Gặp con gái người Biệt động thành Hà Nội

Phải loay hoay một lúc, chúng tôi mới tìm được chủ nhân của căn nhà góc chợ. Đó là chị Hà Thị Thành, con gái người Biệt động thành Hà Nội lừng danh Hà Văn Thuận.

Từ phải qua: Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, tác giả bài viết, chị Hà Thị Thành, em trai Hà Văn Quân.

Từ phải qua: Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, tác giả bài viết, chị Hà Thị Thành, em trai Hà Văn Quân.

Những ngày dịch Covid-19 tháng 7 âm lịch, đến như những chợ cóc nơi góc phố từng suốt ngày đêm tấp nập giờ cũng vắng vẻ lạ thường. Ai cũng tất bật cho công cuộc mưu sinh nhưng trên hết phải lo bảo vệ lấy sức khỏe của mình nên đều tự giác chấp hành những quy định về chống dịch. Nơi cổng chợ phường Gia Thụy (Long Biên - Hà Nội), nằm nép bên bờ tường cây si lòa xòa buông rễ có một căn nhà nhỏ tuềnh toàng lợp mái tôn. Trước cửa đặt mấy chai nước, vài cốc trà đá lèo tèo khiến quang cảnh càng trở nên se sắt. Tôi và nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Bình Định không khỏi ái ngại nhìn vào bên trong gian nhà nóng hầm hập chật chội, lỉnh kỉnh hàng hóa bình dân phục vụ người lao động. Tiếng là chợ nơi phố phường mà sao chỉ rặt những rau cỏ, cá mú, mấy món đồ khô nghèo nàn, dãy tạp hóa vắng teo. Phải loay hoay một lúc, chúng tôi mới tìm được chủ nhân của căn nhà góc chợ. Đó là chị Hà Thị Thành, con gái người Biệt động thành Hà Nội lừng danh Hà Văn Thuận.

Trong một bài báo, chúng tôi đã nhắc khá tường tận về công lao và những khó khăn chồng chất của người lính biệt động thành Hà Văn Thuận. Khó khăn đến mức mười một người con sinh ra đều chỉ được học đến lớp ba lớp bốn đã phải phụ giúp cha mẹ trong công cuộc mưu sinh. Bản thân Hà Văn Thuận từng bị giặc Pháp bắt lưu đày Côn Đảo, còn bị tên quan Pháp cưỡng ép lấy mất vợ của ông.

Càng đau đớn hơn, khi ra tù, do sự ấu trĩ quan liêu về giấy tờ của một thời mà người lính Biệt động thành không được hưởng chế độ chính sách gì khiến cuộc sống càng trở lên khốn khó. May thay, trong lúc cam go nhất, một người anh, người đồng chí từng nổi danh khi chỉ huy đội Biệt động thành Hà Nội là ông Tạ Đình Đề khi ấy làm Giám đốc Xưởng cao su Đường sắt đã cho đi tìm và giao công việc cho Hà Văn Thuận. Những tháng lương quý hơn vàng còn chưa ấm đôi bàn tay người lao động đột nhiên Tạ Đình Đề bị bắt giam, Xưởng cao su bị đóng cửa, người lao động mất việc hàng loạt.

Hơn hai năm sau, khi Tạ Đình Đề cùng một số cộng sự được tuyên trắng án cũng là lúc những người lao động oằn lưng trong cái đói, cái rét, sự khó khăn đến tận cùng về kinh tế của thời bao cấp. Thất chí, giấy tờ thất lạc, những người đồng chí cùng thời biệt động kẻ mất người còn vô cùng gian khó khiến Hà Văn Thuận càng không tự chứng minh được công lao thành tích của mình. Ông đã bỏ mặc số phận, lòng đau như cắt, chỉ thương những đứa con nhỏ nheo nhóc bôn ba mê mải mưu sinh.

Cuộc đời bãi bể nương dâu, người lính Biệt động thành đã từ biệt thế gian yên nghỉ mãi mãi cùng người vợ. Có những nỗi đau chỉ biết đành chôn chặt. Khi chúng tôi viết bài báo về ông, bỗng nhiên có mấy bậc cha chú như cụ Hoàng Văn Dũng ở Ngọc Lâm - Long Biên, cụ Ngô Tiến Sĩ ở Bồ Đề - Long Biên, đều là em ruột của những người tù Côn Đảo cùng thời với Hà Văn Thuận cho biết cụ Thuận còn có một người con gái sớm lưu lạc từ khi mới lọt lòng, tuy có mẹ mà đã phải mồ côi từ lúc mới hai tháng tuổi. Khi tên quan Pháp lừa bắt vợ Hà Văn Thuận là Nguyễn Thị Thu Liên làm vợ hắn cũng là lúc bọn chúng dứt đứa bé hai tháng tuổi ra khỏi bầu sữa mẹ. Vậy người con mồ côi Hà Thị Thành bây giờ ở nơi đâu? Chị còn sống hay là đã mất? Chị có biết gì về tung tích của cha mẹ mình không? Câu chuyện quả thực ly kỳ và cũng đầy nước mắt.

