Gặp cô đồng – nghệ nhân ưu tú 'Loan mắt mèo'

Từng nghe bạn đồng kể nhiều về mẹ Loan, cô Loan, bà 'Loan mắt mèo', tôi nhiều lần được chiêm ngưỡng những vấn hầu nhẹ nhàng, uyển chuyển mà kiêu sa, lịch lãm của bà. Bà là người hiểu biết sâu sắc và cũng là người có công trong việc chấn hưng đạo Mẫu. Mới đây, bà đã được vinh danh Nghệ nhân ưu tú.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan

Hôm ấy, chúng tôi gặp nhau trong buổi chiều nắng gió hây hây khiến câu chuyện thêm ấm áp. Nghệ nhân Kim Loan tâm sự: “Từ khi toàn tâm toàn ý phụng sự Mẫu, dù bao cay đắng chông gai cô đều chấp nhận, mọi thị phi điều tiếng, bao khó nhọc cô vẫn chẳng từ bởi cô tin Mẫu mẹ luôn bên cạnh tiếp sức cho mình vì hạnh phúc của bách gia trăm họ”. Bà cũng giải thích với tôi trên thực tế, mỗi thanh đồng sẽ có một nhiệm vụ nhất định. Có những người trình đồng mở phủ và được ăn lộc nhà Thánh, cuộc đời, sự nghiệp từ đó được hanh thông; có những người cả cuộc đời gắn bó với chốn tổ, sớm tối đèn nhang phụng sự đình thần Tam Phủ, Tứ Phủ và dìu dắt đàn con trong bản hội của mình. Với bà, ý thức về nhiệm vụ làm rạng danh cửa Mẫu luôn thường trực, đó là nhiệm vụ mà đồng thời cũng là cơ duyên đưa bà đến với những hoạt động xã hội vì mục đích vinh danh đạo Mẫu.

Tôi nhớ trong một buổi nói chuyện về tín ngưỡng thờ Mẫu, tôi được nghe GS. Ngô Đức Thịnh kể câu chuyện bà Kim Loan hầu đồng trên đất Pháp. Chuyện này, những người cùng tham gia Festival Văn hóa thế giới nhân kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Pháp (2014) đều chứng kiến. Khi ấy, bà Loan hầu giá chầu Bát Tân La - vị Thánh mà bà “sáng khêu đèn, chiều lọc nước thay hoa” - nhưng trong một khung cảnh hoàn toàn khác với những giá đồng trong nước, không đèn nhang, cung văn cũng không đủ điều kiện diễn xướng. Tất cả mọi người trong đoàn đều lo lắng vì nếu Chầu Bà không giáng về thì giá hầu sẽ thất bại, lúc ấy hình ảnh đem đi quảng bá sẽ ra sao? Vậy nhưng, thực tế thật hơn cả mong đợi. Khi cô đồng Kim Loan hầu đến đoạn Chầu Bát đi song cờ thì bỗng một Việt kiều từ Paris xuống dự vội tháo giày chạy lên giáp sân khấu cầm đôi song kiếm bày sẵn ở đó vung kiếm hầu theo trước sự chứng kiến của mọi người. Lúc ấy, tất cả những người có hiểu biết về Đạo Mẫu đều hiểu nếu không có sự linh thiêng thì sự liên kết tâm linh màu nhiệm ấy đã không thể diễn ra.

Câu chuyện của chúng tôi xoay về cái duyên cớ đưa bà đến với đạo Mẫu. Nghe tôi hỏi, đôi mắt bà chợt xa xôi mà bồi hồi nhớ lại những tháng ngày 30 năm trước. Lúc đó, giống với bao người, bản thân bà đã từng báng bổ, chế giễu những người thực hành nghi lễ lên đồng. Năm 1989, khi bố mẹ bà quyết định ra trình đồng mở phủ, bà cảm thấy tức giận và xấu hổ, thậm chí có những lời lẽ xúc phạm với cô đồng đã trình đồng mở phủ cho bố mẹ mình.

