Gạo Việt Nam theo đà EVFTA tiến vào thị trường châu Âu

Sản lượng gạo Việt xuất sang châu Âu rất ít do chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, thị trường này chủ yếu tiêu thụ gạo của Ấn Độ thay vì gạo thơm từ các nước như Thái Lan, Việt Nam.

Trong khi nhiều mặt hàng nông sản bị sụt giảm mạnh về xuất khẩu trong quý 2 vừa qua, ngành gạo lại đánh dấu bước tiến đáng kể. Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, gạo là mặt hàng có giá trị tăng trưởng cao nhất trong các sản phẩm nông nghiệp, đạt 1,6 tỷ USD, tăng 18.2%, giữa lúc tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng tháng 6/2020, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ước tính đạt hơn 400,000 tấn với giá trị đạt 207 triệu USD. Tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3.5 triệu tấn và 1.71 tỷ USD, tăng 4.4% về khối lượng và tăng gần 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 1.3 triệu tấn và gần 600 triệu USD, tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Thêm vào đó, xuất khẩu gạo cũng ghi nhận sự tăng trưởng lớn tại một số thị trường như: Senegal tăng gấp 18.3 lần; Indonesia gấp 2.9 lần; Trung Quốc gấp 2.3 lần… Về chủng loại, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 38% tổng kim ngạch, gạo nếp chiếm 19.6%; gạo Japonica và gạo giống Nhật 4.2%.

Khó khăn của việc xuất gạo Việt Nam ra thị trường quốc tế

Châu Á vẫn là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu có lợi thế về địa lý. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tạo ra 2 rào cản rất lớn cho sản phẩm gạo Việt Nam, đó là chính sách nhập khẩu và yếu tố kỹ thuật mà nước này đặt ra. Đối với yếu tố kỹ thuật đó là vấn đề về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Trung Quốc xuất bán vào Việt Nam thì chất lượng rất yếu kém. Tuy nhiên, hàng hóa của Việt Nam bán vào Trung Quốc luôn đòi hỏi chất lượng rất cao.

Xuất khẩu gạo vào Trung Quốc chủ yếu là gạo nếp và ngược lại, sản lượng gạo nếp Việt Nam hơn 90% xuất sang thị trường Trung Quốc. Do đó, nếu gặp khó khăn trong việc đưa gạo sang thị trường Trung Quốc, hàng hóa bị ứ đọng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và các hộ trồng lúa. Sản lượng lúa gạo nhóm chất lượng trung bình hiện không còn nhiều.

Trong khi những hợp đồng xuất khẩu lớn từ đầu năm đến nay chủ yếu vẫn là phẩm cấp trung bình, xuất khẩu chủ yếu sang châu Á và châu Phi. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu mua chủng loại gạo này để phục vụ cho những hợp đồng xuất khẩu. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam chưa có liên kết, hợp tác với nhau để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Do đó, mối liên hệ giữa các doanh nghiệp chủ yếu ở việc xuất khẩu ủy thác hoặc cung ứng lúa gạo để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu

Dù là quốc gia xuất khẩu gạo thứ ba thế giới, nhưng hạt gạo Việt vẫn còn vắng bóng tại EU, Thị trường EU là một trong những thị trường có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới. Đặc biệt với nông sản, thủy sản, EU không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất, mà còn chú trọng đến yếu tố môi trường, phát triển bền vững. Trong khi đó, việc kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều vấn đề

Một nguyên nhân khác khiến gạo Việt vắng bóng tại EU là vì thời gian qua mặt hàng này bị áp thuế rất cao, từ 5 - 45%, thậm chí một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100%.

Đơn cử, nhiều loại gạo thơm thuộc dòng ST20, ST25 bán vào thị trường EU với giá 700 USD/tấn nhưng chịu thuế nhập khẩu 45%. Chính vì vậy, giá bán bị đội lên hơn 1.000 USD/tấn. Chưa kể, một số nước áp thuế 100% thì giá gạo thơm lên tới 1.400 USD/tấn. Trong khi đó, gạo Campuchia được miễn thuế nhập khẩu vào EU nên gạo Việt không thể cạnh tranh nổi.

