Gặp cựu chiến binh hiến 2.000m2 đất xây Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng

Trong những nắng hè đỏ lửa của tháng 5 này, chúng tôi về thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội tìm gặp người cựu chiến binh – đại biểu duy nhất của Hà Nội được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm cấp Nhà nước 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Đón chúng tôi tại Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày tại Phú Xuyên, Hà Nội là cựu chiến binh Lâm Văn Bảng, đồng thời cũng là GĐ bảo tàng - cựu tù binh Phú Quốc năm xưa.

Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng SN 1943, trong gia đình có 5 anh em thì có tới hai người anh đều tham gia cách mạng, từng vào sinh ra tử ở nhiều nhà tù của giặc. Đó thực sự là động lực thôi thúc ông chiến đấu quật cường. Ông nhập ngũ năm 1965, là chiến sỹ Trung đoàn Bình Giã.

Trong cuộc Tổng tiến công Mùa xuân năm 1968, ông bị thương gãy cả chân và tay, địch bắt ông giam ở nhà lao Biên Hòa rồi đày ra Phú Quốc. Hàng chục năm chiến đấu ông đã trải qua những ngày tháng bị giam cầm, chứng kiến những hình ảnh của đồng đội mình ngã xuống, phải hứng chịu những trận tra tấn dã man của giặc. Tất cả những điều đó vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí của ông.

Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng. ảnh: xuân thanh

Luôn đau đáu với những đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hàng chục năm qua, ông Bảng cùng các cựu binh vẫn rong ruổi trên mọi chiến trường xưa để tìm, sưu tầm kỷ vật chiến tranh, những hiện vật gắn với đồng đội đã nằm xuống. Dù là thương binh 2/4, đã từng 7 lần lên bàn mổ, sống chỉ bằng một quả thận, cứ trái gió trở trời là các vết thương lại hành hạ ông không dứt, nhưng mỗi khi bạn bè nhắc đến ở đâu có kỷ vật là ông lại khoác ba lô lên đường, vận động nhân dân tặng lại.

Những ngày đầu chẳng mấy ai hiểu, ông Bảng phải đem cả tài sản, danh dự để cầm cố làm tin. Có những lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc vì kinh tế, vì sức khỏe nhưng với bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ cách mạng, ông Bảng lại gượng dậy, quyết thực hiện bằng được tâm nguyện cao cả dành cho đồng đội của mình.

Không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm các kỷ vật của đồng đội năm xưa, năm 2004, ông đã hiến gần 2.000m2 đất vốn là toàn bộ khuôn viên của gia đình để cùng với các thương binh, cựu tù Phú Quốc bỏ công sức và tiền của để xây dựng Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày.

Hiện nay tại bảo tàng đang trưng bày gần 4.000 hiện vật quý, chia thành 10 phòng chuyên đề. Đặc biệt nhất, phòng số 1 là đền thờ các anh hùng liệt sỹ hy sinh ở Phú Quốc. Đất và chân hương trên bát nhang trong đền được lấy từ nơi thờ Bác Hồ ở Đá Chông (huyện Ba Vì, Hà Nội) và các nghĩa trang: Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sơn, Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Đền Bến Dược, Củ Chi, Nhà tù Sơn La, Điện Biên Phủ, Hỏa Lò... Ngôi đền được xây nổi giữa một ao nhỏ, mô phỏng nhà lao Phú Quốc giữa muôn trùng biển cả.

Các phòng tiếp theo được trưng bày nhiều bức ảnh, mô hình các thủ đoạn tra tấn và chứng tích về tội ác của Mỹ - ngụy; giới thiệu tấm gương trung kiên của chiến sỹ cách mạng; những hiện vật quý về sự lãnh đạo của chi bộ Đảng ở nhà tù, cờ Đảng, cờ Đoàn tự tạo, những chiếc sáo bằng tôn, mô hình phòng họp chi bộ… Đây là những kỷ vật đã từng nuôi dưỡng niềm tin giúp các chiến sỹ cách mạng bền chí và kiên cường đấu tranh với kẻ thù.

