Gặp ân nhân của gia đình các thuyền viên bị cướp biển Somali bắt

Rất tình cờ, tôi được gặp ông, vị ân nhân của gia đình 3 thuyền viên ở Hà Tĩnh và Nghệ An bị cướp biển Somali bắt. Ông là Nguyễn Việt Anh, quê ở Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, từng là thuyền trưởng 10 năm liền, là cán bộ Cục Hàng hải Việt Nam đã nghỉ hưu.

>> Những ngày tháng kinh hoàng của 2 thuyền viên bị cướp biển bắt giữ

Thoạt trông có vẻ xoàng xĩnh nhưng càng tiếp xúc càng thấy ông là người lịch lãm, phóng khoáng, có nụ cười thân thiện và ánh mắt ấm áp thu hút mọi người. Trong xôn xao những câu chuyện về các thuyền viên bị cướp biển Somali bắt, những câu chuyện kể của ông khiến tôi quan tâm đặc biệt. Ông kể về sự vất vả của người đi biển, những nguy cơ rình rập và về những nhóm cướp biển chuyên nghiệp… Rồi ông nói về những tổ chức phi chính phủ hỗ trợ những người đi biển như thế nào?... Và cũng chính từ những câu chuyện rất vô tư của ông, tôi được biết, ông chính là người đồng hành với gia đình các thuyền viên cho đến ngày họ trở về.

Anh Nguyễn Văn Xuân vui mừng bên ân nhân gia đình mình

Ông Việt Anh kể, sau 4 năm nghỉ hưu, bất ngờ một hôm ông nhận được cuộc gọi từ tổ chức ITF (Liên đoàn Vận tải công nhân quốc tế) nhờ tìm hiểu hoàn cảnh của 3 thuyền viên người Việt Nam bị cướp biển Somali bắt để có các hoạt động trợ giúp.

Tổ chức ITF chỉ cung cấp tên của 3 thuyền viên chứ không có địa chỉ. Theo kinh nghiệm của người từng công tác tại Cục Hàng hải, nhanh chóng ông đưa ra phán đoán về vùng miền, nơi ở của các thuyền viên bị bắt. Điểm đầu tiên ông đặt chân đến là Nghi Lộc (Nghệ An) nhưng kết quả không khả quan. Tuy nhiên, người dân trong vùng lại chỉ cho ông vào vùng Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ông rong ruổi đi tìm, mất khoảng 2 tuần, cuối cùng cũng lần đến đúng địa chỉ gia đình thuyền viên Nguyễn Văn Xuân, ở P. Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh). Và từ gia đình anh Xuân, ông biết thêm địa chỉ của gia đình Nguyễn Văn Hạ, ở xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh) và anh Phan Xuân Phương ở xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An).

Trực tiếp đến tận các gia đình, ông nhận ra một điều, cả 3 gia đình đều có hoàn cảnh rất khó khăn và cần được trợ giúp về vật chất. Hai thuyền viên ở Kỳ Anh mỗi người đều có 3 con còn nhỏ, đang đi học, vợ việc làm không ổn định, lại còn gánh nặng nợ nần vì vay tiền đi xuất khẩu lao động. Còn gia đình thuyền viên Phương ở Nghệ An (chưa có vợ, con) có mẹ già đau ốm thường xuyên. Các gia đình đều rất hoang mang vì trước đó các thuyền viên có gọi điện thoại về cầu cứu gia đình, còn sau đó mất liên lạc…

Sự xuất hiện của ông Việt Anh trong thời điểm này gây không ít ngạc nhiên cho các gia đình. Ban đầu họ mừng, hy vọng, nhưng rồi cũng có những thời điểm họ tỏ ra nghi ngờ về những việc làm của ông. Dẫu được đón tiếp ở trạng thái cảm xúc nào, ông Việt Anh cũng đều thấu hiểu, sẻ chia và thường xuyên qua lại để thực hiện tốt nhiệm vụ của vị “thiên sứ”: Nắm bắt thông tin các gia đình thuyền viên, kết nối với tổ chức ITF để có sự hỗ trợ kịp thời về vật chất, động viên tinh thần các gia đình.

Cuối năm 2015, ông đã chuyển học bổng cho các con của 2 thuyền viên ở Kỳ Anh (54 triệu đồng/3 cháu/năm) và chuyển trên 50 triệu đồng hỗ trợ thanh toán viện phí 3 đợt nằm viện cho mẹ của thuyền viên Phương ở Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Là ân nhân trong khoảng thời gian khủng hoảng nhất của gia đình các thuyền viên nên sự trở lại của ông sau khi các thuyền viên trở về đã được các gia đình đón tiếp rất đặc biệt. Ông vừa chạm ngõ, cả gia đình anh Xuân ùa đến ôm chầm lấy, quây quần ở bên như với người thân đi xa lâu ngày trở về. Trong nhà, mâm cỗ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng...

Gia đình anh Xuân quây quần ở bên ông như với người thân đi xa lâu ngày trở về

Ông Nguyễn Xuân Thái, bố anh Xuân không giấu nổi cảm xúc: “Trong suốt thời gian qua, gia đình tôi sóng gió như thế nào chỉ có ôngViệt Anh hiểu rõ nhất. Nói thật, khi ông đến nhà lần đầu tiên, cả gia đình chỉ biết khóc, mặc chưa biết ông là ai nhưng tôi nghĩ là đã có ơn phúc đưa ông đến cho gia đình tôi. Nhiều người hàng xóm cứ nói này nói nọ, nhưng tôi tin ông từ đầu chí cuối.”

Không chỉ giúp con các thuyền viên có học bổng để đến trường, mẹ thuyền viên đau ốm được chữa trị, ông còn đồng hành với các gia đình trong suốt hành trình đi “đòi” người và đón người trở về nhà. Anh Nguyễn Văn Tuyên, anh trai thuyền viên Xuân cho biết: “Mỗi lần đi “đòi” em đều phải ra tận các cơ quan, công ty ở Hà Nội. Nói thật, nếu không có ông Việt Anh giúp thì dân nhà quê như chúng tôi không biết đường nào mà lần. Cứ cần giúp đỡ, hướng dẫn là gọi ông, ông luôn có mặt, tận tình...”

Ngày báo tin các thuyền viên được trở về nước, các gia đình đã không quên báo tin cho ông. Và cũng như bao lần trước đó, mỗi khi họ cần đến, ông lại đồng hành. Và cho đến hôm nay, khi các thuyền viên đã ấm áp, hạnh phúc trong vòng tay gia đình, bạn bè, làng xóm, ông lại đến thăm họ. Không nói gì, ông chỉ nghe họ thổ lộ hạnh phúc và nhìn họ cười ấm áp…

ITF là một tổ chức liên minh toàn cầu các tổ chức công đoàn trong ngành vận chuyển thuộc nhiều ngành công nghiệp khác nhau (hàng hải, hàng không)… ITF cùng với Tổ chức Hàng hải quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế và Hàng không dân dụng quốc tế bảo vệ lợi ích cho công nhân của liên đoàn. ITF trợ giúp không phân biệt quốc tịch, màu cờ trên tàu của thuyền viên.

Biện Nhung

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/xa-hoi/gap-an-nhan-cua-gia-dinh-cac-thuyen-vien-bi-cuop-bien-somali-bat/123667.htm