Số phận chị Hà Thị Thành quả là khổ từ trong trứng. Khi mang thai chị, người lính Biệt động Hà Văn Thuận ngày đêm theo sự phân công của tổ chức đi trừ gian, diệt ác. Cái tên Hà Văn Thuận khét tiếng giới Hà thành trước và sau năm 1945, đặc biệt đối với bọn Việt gian, quan thầy Pháp. Những vụ thủ tiêu bọn ác tặc bán nước và cướp nước chấn động một thời, giặc Pháp đã treo giải đầu Hà Văn Thuận lên tới hàng vạn bạc Đông Dương. Người vợ trẻ Nguyễn Thị Thu Liên luôn phấp phỏng mỗi khi chồng đi thực hiện nhiệm vụ. Hễ nghe thấy tiếng súng, tiếng lựu đạn ở đâu đó, người vợ trẻ đang mang thai chỉ biết ôm gối khóc thầm cầu trời khấn phật cho chồng mình trở về lành lặn. Hà Văn Thuận quả là con người đặc biệt, mưu trí, gan góc và hết sức kiên trung. Nhiệm vụ khó khăn nào tổ chức giao cho đều hoàn thành xuất sắc. Chính vì thế ông đã gây thù chuốc oán sâu nặng với bọn quan Pháp và bè lũ Việt gian.

Khi Hà Văn Thuận bị bắt và tuyên án xử tù lưu đày Côn Đảo năm 1952 cũng là lúc người vợ Nguyễn Thị Thu Liên hạ sinh con gái đầu lòng Hà Thị Thành. Để trả thù, tên quan Pháp ở Long Biên đã dã tâm cướp trắng người vợ vừa sinh nở. Biết bế theo đứa bé sẽ thập phần nguy hiểm đến tính mạng của con, người vợ trẻ dứt lòng giao cho cô dì chú bác ở quê làng Gia Thụy rồi cứ thế biệt tăm biệt tích đến tận bây giờ.

Cuộc đời có những khúc quanh quả là quá khốc liệt. Thương cảm đứa trẻ mồ côi từ trong trứng nước, ông Phạm Văn Học và bà Trần Thị Cỏn làng Gia Thụy đón về nuôi nấng chăm bẵm coi như con ruột của mình. Về sau, ông bà sinh thêm sáu người con đều coi Hà Thị Thành như chị ruột. Kể đến đó, chị Thành chấm hốc mắt bảo bố mẹ đẻ tôi đã mất, bố mẹ nuôi tôi cũng đã mất được mấy năm rồi. Tôi chưa một ngày nào phụng dưỡng được cha ruột. Mẹ ruột thì chưa bao giờ nhìn thấy mặt. Mẹ đi lúc mới hai tháng tuổi làm sao nhớ được mặt mẹ giời ơi!

Tôi và nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng ngồi lặng đi dưới gốc si trong cái nóng hầm hập ngoài trời trên bốn mươi độ. Chiến tranh quả là quá khốc liệt. Người còn sống sờ sờ mà không thể nào nhận mẹ, nhận con. Chị Thành bảo có một đận, cách đây cũng mấy chục năm rồi, sau ngày đất nước thống nhất, bà mẹ Nguyễn Thị Thu Liên có trở về tìm đứa con gái bé bỏng nơi đất Long Biên nhưng đã bị ngăn cản không cho gặp. Có người nhẫn tâm còn nói đứa con đã chết từ lâu khiến người mẹ càng đau như cắt lặng lẽ trở về đất khách. Chồng cũ không dám đối mặt đã đành. Ngay cả con dứt ruột đẻ ra cũng không thể nào gặp mặt. Nào phải đâu là nỗi của bà? Sao chiến tranh tàn nhẫn đến vậy, bắt bà phải làm vợ của kẻ thù hãm hại chồng mình thì hẳn là cuộc sống mấy chục năm sẽ vô cùng nặng nề, đáng sợ. Bà còn sống là vì các con mà còn không được gặp mặt thử hỏi cao xanh có thấu cho chăng?
Câu chuyện đó mãi sau này chị Hà Thị Thành mới biết.