Ngành gạo hưởng lợi từ EVFTA trong dài hạn

Dù giá gạo VN xuất khẩu sang thị trường EU rất cao, bình quân khoảng 700 USD/tấn, nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo VN sang thị trường này những năm qua vẫn còn rất khiêm tốn. Hiệp định EVFTA có hiệu lực, gạo ST20 xuất khẩu sang EU đã đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine cũng có giá trên 600 USD/tấn. Đây là một con số đáng mơ ước và là một kỷ lục mới của gạo Việt trong hành trình xuất khẩu nhiều năm.

Trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine 520 USD/tấn. Việc được giảm thuế cộng với thị trường gạo đang sôi động đã đẩy giá gạo tăng cao.

Theo các chuyên gia, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây do nhu cầu trên thế giới tăng cao, nguồn cung từ Ấn Độ và Thái Lan vẫn bị hạn chế. Bên cạnh đó, chất lượng gạo Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng gạo thơm, được nâng cao cũng hỗ trợ đẩy giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng. Ngoài ra, lợi thế về việc có sẵn nguồn cung và khả năng giao hàng nhanh giữa bối cảnh COVID-19 giúp gạo Việt Nam được các nhà nhập khẩu ưu tiên.

Tính đến ngày 27/10, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 493-497 USD/tấn, cao hơn khoảng 30 USD/tấn so với gạo Thái Lan. Đáng chú ý, ở thị trường EU, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, nhiều lô hàng gạo thơm xuất khẩu với giá cao từ 600-1.000 USD/tấn đã được các doanh nghiệp thương thảo thành công - mở ra cơ hội mới cho ngành gạo Việt Nam.

Triển vọng xuất khẩu toàn cầu đang mở ra đối với lúa gạo của Việt Nam khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020. Cụ thể, với cam kết trong EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm; đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm đối với sản phẩm từ gạo.

Riêng về thị trường châu Âu, để tận dụng hiệu quả lợi thế về ưu đãi thuế quan mà EVFTA mang lại, thì ngoài chín giống lúa thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU hiện được hưởng ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch 30.000 tấn, bao gồm: Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Ðào, thời gian tới, Bộ NN và PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị rà soát lại danh mục giống lúa thơm đang sản xuất phổ biến để đề xuất chỉnh sửa, bổ sung thêm danh mục chủng loại.

Về cơ hội xuất khẩu mặt hàng gạo này, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường nhấn mạnh: "Sản lượng lúa thơm vùng đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 5,5 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo thơm".

Tiềm năng xuất khẩu gạo thơm sang EU còn rất lớn, cho nên điều quan trọng là nỗ lực triển khai thực hiện liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, bảo đảm được những yêu cầu khắt khe nhất từ châu Âu.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, sự bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay cùng với việc tận dụng nhanh các ưu đãi mà EVFTA mang lại, đang tạo ra thời cơ mới cho cả nền sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam, đưa giá gạo Việt lên cao và tạo ra thương hiệu rõ nét trên thị trường thế giới. Ðể nắm bắt thời cơ này, cần sự liên kết chặt chẽ và bền vững hơn nữa giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa các vùng sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau. Ðồng thời, liên quan đến vấn đề xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 còn chưa chấm dứt, rất cần các cơ chế, chính sách linh hoạt từ các cơ quan chức năng để hoạt động này không bị gián đoạn, bảo đảm mục tiêu xuất khẩu gạo của cả năm 2020.

Trên thị trường thế giới, giá gạo Việt Nam đang ở mức khá cao trong nhiều năm trở lại đây. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo trắng Việt Nam đang được giao dịch ở mức 488 - 492 USD/tấn với gạo 5% tấm, 463 - 467 USD/tấn với gạo 25% tấm. So với giá gạo trắng cùng loại của các nước xuất khẩu lớn ở trong Top 5 là Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Myanmar, giá gạo trắng Việt Nam hiện đang cao nhất.

Xem thêm: Campuchia muốn cạnh tranh gạo trắng với Việt Nam

Nguyễn Dung(t/h)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/co-hoi-tu-evfta-nganh-gao-tien-vao-thi-truong-chau-au-22496.html