Cái nhìn của nghệ nhân Kim Loan đối với đạo Mẫu chỉ thay đổi khi chính bản thân bà cũng rơi vào “vòng cơ”. Từ chỗ đang là trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ của công ty ARTEX Thăng Long (trực thuộc Bộ Ngoại thương), công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió đến chỗ lâm vào thế cho vay không thu lại được mà sa vào vòng kiện tụng suốt 4 năm trời. Lúc ấy nhiều người nói bà bị “cơ hành”, phải ra trình đồng mở phủ mới yên nhưng bà không theo, thậm chí còn cảm thấy tức giận. Việc kiện tụng còn chưa dứt, bà Loan lại lâm vào cảnh ốm đau dẫn tới phải mổ xẻ; gia đình đang êm ấm thuận hòa với người chồng là cán bộ cao cấp, con cái học hành giỏi giang thành ra chia ly tan vỡ... Lúc này bà chấp nhận cung nghênh Tứ phủ. Tuy thế, nghệ nhân Kim Loan cũng tâm sự: “Khi tôi xuất thủ trình đồng, sự tín tâm chỉ chiếm một phần rất nhỏ, cái lực chi phối phần lớn hành động của tôi là nỗi sợ hãi. Chỉ khi quá trình thực hành đạo Mẫu thực sự đem lại sự giải thoát, cuộc sống dần lấy lại thăng bằng thì nỗi sợ hãi mới được thay bằng niềm tin vào đạo Mẫu”.

Ở người phụ nữ này, điều khiến bất cứ ai lần đầu tiếp xúc phải chú ý là đôi mắt sáng đầy uy lực. Nhớ đến cái biệt danh “Loan mắt mèo” từng nghe qua nhiều lần, tôi liền gợi chuyện; bà cười vui kể: “cô nghe mẹ kể lại bà sinh cô vào giờ Sửu ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Hợi (tức ngày 24 tháng 4 năm 1959). Đó cũng là giờ khắc Mẫu giáng đền Tân La Hưng Yên. Xưa bà mẹ cô là người phụ trách đội du kích Hoàng Ngân và thường lấy đền Tân La làm nơi ẩn nấp và chỉ huy đội du kích. Lúc mang thai chừng ba tháng, có đêm bà nằm mê thấy con mèo đen từ trên mái đền rơi vào lòng. Phải chăng đây cũng là điềm báo về việc cuộc đời này cô sinh ra là với sứ mệnh là phụng sự Mẫu?”.

Ngày nay, trong bầu không khí tự do tín ngưỡng, nhiều tôn giáo, tín ngưỡng được phục hồi, phát triển, trong đó mạnh mẽ nhất là Đạo Mẫu nhưng Đạo Mẫu và nghi thức lên đồng vẫn chưa thoát khỏi sự kỳ thị là “mê tín dị đoan”, “đồng bóng”… Nghệ nhân Kim Loan hiểu sự kỳ thị này có nguyên nhân lịch sử song cũng từ chính những biến tướng diễn ra trong thực tế thực hành tín ngưỡng hiện nay. Mắt thấy những giá đồng thiếu quy củ, tai nghe chuyện về những kẻ lợi dụng lòng tin để trục lợi, bà hiểu nguyên nhân sâu xa của những hiện tượng này là sự thiếu hiểu biết về đạo và lòng tham của con người. Bà luôn lấy làm điều răn chính mình đồng thời dạy bảo con nhang đệ tự trong bản hội, nhắc nhở họ tránh phạm phải lỗi lầm đồng thời cùng họ thường xuyên tìm hiểu về lịch sử đạo Mẫu, học hát chầu văn, tìm hiểu về nghi thức hầu đồng bởi theo bà “là con Mẫu mà không biết về Mẫu, không hiểu tường tận thì sẽ thực hành không đúng, gây nên những cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội đối với Đạo Mẫu cũng như nghi lễ hầu đồng”.

Chính về thế, bản thân nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Loan trong vai trò là phó chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa đạo mẫu Việt Nam - trực thuộc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam luôn cùng các thanh đồng đạo quan và các nhà nghiên cứu dày công hỗ trợ cho Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam liên tiếp tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm khoa học ở các tỉnh thành, địa phương. Hoạt động này vẫn được tiếp tục ngay cả khi “thực hành tín ngưỡng Tam Tứ phủ” của người Việt đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngoài ra, bà cũng thường xuyên cố vấn, giúp đỡ những người làm công tác văn hóa của thành phố Hà Nội, của Trung ương trong việc quản lý hoạt động tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ.

Tháng 3 năm 2019 nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Loan vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng bằng khen và danh hiệu Nghệ nhân ưu tú như một ghi nhận trước những đóng góp của bà trong việc lưu giữ và bảo tồn tín ngưỡng văn hóa dân gian của dân tộc.

PV

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/gap-co-dong-nghe-nhan-uu-tu-loan-mat-meo-1522503.tpo