Mỗi hiện vật ở đây có một số phận riêng. Đó là lá cờ Đảng, do người bạn tù Phú Quốc tự thêu trong khi bị giam giữ. Lá cờ chỉ nhỏ bằng bao thuốc lá, được những người tù truyền tay nhau giữ suốt nhiều năm. Một du khách nước ngoài đến bảo tàng, sau khi nghe giới thiệu về tiểu sử lá cờ đã xin mua với giá 40.000 đô-la Mỹ nhưng bị từ chối.

Đó là cái roi cá đuối đánh tù nhân tróc da thịt, hở cả gan ruột; kìm bẻ răng. Đó là những chiếc đinh địch đóng vào đầu đồng chí Phạm Hồng Sơn- một Thiếu úy đặc công hải quân cho đến chết. Những chiếc đinh này được ông Bảng mang về khi ra Phú Quốc bốc mộ bạn, khi đó, những chiếc đinh này vẫn còn nằm trong hộp sọ của người đồng đội kiên trung.

Sát cánh cùng người cựu binh Lâm Văn Bảng là ông Kiều Văn Uỵch, đồng đội và cũng là chiến sĩ bị đày ở Phú Quốc với ông Bảng, ông Bảng vẫn nói vui: “Đây là sếp phó ở “Bảo tàng không lương” của tôi. Cùng với hai ông, các cựu chiến binh như: Nguyễn Trọng Dư, Nguyễn Tiến Mô, Trương Lưu Sa, Vũ Hữu Mão, Lê Xuân Phùng, Vũ Thị Huân, Vũ Thị Hòe… đều đang duy trì hoạt động ở bảo tàng trên tinh thần tự nguyện. Các thành viên gìn giữ và điều hành bảo tàng đưa ra một nguyên tắc là “4 tự”: Tự nguyện, tự túc, tự quản và tự chịu trách nhiệm.

Họ thay phiên nhau trông nom, phân công nhau quét dọn, lau chùi, bảo quản các hiện vật của đồng đội mình trong khu trưng bày và thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan. Họ không vì tiền bạc mà chỉ nghĩ về tình nghĩa với đồng chí, đồng đội. Việc làm thiện nguyện của các cựu binh đã mang đến thông điệp: “Người chiến sĩ cách mạng dù thương tích đầy mình, vẫn là những tấm gương vượt khó để mọi người noi theo và tích cực làm những công việc có lợi cho cộng đồng”.

Ngoài số tiền hỗ trợ của UBND TP Hà Nội, hiện nay bảo tàng phải tự túc mọi mặt trong khi không bán vé tham quan. Chỉ tính riêng tiền hương hoa, đèn dầu thắp cho các liệt sỹ, tiền điện phục vụ khách tham quan cũng đã tốn khá nhiều. Nhưng điều khiến các cựu binh còn đau đáu hơn đó là việc bồi dưỡng đội ngũ kế cận trong quản lý, duy trì bảo tàng bởi theo ông Bảng, thế hệ các ông dẫu nhiệt tình rồi cũng sẽ về với tổ tiên, nếu thiếu người kế cận thì sẽ là có tội lớn với những người đã quên mình vì Tổ quốc.

Năm 2016, kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, bảo tàng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Bảo tàng đã được Bộ VH-TT&DL tặng 2 Bằng khen; UBND TP Hà Nội tặng 5 Bằng khen. Điều đó đã cho thấy tính hiệu quả của bảo tàng và cũng là sự động viên to lớn cho những thương binh, chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày nơi đây.

Theo kế hoạch của Ban tổ chức Nhà nước, Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc gồm 5 hoạt động trọng tâm, đó là: Lễ mít-tinh kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc và biểu dương, tôn vinh đại biểu các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động qua các thời kỳ, các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu sau hơn 30 năm đổi mới (thông qua cầu truyền hình tại hai điểm cầu Hà Nội, TP HCM); Bộ Quốc phòng, Bộ Công an gặp mặt, giao lưu với các đại biểu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động qua các thời kỳ; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gặp mặt, giao lưu các đại biểu Anh hùng Lao động; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gặp mặt các nữ Anh hùng, đại biểu nữ tiêu biểu. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về tư tưởng Thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông tấn xã Việt Nam tổ chức Triển lãm ảnh Bác Hồ với các phong trào Thi đua yêu nước, phát hành cuốn sách ảnh 70 năm Thi đua yêu nước.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/gap-cuu-chien-binh-hien-2000m2-dat-xay-bao-tang-chien-si-cach-mang-115852.html