Gạo Việt Nam tạo thương hiệu trên thị trường thế giới

Ngày 18 đến 24-12, tại tỉnh Long An diễn ra Festival lúa gạo Việt Nam lần 3. Sự kiện này do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), UBND tỉnh Long An tổ chức, thu hút hơn 1.100 gian hàng của hơn 400 đơn vị tham gia.

Ông Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: “Festival lúa gạo Việt Nam lần 3 là sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... có ý nghĩa quan trọng, nhằm quảng bá thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Đồng thời, ghi nhận và tôn vinh các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN), nhà khoa học và nông dân với những đóng góp vào sự phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Đại diện Hội Nông dân Việt Nam cũng cho rằng, sự kiện này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Gạo Việt đang khẳng định vị thế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh minh họa: CTV.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, từ một nước thiếu lương thực đến nay sản xuất nông nghiệp của Việt Nam không chỉ đáp ứng nguồn cung lương thực, thực phẩm và nguyên liệu cho tiêu dùng và chế biến trong nước mà còn tham gia ngày càng mạnh mẽ vào thị trường xuất khẩu. Nông sản Việt Nam hiện nay đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ của thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm gần đây (2008-2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%. Riêng trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 36,52 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, và có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.

Đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có nhiều mặt hàng nông sản đứng vị trí hàng đầu về xuất khẩu trên thế giới. Trong số đó, lúa gạo là mặt hàng thiết yếu và có ý nghĩa chiến lược đảm bảo an ninh lương thực và có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2017, riêng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng gạo đạt 5,82 triệu tấn (tăng 21% về lượng và 22% về giá trị so năm 2016). Theo số liệu hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu ước đạt 5,63 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,83 tỉ USD.

Dự báo, cuối năm 2018 mặt hàng gạo xuất khẩu giữ vững đà tăng trưởng, kỳ vọng có thể đạt 6,15 triệu tấn, với kim ngạch đạt 3,15 tỉ USD (tăng 5,7% về lượng và 19,6% về trị giá so với năm 2017). Hiện, gạo Việt Nam đã xuất khẩu đến khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Châu Á chiếm 68,41%, Châu Phi chiếm 14,93%, Châu Mỹ chiếm 6,54%, Châu Đại Dương chiếm 5%.

Định hướng đổi mới và nâng cao hiệu quả của hoạt động thương mại nông sản, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu để bảo hộ sản phẩm là một trong những định hướng quan trọng đã được Chính phủ chỉ đạo đối với ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Do đó, đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Lúa gạo của Việt Nam đã được công bố logo thương hiệu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, năm 2017 Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam. Ngay trong lễ khai mạc Festival lúa gạo lần 3, Logo thương hiệu Quốc gia gạo Việt Nam đã được chính thức công bố. Logo này được chọn từ 500 tác phẩm dự thi của các tác giả trong và ngoài nước, với trọng tâm là bông lúa cách điệu, lá lúa được biến tấu tạo hình chim Lạc Việt đang tung cánh là biểu tượng của Việt Nam đã được thế giới biết đến. Logo thương hiệu gạo Quốc gia đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ trong nước và đang trong quá trình đăng ký bảo hộ quốc tế theo hệ thống Madrid của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Wipo).

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, đây chỉ là bước khởi đầu nhằm xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, không phải tất cả gạo Việt Nam xuất khẩu đều có gắn logo này, mà chỉ có những sản phẩm đáp ứng các tiêu chí nhất định về chủng loại, chất lượng mới có.

Trong thời gian diễn ra Festival, có nhiều hoạt động triển lãm giới thiệu thành tựu trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo Việt Nam qua các thời kỳ có chủ đề “Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới”. Trưng bày máy móc, thiết bị vật tư nông nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn… Các hội thi “Gạo ngon thương hiệu Việt”, ảnh nghệ thuật “Đồng xanh sinh lúa vàng - Ruộng sạch cho gạo ngon”. Bên cạnh đó, còn có các hội thảo bàn giải pháp ứng phó bảo vệ cây lúa và phát triển hạt gạo Việt trước thực trạng xâm nhập mặn và khô hạn, cùng nhiều hoạt động tôn vinh công lao đóng góp tích cực của người nông dân, các nhà khoa học, quản lý và DN… cho ngành nông nghiệp.

T.Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/gao-viet-nam-tao-thuong-hieu-tren-thi-truong-the-gioi-525942/