Gặp 'ải' khó, hàng loạt mẫu xe 'biến mất' khỏi thị trường Việt Nam

Chưa có nguồn cung cấp kế cận, trong khi số xe nhập khẩu trước đó đã bán hết, hàng loạt mẫu xe đã dần biến mất khỏi danh mục sản phẩm của các hãng tại Việt Nam.

Hàng loạt những tên tuổi lớn chưa thể hẹn ngày quay trở lại Việt Nam.

Các quy định mới về kinh doanh nhập khẩu ôtô đã khiến hàng loạt cái tên biến mất khỏi danh mục sản phẩm của các hãng tại Việt Nam.

Nếu các thương hiêu xe sang như Audi, Infiniti, Lexus... và các thương hiệu siêu sang như Bentley, Rolls-Royce... vẫn còn đang cầm cự được nhờ có các lô xe nhập khẩu trước đó và do là các dòng xe kén khách, thì ở các phân khúc xe phổ thông hơn, hàng loạt mẫu xe dần biến mất khỏi danh mục sản phẩm của các hãng tại Việt Nam.

Cụ thể, tháng trước, BMW đã không còn xe dòng 7-series, mẫu sedan 328i hay các mẫu hatchback 1-series và 2-series, cùng các mẫu xe hiệu suất cao như 640i Grand Coupé, M4 Convertible… ; và sang tháng 7 này, đến lượt BMW 430 Grand Coupé cũng lặng lẽ bị xóa tên khỏi danh mục sản phẩm của hãng tại Việt Nam.

Tương tự, cùng trong hệ thống quản lí của tập đoàn Trường Hải, các mẫu xe Peugeot 208, Mazda BT-50 3.2L… đã không còn nguồn cung.

Cùng chung “số phận” này, Chevrolet Trax, KIA Rio, KIA Cerato Koup/Hatchback…, vốn được nhập khẩu từ Hàn Quốc và không được giảm thuế nhập khẩu trong năm 2018 này, nhưng cũng bị “vạ lây”, chính thức tạm dừng phân phối tại Việt Nam.

Không được hưởng lợi gì từ việc miễn thuế nhập khẩu - chính sách chỉ dành cho xe trong khu vực ASEAN và đáp ứng tiêu chuẩn nội địa hóa, nhưng các mẫu Hyundai i20 Active và Creta nhập khẩu từ Ấn Độ cũng đã ngậm ngùi rút khỏi Việt Nam.

Tình trạng tương tự diễn ra với Ssangyong, do các dòng SUV và MPV của thương hiệu này phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập khẩu.

Suzuki đang "trả giá" cho việc chuyển hết mảng xe du lịch sang nhập khẩu, thay vì lắp ráp trong nước (Swift, Vitara...)

Ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt này phải kể đến các mẫu xe có nguồn gốc từ Nhật Bản, bởi cho đến thời điểm này, các hãng vẫn chưa thể có giấy chứng nhận kiểu loại từ chính phủ Nhật Bản. Thực tế là từ trước đến nay, các hãng xe chưa từng phải làm thủ tục này.

Bị ảnh hưởng nhiều nhất tới đây sẽ là những thương hiệu như Infiniti và Lexus, do toàn bộ các mẫu xe cho thị trường Việt Nam đều sản xuất tại Nhật Bản. Thực tế này dẫn tới việc số xe còn lại (tại Việt Nam) và cả các mẫu xe đã qua sử dụng, rục rịch tăng giá. Đây là hệ quả đã được lường trước, khi các yêu cầu mới của việc kinh doanh nhập khẩu ôtô chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018.

Trên thực tế, Subaru cũng đã tăng giá các mẫu XV (tăng 49 triệu), WRX STI tăng thêm 80 triệu đồng, Outback tăng 45 triệu đồng.

Và không chỉ những cái tên kể trên, hàng loạt mẫu xe khác vốn được thị trường quan tâm cũng đã không còn xuất hiện tại Việt Nam, như Toyota Land Cruiser/Prado, Toyota Alphard, Honda Odyssey, Nissan Teana…

"Gặp hạn" với mức thuế Tiêu thụ Đặc biệt với các dòng xe dung tích hơn, giờ đây Lexus đang phải đối đầu với thách thức lớn về việc nhập khẩu xe từ Nhật Bản.

Trong số các hãng xe đang lâm vào tình trạng khó khăn do các quy định nhập khẩu mới, đáng chú ý có Suzuki vì toàn bộ các dòng xe du lịch đều nhập khẩu nguyên chiếc (Etiga, Ciaz, Vitara thậm chí mẫu Celerio vừa chính thức ra mắt cũng không có xe phân phối) nên giờ đây tập trung vào lắp ráp xe thương mại.

“May mắn” hơn một chút là Mitsubishi vẫn còn mẫu Outlander, cũng là duy nhất, lắp ráp tại Việt Nam.

Dự báo trong nửa cuối năm 2018 tới đây thị trường ô tô Việt Nam có nhiều biến động khi nguồn cung cấp bị gián đoạn, trong bối cảnh các hãng cắt giảm các dòng xe để tối ưu hóa đầu tư, song song với việc chạy đua để hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục nhập khẩu ôtô.

Theo Như Phúc/dantri.com.vn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gap-ai-kho-hang-loat-mau-xe-bien-mat-khoi-thi-truong-viet-nam-75998.html