Gập ghềnh đường đến lớp

Đi cầu gỗ, cầu tre lắt lẻo; chân trần lội suối hoặc đu dây bằng cáp treo thô sơ qua suối khi mùa mưa lũ về… đó là con đường đến trường tìm chữ của các em học sinh thuộc miền Lân Nguộc - Rọ Phạu, xóm Bình Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai). Hơn bao giờ hết, các em và người dân luôn mong ngóng, khát khao có một cây cầu.

Mùa mưa lũ, các em học sinh phải đu dây cáp treo qua suối mới đến được lớp học.

Mùa mưa lũ, các em học sinh phải đu dây cáp treo qua suối mới đến được lớp học.

Xóm Bình Sơn có 103 hộ, trên 500 nhân khẩu thì riêng Khu Lân Nguộc - Rọ Phạu có 15 hộ với gần 100 nhân khẩu, đa số hộ là dân tộc Mông, 12/15 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Trước đây, khu này chỉ có một vài hộ dân, nhưng gần 20 năm trở lại đây, để tiện canh tác ruộng nương, bà con dân tộc Mông các nơi lần lượt kéo nhau về đây sinh sống. Gần trung tâm xóm, nhưng do có suối Lân Nguộc chảy quanh tạo ngăn cách với đường liên xã nên lâu nay việc đi lại của bà con rất vất vả. Từ trung tâm xóm vào khu Lân Nguộc khoảng 3km nhưng đường quanh co, khúc khuỷu, dù đi bên trên hay phía dưới đều phải qua suối mới sang được đường liên xã. Toàn khu có khoảng 4 điểm qua suối để ra đường to nhưng chưa có cây cầu kiên cố nào. Để phục vụ đi lại, người dân bảo nhau làm những những cây cầu bằng tre, bằng gỗ, nhưng cũng chỉ đi được vào mùa nước cạn.

Học sinh khu Lân Nguộc - Rọ Phạu lội suối đến trường

Ông Ma Văn Đoàn, một hộ dân trong khu chia sẻ: Cuộc sống của chúng tôi vốn khó khăn lại càng khổ hơn khi làm ra cân ngô, cân thóc, nuôi được con lợn muốn bán cũng khó vì thương lái không dám vượt suối vào. Chỉ khi mùa cạn, bà con còn có thể lội suối, đi qua cầu tre, bằng gỗ nhưng hiểm nguy luôn rình rập. Cầu tre thì chênh vênh, yếu, mỗi lần đi chỉ được một, hai người, trẻ con phải có người lớn dắt qua... Chúng tôi luôn mong sao có một cây cầu kiên cố để người dân, con cháu đi lại thuận tiện và an toàn hơn.

Đặc biệt, sự học của các em ở Lân Nguộc vô cùng gian nan khi ngày ngày phải vượt suối đến trường. Toàn khu hiện có hơn 40 học sinh ở các cấp học, trong đó đa số học cấp tiểu học, mầm non. Chị Phùng Thị Thương, người có hơn chục năm làm giáo viên “cắm bản” ở Điểm trường Lam Sơn - Bình Sơn, Trường Tiểu học Cúc Đường cho biết: Các em học sinh ở đây phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, mà một trong số đó là con đường tới lớp. Có những tháng nước dâng cao không đi lại được, các em phải nghỉ học hơn 1 tuần. Để không ảnh hưởng đến việc học, nhiều học sinh cấp 2 đã bất chấp nguy hiểm đu dây đến trường.

Nói rồi cô Thương dẫn chúng tôi đến một đoạn suối hai bên có cây cối rậm rạp, gần nhà ông Ma Văn Đoàn. Ông Đoàn bảo: Đây là chiếc đu do tôi tự sáng chế cách đây 3 năm để phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt của gia đình. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ nước dâng cao, các đường khác không đi lại được, bà con quanh đây xin cho gia đình, con cháu đi nhờ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường cho biết: Giao thông cách trở là rào cản lớn ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, việc học tập của con em. Xã cũng rất trăn trở về vấn đề này và nhiều lần có ý kiến cũng như đưa việc xây cầu vào kế hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025 để trình UBND huyện. Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cũng đã về làm việc, khảo sát song cũng chưa có kế hoạch cụ thể khi nào xây dựng cầu. Chúng tôi rất mong sớm được cấp trên quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí để xây cầu góp phần khắc phục những khó khăn mà bà con, học sinh nơi đây đang gặp phải.

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/giao-duc/gap-ghenh-duong-den-lop-282604-100.html