Cũng may đứa bé mồ côi Hà Thị Thành được bố mẹ nuôi, xóm giềng đùm đậu, cưu mang. Chị được nuôi ăn học rồi đi làm vào ngành đường sắt với công việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ công nhân từ năm 1968 ít năm sau về nghỉ một cục. Chị bôn ba khắp các tuyến đường Bắc Giang, Kép, Bãi Cháy, rồi vào Thanh Hóa, Nghệ An… Chị lấy chồng sinh con trai năm 1969 tên là Nguyễn Văn Trung hiện đang sinh sống, lập nghiệp ở Móng Cái - Quảng Ninh. Chồng chị cũng đã mất được mười năm, mất trước cả bố mẹ nuôi cũng là một đòn giáng mạnh vào người phụ nữ họ Hà. Cũng may, có lẽ đất trời đã cảm động với những khốn khó của con người nên con trai Nguyễn Văn Trung lấy cô vợ đảm đang hiền hậu Nguyễn Thị Thu Huyền sinh được một trai, một gái. Các cháu ngoại của chị đều đã lập gia đình và nay chị đã lên chức cụ.

Nhắc đến đấy, nước mắt người con gái họ Hà lại rịn ra. Thôi thì cơ cực cả đời đã đành. Thôi thì đời mình coi như mất trắng nhưng đời con đời cháu mong sao được mở mặt có chết cũng nhắm được mắt. Chị lại kể quãng thời gian sáu, bảy tuổi bố mẹ nuôi khi ấy đã nén lòng đưa chị về với bố đẻ Hà Văn Thuận. Chị đã vắng mẹ thì ở bên bố cũng là lẽ tự nhiên. Song cuộc sống ngặt nghèo đến mức gia cảnh Hà Văn Thuận khi đó quá khó khăn, không thể cho con gái được đi học nên bố mẹ nuôi lại đón chị về. Thương bố chỉ biết nén chặt trong lòng, gạt nước mắt cố gắng học cũng là một cách báo hiếu với người cha đầy bi kịch.

Cuộc đời chị nào có khấm khá gì. Cho đến bây giờ, khi đã gần bảy mươi tuổi (chị sinh năm 1952), Hà Thị Thành vẫn chưa có một tấc đất cắm dùi. Vợ chồng chị ăn nhờ ở tạm lay lắt. Khi chồng chết, chị may mắn được quản lý chợ là ông Trần Đình Nam và ông Nguyễn Văn Trọng cho ở nhờ căn nhà nhỏ này để mưu sinh.

Ngày trước, theo lời kể của những người từng tù Côn Đảo với Hà Văn Thuận và sau này được chính cha mình kể lại, tổ tông gia đình chị từng là một bậc khá giả, các khu đất ở hồ Bông Lau dẫn lên cầu Long Biên là phố Ngọc Lâm hiện nay gia đình Hà Văn Thuận có hàng ngàn mét vuông. Nghe theo lời tổ chức đi theo Cách mạng, trở thành chiến sĩ Biệt động nổi tiếng diệt ác, trừ gian, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, quân ta rút lên chiến khu Việt Bắc, lúc bắt được Hà Văn Thuận năm 1952, giặc Pháp đã trả thù tàn khốc, cướp đất, đoạt vợ để cho gia cảnh họ Hà phải chịu tấn bi kịch đến tận hôm nay.

Câu chuyện của chị, của gia đình chị, đặc biệt là người cha biệt động và người mẹ lưu lạc đất khách quê người đã trên nửa thế kỷ mà sao vẫn thấy quá đỗi xúc động, nghẹn ngào. Cả một thế hệ dùng máu xương, tài sản, danh dự hi sinh vì Tổ quốc chưa được hưởng công lao xứng đáng đã lần lượt đi về thế giới bên kia. Nay còn mấy anh chị em thì đều lầm than cơ cực. Ngay như chị, cô bé mồ côi mẹ của người lính Biệt động thành Hà Văn Thuận đã gần 70 tuổi vẫn chưa một tấc đất cắm dùi chỉ biết lặng lẽ làm bàn thờ nhỏ cho cha, cho chồng nay đây mai đó. Có lẽ nào chúng ta không nghiêm túc xem xét và tìm cách giúp đỡ những con người như chị, như gia đình chị? Câu hỏi này rất mong sớm có sự trả lời ấm áp, nhân văn, hợp đạo lý làm người.

Phùng Văn Khai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gap-con-gai-nguoi-biet-dong-thanh-ha-noi-506788.html