Gặp Đức Miêng nhớ 'Chiều biên giới'

Thời chống Pháp, mẹ Đức Miêng bỏ anh vào thúng gánh chạy loạn lên Bắc Ninh và thành dân vùng quan họ bây giờ. Khi trưởng thành, người nhạc sĩ tài hoa này đã gắn bó với miền quan họ và coi việc gìn giữ, bảo tồn những làn điệu dân ca này là nhiệm vụ của đời mình.

1. Tôi nhớ anh nổi tiếng nhất bài “Chiều biên giới” đặc chất quan họ một thời mà ai cũng ngân nga hát. Đến bây giờ Đài Tiếng nói Việt Nam trong các chương trình dân ca vẫn vang lên du dương. Nhạc sĩ Đức Miêng tâm sự rằng, bài “Chiều biên giới” là một bài dân ca quan họ, có tên gốc là “Lời thương ta ngỏ cùng nhau”, tức là đôi bên nam nữ cùng ngỏ được anh cải biên. Gần 30 năm rồi, bài hát vẫn có sức sống nhất là đối với người dân miền quan họ.

Đức Miêng tâm sự: “Vào một ngày của năm 1978, khi chiến tranh biên giới Tây - Nam nổ ra, tôi và đoàn cán bộ lên một chốt ở vòng cung Đông Bắc. Nhiều anh lính trẻ, xa nhà, tâm trạng buồn lắm, nhớ quê hương lắm. Tôi hỏi họ làm sao mà buồn, họ bảo vì nhớ người ở hậu phương. Câu trả lời gây cho tôi một ấn tượng, hình thành một phản xạ tự nhiên để sáng tác bài hát. Tôi cũng hình dung ra được nỗi nhớ mênh mông của những người lính có câu trả lời rất tự nhiên”.

Thế rồi ca từ và nét nhạc như chạy vào máu thịt của mình chảy lên trang giấy và chỉ sau một đêm anh viết xong bài mà ai nghe cũng thấy đằm thắm: “Chiều biên giới anh thầm nhớ về, nơi em đó bộn bề, bao nỗi nhớ tha thiết…”. Bài hát song ca nam nữ nhằm trao đổi thông tin giữa chàng và nàng. Bài hát đầu tay của người nghệ sĩ trẻ ra đời và chiếm lĩnh được tình cảm của đông đảo khán giả và đó cũng là ca khúc mà Đức Miêng thích nhất. Sau khi ra đời được 3 tuần, bài hát được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đó có hàng nghìn lá thư của thính giả gửi về và có nhiều kỷ niệm đến với anh.

Thành công đó, không hẳn là lý do để Đức Miêng sáng tác hàng trăm ca khúc quan họ và khoảng 100 bài hát hiện đại. Trong khoảng thời gian không dài từ năm 1978 đến 1980, nhạc sĩ Đức Miêng đã đặt lời và cải biên thành công gần 100 ca khúc trên cơ sở của các làn điệu quan họ. Từ đó, tên tuổi Đức Miêng được giới âm nhạc chú ý và dần dần khẳng định được vị trí của mình. Những sáng tác của anh nhanh chóng chiếm lĩnh các sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp và nghiệp dư ở mảng dân ca như một hiện tượng đặc biệt.

Quan họ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, một tài sản chung của cả nhân loại. Sự kiện đó không chỉ mang lại niềm vui cho người quan họ, mà cho nhân dân cả nước. Riêng với Đức Miêng thì đó là một niềm vui đặc biệt, chứng tỏ thế giới đã quan tâm đến loại hình văn hóa độc đáo và thể hiện những cố gắng không mệt mỏi của những người làm công tác văn hóa, bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống.

