Gặp Đại tá anh hùng Đinh Thế Văn, người chỉ huy bắn hạ pháo đài bay B - 52

Trong chuyến thăm làng múa rối nước Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, chúng tôi đã ghé thăm Nghệ nhân, Đại tá Anh hùng Đinh Thế Văn tại tư gia bên dòng sông Cà Lồ mướt mát bóng cau, vườn trầu, với những vườn bưởi trĩu quả.

PV Vanhien.vn (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh kỷ niệm tại tư gia Đại tá Anh hùng quân đội Đinh Thế Văn (đứng giữa) là một trong những nghệ nhân lớn tuổi của làng Đào Thuc góp phần duy trì nghề rối nước truyền thống. Ảnh: Tiến Dũng

Đại tá Anh hùng Đinh Thế Văn nay bước sang tuổi 80 nhưng vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, minh mẫn, người từng chỉ huy bắn hạ pháo đài bay B – 52 trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972. Những ngày cuối năm này kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, ông đang sống lại ký ức hào hùng về một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí kiên cường, của tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam.

Để đánh thắng B52 đâu phải là điều đơn giản. Đối với các chiến sĩ không quân nói chung và Tiểu đoàn 77 bộ đội tên lửa nói riêng, vấn đề nghiên cứu nhiễu trở thành trọng tâm, quyết định thành bại của các trận đánh. Toàn binh chủng luyện tập không ngừng nghỉ suốt ngày đêm với quyết tâm "hạ gục" pháo đài bay của không lực Mỹ ngay trên bầu trời Thủ đô và đã làm nên chiến thắng với một cách đánh mới do sáng kiến của Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn. So với cách đánh "bắn ba điểm" được huấn luyện kĩ lưỡng, cách đánh "vượt nửa góc" do Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn chỉ đạo anh em thực hiện nguy hiểm hơn rất nhiều do máy bay địch có thể dùng tên lửa tấn công trận địa nếu ta không tắt sóng ra-đa kịp thời. Hơn nữa, cách đánh này đòi hỏi các trắc thủ phải thao tác nhanh gọn, dứt điểm, có sự phối hợp đồng bộ và trên hết là phải có lòng dũng cảm, quyết tâm “hạ gục” pháo đài bay của không lực Mỹ ngay trên bầu trời Thủ đô.

Đại tá Đinh Thế Văn được phong tăng Anh hùng lực lượng vũ tra năm 2013. Ảnh: Tiến Dũng.

Đại tá Đinh Thế Văn nhớ lại: Hồi ấy chúng tôi hồi hộp vô cùng. Tim như muốn vỡ ra khi nghe còi báo động vang lên khắp Hà Nội . Tiếng của những chàng trắc thủ báo cáo về tọa độ. Đúng 23h ngày 18/12/1972, một tốp B52 hiện lên màn hình. Các màn hiện sóng nhiễu trắng xóa, các trắc thủ và sĩ quan điều khiển của tiểu đoàn căng óc nghiên cứu giải nhiễu bên tai luôn vang lời nhắc nhở cẩn thận nhiễu B52 giả.

Cùng lúc đó, Trung đoàn thông báo tới toàn mặt trận tin vui Tiểu đoàn 59 bắn rơi B52 tại chỗ. Đến 23h9 phút, tiểu đoàn nghiên cứu giải nhiễu B52 có tham số nhỏ trên hướng 320 độ, trung đoàn cho phép bắn. Đến cự ly 32 Km, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn cho phát lệnh, 2 quả tên lửa lao vào trời đêm, đạn gặp mục tiêu ở cự ly 23km, nổ tung. Ánh mắt anh em trong kíp trắc thủ như bừng lên ngọn lửa chiến thắng. Dẫu trước đây, bộ đội tên lửa đã nhiều lần bắn trúng B52, song đây là lần đầu tiên quân dân miền Bắc có thể sờ tận tay, nhìn tận mắt "Niềm kiêu hãnh" của không lực Mỹ bị gạ gục, nổ tung trên bầu trời Hà Nội.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thế Văn Đinh Thế Văn được trao Giải Đào Tấn năm 2013.

“Đánh theo cách của Đinh Thế Văn” - Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân có một cuốn sổ ghi lại cách đánh B52 của quân dân ta trên mọi mặt trận, trong đó có 4 trang tường thuật lại cách đánh độc đáo này. So với cách đánh “bắn ba điểm” được huấn luyện kỹ lưỡng, cách đánh “vượt nửa góc” do Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn chỉ đạo anh em thực hiện nguy hiểm hơn rất nhiều do máy bay địch có thể dùng tên lửa tấn công trận địa nếu ta không tắt sóng ra-đa kịp thời, đòi hỏi các trắc thủ phải thao tác nhanh gọn, dứt điểm, có sự phối hợp đồng bộ và trên hết là phải có lòng dũng cảm.

