Thai Airways cùng với Lufthansa, Air Canada, SAS và United Airlines đã thành lập Liên minh Ngôi sao - liên minh hàng không đầu tiên và lớn nhất thế giới.

Mạng lưới tuyến bay của Thai Airways chú trọng nhiều hơn đến các điểm đến sinh lợi, hơn là khai trương các điểm đến mới. Thai Airways thúc đẩy chiến lược đội bay ngắn hạn kéo dài 3-5 năm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiêu liệu cho đội bay, trong khi kế hoạch dài hạn là đảm bảo hãng sở hữu chủng loại và số lượng phù hợp các máy bay thế hệ mới có tính hiệu quả cao.

Vị trí chiến lược của sân bay Suvarnabhumi Airport Bangkok là một trong những nhân tố hỗ trợ đắc lực cho sự thành công của Thai Airways.
Năm 2010, Thai Airways đón sinh nhật thứ 50 với cam kết duy trì các dịch vụ mang đậm bản sắc Thái Lan trên thị trường quốc tế, qua đó quảng bá ra thế giới những nét độc đáo của văn hóa, phong tục, tập quán và truyền thống của Thái Lan.

Máy bay của Thai Airways tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 25/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

* “Cú đánh chí mạng” mang tên COVID-19
Tuy nhiên, sau hơn 40 năm hoạt động có lãi, Thai Airways đã ghi nhận khoản lỗ đầu tiên lên tới 21 tỷ baht (gần 696 triệu USD) vào năm 2008. Nguyên nhân được cho là do chi phí nhiên liệu gia tăng và bối cảnh đất nước nhiều biến động.

Cựu Chủ tịch Thai Airways Sumeth Damrongchaitham đã từng cảnh báo rằng hãng "đang bên vực phá sản", đồng thời kêu gọi toàn thể nhân viên tham gia vào các nỗ lực phục hồi của hãng.

Trong bức thư gửi tới các quản lý của Thai Airways, ông Damrongchaitham nhấn mạnh: "Hôm nay, tôi muốn toàn thể nhân viên đoàn kết lại để vượt qua những khó khăn, nếu không hãng hàng không quốc gia sẽ phải đóng cửa. Hiện vẫn còn thời gian để chúng ta tính đến một giải pháp, dù không còn nhiều".

Với khoảng 20.000 nhân viên, Thai Airways đã phải chật vật để chống chọi với những khó khăn khi hãng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ, nhất là các hãng hàng không giá rẻ trong khu vực, trên các tuyến bay tới Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Việt Nam... Sức ép trên thị trường đã dẫn đến kết quả kinh doanh nghèo nàn.

Trong năm 2017, Thai Airways thông báo lỗ ròng 2,11 tỷ baht (khoảng 65,8 triệu USD), con số này sau đó tăng vọt lên 11,6 tỷ baht (363,6 triệu USD) vào năm 2018 và 12 tỷ baht (376,2 triệu USD) trong năm 2019.

Và chuyện gì đến cũng phải đến, sau nhiều năm gánh chịu các khoản nợ chồng chất của Thai Airways, tháng 5 vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã quyết định giảm cổ phần tại hãng hàng không này, đồng thời đưa những vướng mắc của Thai Airways ra giải quyết tại Tòa án Phá sản Thái Lan (CBC).
Ngày 26/5/2020, Tòa án trung ương Thái Lan đã tiếp nhận đơn xin phá sản và tái cơ cấu của hãng hàng không Thai Airways. Đây được xem như dấu chấm hết cho một doanh nghiệp đã sa sút trong nhiều năm.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, giới chuyên gia cho rằng bên cạnh những vấn đề cố hữu vẫn chưa được giải quyết, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn rất mạnh vào những nỗ lực nhằm vực dậy hãng hàng không quốc gia Thái Lan.

Cảnh vắng vẻ ở sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan do dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

* Gian nan con đường phía trước
Đến giữa tháng 9/2020, Tòa án Phá sản Thái Lan (CBC) thông báo chấp thuận đề nghị tái cơ cấu của Thai Airways - hãng hàng không quốc gia đang "ngập" trong khoản nợ lên tới hàng tỷ USD và đang phải vật lộn để tồn tại, giữa bối cảnh ngành du lịch “xứ sở Chùa vàng” tiếp tục lao dốc vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo báo chí nước này, kế hoạch tái cơ cấu sẽ được tiến hành trong nhiều năm nhằm tìm cách tăng thêm nguồn vốn, đồng thời giảm mạnh nhân sự và số lượng máy bay của hãng. Mục tiêu trước mắt của Thai Airways là tìm kiếm một khoản vay trị giá khoảng 1,78 tỷ USD trong thời gian ngắn, để từ đó trang trải tài chính cho chi phí vận hành và trả lương.
Tòa án Phá sản đã nhất trí đề nghị của Thai Airways về kế hoạch tái cơ cấu. Dự kiến, Thai Airways sẽ đệ trình kế hoạch này vào cuối năm.
Trong vài năm qua, Thai Airways từng nhiều lần tiến hành tái cơ cấu nhưng chưa thể giải quyết triệt để hàng loạt vấn đề mang tính hệ thống dai dẳng, bởi công ty này đã gặp nhiều vấn đề tài chính ngay cả trước đại dịch do những vấn đề được cho là quản lý yếu kém, phi đội tàu bay cũ kỹ và ngốn quá nhiều nhiên liệu.
Tất cả các chỉ số hiện nay đều đáng báo động đối với Thai Airways - một công ty vốn được xem là hãng hàng không tốt thứ 2 thế giới vào năm 2007 và vừa tròn 60 "tuổi" trong năm 2020. Thai Airways đã thua lỗ gần 900 triệu USD trong quý I/2020, trong khi tổng nợ đã lên tới 10,6 tỷ USD tính đến cuối tháng 6.
Hiện tương lai của hãng hàng không từng là biểu tượng thành công của Thái Lan vẫn còn chưa ngã ngũ. Giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 đã đẩy ngành hàng không toàn cầu rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Tuy các lệnh cấm du lịch đã được dỡ bỏ nhưng nhiều biện pháp hạn chế vẫn được áp đặt khiến phần lớn các hãng hàng không đã phải giảm hoạt động của một lượng lớn máy bay và tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ./.

Phương Nga-Kim Dung

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gap-ghenh-tuong-lai-dai-lua-dong-nam-a/170501.html