Nhạc sĩ Đức Miêng

2. Không sinh ra ở vùng Kinh Bắc, nhưng Đức Miêng thấm đẫm những ngọt ngào đằm thắm của câu dân ca quan họ. Từ nhỏ, cậu học sinh tuấn tú chẳng bỏ xem một buổi diễn nào, khi đoàn văn công về xã, bởi ước mơ sau này lớn lên được làm về văn hóa, nghệ thuật. Sau đó, anh đã đỗ vào trường âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (khóa 1967-1971). Ra trường, anh lại trở về quê hương quan họ như một thứ duyên nợ, làm việc ở Đoàn Ca múa Hà Bắc. Từ năm 1983 đến 1994, anh chuyển sang làm việc ở Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh. Gắn bó với đoàn, với dân ca truyền thống, Đức Miêng đi khắp nơi biểu diễn. “Đi đâu tôi cũng mang mùa xuân đi theo để đến với mọi người, vì trong quan họ có nhiều mùa xuân, có nhiều khoảnh khắc xuân, từng lời ca đã thấm thía chất xuân” - Đức Miêng tự hào nói.

Thực sự, anh là người đi nhiều, từng trải trong cả những miền văn hóa khác nhau lẫn những trải nghiệm ở đời. Ở đâu, anh cũng cố nắm bắt cái chất dân gian mỗi vùng và nhuần nhuyễn kết hợp với văn hóa đặc trưng của 49 làng quan họ gốc vùng Kinh Bắc, để sáng tác hay hơn, đẹp hơn. Vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Cách - Nguyễn Kim Quýnh - những người bỏ tiền ra phục dựng quan họ làng Đặng Xá cho rằng, Đức Miêng là nhạc sĩ có ca từ đẹp và thấu hiểu văn hóa Kinh Bắc, anh có lẽ là nhạc sĩ duy nhất vừa sáng tác nhạc hiện đại, vừa viết lời cho quan họ và đều thành công.

Say mê làm việc và cống hiến, thành quả anh nhận được là Huy chương Vàng về sáng tác tại Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc năm 1985 cho ca khúc “Gửi về quan họ”. Năm 1993, anh được giải thưởng bài hát hay nhất trong năm của Đài Tiếng nói Việt Nam cho bài “Mùa xuân qua sông Đuống”. Anh cũng được nhận Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa 2000, 2 Bằng khen của UBND tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt những ca khúc của anh luôn được bình chọn và đứng đầu bảng về dân ca quan họ như “Lời thương ta ngỏ cùng nhau”, “Chiếc nón ba tầm”, “Yêu một Bắc Ninh”... Mới đây nhất, ca khúc “Dịu dàng” được anh sáng tác trong nỗi đau nhân thế, khi hiện thực còn xô bồ và những điều giản dị ngày càng ít.

3. Một thời gian, Đức Miêng rất sợ quan họ bị mai một do nhiều nguyên nhân khác nhau. Anh bảo: “Quan họ cổ truyền, bản chất là thú chơi dân dã, chỉ diễn ra trong phạm vi các hội quan họ kết nghĩa. Xưa kia, ngoại trừ lúc thi lấy giải ở hội làng, còn thì chỉ có người quan họ kết nghĩa mới hát đối với nhau. Các canh hát được tổ chức mỗi năm một đôi lần trong dịp hội làng hay khi nhà ai có đám khao. Mối quan hệ nghệ thuật đặc biệt đó được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Thế nên người ta mới gọi là chơi quan họ. Những năm 60 của thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân, những hội quan họ cuối cùng đã chấm dứt cuộc chơi của mình.

Nhiều năm qua, những liền anh liền chị “xịn” cũng dần qua đời. Nỗi lo đó đặt lên vai những người làm văn hóa và say quan họ như Đức Miêng. Sau này, anh đã ròng rã hàng chục năm, đi đến mọi làng quê quan họ, tiếp xúc với các thế hệ nghệ nhân, tìm hiểu về sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, học tập ca hát những làn điệu còn lưu truyền trong dân gian, sưu tầm những bài ca, kí xướng âm giúp cho việc lưu giữ, bảo tồn được thực hiện có bài bản và khoa học. Giờ Đức Miêng dạy lại những làn điệu quan họ cho nhiều làng, mở các lớp tập huấn để người dân hiểu về nguồn gốc và nghệ thuật quan họ hơn. Tâm nguyện cuối cùng của người nhạc sĩ say quan họ là làm sao loại hình dân ca truyền thống này sẽ được bảo tồn, gìn giữ, phát huy và để mãi xứng đáng là di sản văn hóa thế giới.

Diên Khánh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/gap-duc-mieng-nho-chieu-bien-gioi/748530.antd