Ngày ấy, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại trận địa Chèm của Đinh Thế Văn ngay khi khói bom vừa dứt để nghe vị Tiểu đoàn trưởng này báo cáo cách đánh B52 khá kỳ lạ ấy. Với thành tích này, Tiểu đoàn 77 trở thành một trong hai đơn vị phòng không bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất của quân chủng và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng. Đại tá Đinh Thế Văn cũng đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 Bộ đội tên lửa khi vừa mới ngoài ba mươi.

Tuy vậy, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn chưa được phong anh hùng năm đó do lý lịch là thành phần gia đình trung nông lớp trên. Mãi đến năm 2013, Đại tá Đinh Thế Văn Văn đã nghỉ hưu được 13 năm mới được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang vì thành tích xuất sắc bắn rơi B52 trong chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972. Cũng trong năm đó, ghi nhận công lao của Đại tá, Anh hùng Đinh Thế Văn với văn hóa nghệ thuật dân tộc về bảo tồn, phát huy múa rối nước làng Đào Thục, Hội đồng Giải thưởng Ðào Tấn đã quyết định trao tặng giải thưởng cao quý này cho nghệ nhân Đinh Thế Văn đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân và 41 năm Ngày chiến thắng B52.

Thủy đình múa rối nước làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, Huyện Đông Anh, Hà Nội.

Trở về đời thường, Đại tá Anh hùng Đinh Thế Văn là một trong những nghệ nhân lớn tuổi của làng Đào Thuc, góp phần duy trì nghề rối nước truyền thống. Một trong những tiết mục đặc sắc của múa rối nước làng Đào Thục là “Hà Nội chiến thắng B52” do Đại tá Anh hùng Đinh Thế Văn góp phần dàn dựng mô tả cuộc chiến đấu quả cảm 12 ngày đêm hạ gục B52 của quân dân Thủ đô mà ông đã từng tham gia. Du khách đến xem vô cùng cảm kích, thích thú, hấp dẫn khi mở đầu bằng hoạt cảnh “'Đồng bào chú ý, máy bay địch đang tiến về Hà Nội...”, thủy đình giữa làng Đào Thục chợt vang lên tiếng còi lanh lảnh cùng giọng đọc rất quen thuộc với nhiều người 45 năm về trước...

Sau lời báo động đó, từ dưới mặt nước, những chiếc máy bay vụt lên gầm thét trên bầu trời hòa trong tiếng súng từ mặt đất bắn lên. Một "quả tên lửa" vút bắn lên trúng chiếc B52 "đầu đàn" khiến nó bốc cháy rồi đâm sầm xuống đất. Ánh điện hắt sáng xuống mặt nước gợn sóng lăn tăn, hoạt cảnh rối nước "Hà Nội - Chiến thắng B52" làm tất cả khán giả thích thú bởi tính độc đáo của nội dung, bối cảnh và hiệu ứng khói lửa được thể hiện một cách sinh động, khiến không khí buổi diễn càng trở nên ấn tượng đến khó quên.

Màn diễn của nghệ nhân Đinh Thế Văn cùng các nghệ nhân trong làng đã thay cho những bài học lịch sử khô khan để đi vào tiềm thức của các em thơ, những vị khách nước ngoài một cách dễ dàng và rất đỗi tự hào. Những nghệ sĩ nông dân của làng rối Đào Thục, quê hương của Đại tá Anh hùng Đinh Thế Văn có truyền thống hơn 300 năm, bằng tình yêu nghệ thuật truyền thống đã tạo nên bệ phóng để đưa cái tên rối nước Đào Thục vượt thoát ra khỏi ao làng, khỏi sự mai một trong thời buổi kinh tế thị trường.

Không ngờ "Lão chiến sĩ" kiêm "lão nghệ nhân" Đinh Thế Văn của làng Đào Thục này từng theo hai anh trai tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 16 tuổi đã vượt đèo Pha Đin lên Tây Bắc để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Khi cờ Tổ quốc bay trên nóc hầm Đờ Cát-xtờ-ri, cũng là lúc Đinh Thế Văn vừa tròn 17 tuổi đời với 2 tuổi quân, tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Trong chiến công vang dội trên bầu trời Hà Nội năm ấy, có sự góp phần quan trọng của Tiểu đoàn tên lửa 77 đóng quân trên trận địa Chèm với nhiệm vụ đón đánh máy bay Mỹ từ hướng Tây Bắc Thủ đô.

Xuân Bân – Tiến Dũng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/gap-dai-ta-anh-hung-dinh-the-van-nguoi-chi-huy-ban-ha-phao-dai-bay-b--52-58739