Gắp con đỉa núi dài 6cm ra khỏi hốc mũi bé trai 5 tuổi

Thông tin từ Sở Y tế Lào Cai cho biết, mới đây, trạm Y tế xã Nấm Lư, huyện Mường Khương đã gắp thành công con đỉa núi dài hơn 6cm ra khỏi hốc mũi bé trai 5 tuổi.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh gắp dị vật là con đỉa núi ra khỏi hốc mũi bệnh nhi D. Ảnh: Dân trí

Bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh gắp dị vật là con đỉa núi ra khỏi hốc mũi bệnh nhi D. Ảnh: Dân trí

Ngày 25/9, trao đổi với Dân trí, bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh - Trạm trưởng Trạm y tế Nấm Lư (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) cho biết, trung bình mỗi năm trạm y tế ở đây vẫn xử lý cho 5-6 em nhỏ có con đỉa núi ở trong mũi.

Trường hợp gần đây nhất là cháu V.V.D. (sinh năm 2015, trú tại thôn Lùng Húi, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai). Tại trạm y tế, các bác sĩ đã xử lý và gắp ra khỏi hốc mũi bệnh nhi con đỉa núi dài 6cm. Trường hợp trước đó là một em nhỏ 5 tuổi bị đỉa núi chui vào mũi.

Con đỉa núi dài 6cm được gắp ra khỏi hốc mũi cháu D. Ảnh: Dân trí

Theo Sở Y tế tỉnh Lào Cai, đỉa núi (con vắt, con nấc) sống trên cạn và thường có mặt nơi đát ẩm thấp (khác với loài đỉa chuyên sống dưới nước). Trọng lượng trung bình hơn 100mg, dài khoảng 3-5 cm có giác bám ở đầu và đuôi. Do có kích thước nhỏ nêm mọi người thường không để ý, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Vắt cùng họ hàng với đỉa, nó cũng hút máu và hút rất nhiều (có thể lớn gấp 8 đến 10 lấn trọng lượng cơ thể), do có chất Hirudin trong dạ dày làm cho máu nó hút vào không bị đông lại. Thông thường vắt bám hút máu ngoài da, thỉnh thoảng có trường hợp chui vào các hốc cơ thể.

Đối với trẻ em vùng cao, sau khi tắm gội nước suối hoặc khi khát nước uống trực tiếp nước khe suối nên con đỉa núi dễ dàng theo đường uống chạy vào phế quản, chui lên cuống mũi và bám ở đó hút máu người và to lên nhanh chóng gây khó chịu.

Nếu vắt nằm trong mũi ở các ngách khe thì khi đó vắt trở thành dị vật gây phù nề xuất tiết tắc nghẽn đưa đến viêm mũi, viêm xoang. Vắt có thể gây tác hại nguy hiểm nếu bám hút ở các mạch máu lớn hoặc di chuyển xuống hạ họng thanh quản có thể là dị vật đường thở. Vắt nhạy cảm với ánh sáng và một số con hút máu quá to gây khó khăn cho cán bộ y tế trong việc xử lý gắp, loại bỏ đỉa núi ra khỏi cơ thể người bệnh.

Nguyệt Hà (T/h) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/gap-con-dia-nui-dai-6cm-ra-khoi-hoc-mui-be-trai-5-tuoi-108416-9.html