Gạo Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan

Tuy nhận định gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với gạo Thái Lan nhưng các chuyên gia đều cho rằng cần khai thông những điểm nghẽn để hạt gạo Việt định vị đúng tầm kỳ vọng khi đang chiếm tới 15% lượng gạo xuất khẩu của toàn thế giới.

Câu chuyện thương hiệu mang ý nghĩa sống còn

Trung bình một năm, Việt Nam sản xuất trên dưới 26 – 28 triệu tấn gạo, sau khi dành cho tiêu thụ trong nước, khối lượng gạo xuất khẩu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo/năm. Lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới tuy nhiên giá trị thu về không cao.

Nhận định về giá gạo của Việt Nam đang đứng ở đâu trên thị trường thế giới tại Hội thảo “Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam” do Tạp chí LĐCĐ và BizLIVE phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ tổ chức ngày 22/6, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tân Long Group cho biết, bức tranh thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam lâu nay vẫn thường được so sánh với đối thủ Thái Lan.

Tuy nhiên các giống gạo của Việt Nam có điểm khác là đa dạng hơn, có gạo ngắn, gạo tròn với nhiều chủng giống mà Thái Lan, Campuchia không có. Tương tự, các giống dài Thái Lan, Campuchia cũng không có. Nhưng có điểm chung về thị trường xuất khẩu là Philippines.

Đặc biệt, tại Việt Nam các giống gạo thơm rất đa dạng. Gạo thơm đang thâm nhập các thị trường mới. Một số thị trường mới tại châu Phi như Ghana rất thích gạo thơm của Việt Nam, nên ngay cả khi nhập khẩu sản phẩm gạo tấm thị trường này cũng chọn gạo thơm.

“Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan về giá gạo ST24. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều gạo ST21 của Việt Nam, giá gạo ST21 cũng từng rất cao, giá gạo japonica cũng cao hơn gạo dài”.

“Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan về giá gạo ST24. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều gạo ST21 của Việt Nam, giá gạo ST21 cũng từng rất cao, giá gạo japonica cũng cao hơn gạo dài”.

Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tân Long Group

“Tôi cho rằng mỗi loại gạo đều có thị trường riêng. Nếu gạo Việt Nam có bán cao hơn Thái Lan hay gạo Việt Nam có thấp hơn gạo Thái Lan 20 - 30 USD cũng là bình thường”, ông Trung nhận định.

Đề cập đến bối cảnh của kinh tế Việt Nam nói chung và ngành lúa gạo nói riêng với những điểm đáng chú ý, bà Bùi Kim Thùy, Chuyên gia kinh tế hội nhập chỉ ra rằng, một "cuộc khủng hoảng hoàn chỉnh" là khi Việt Nam phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh toàn cầu, vấn đề biến đổi khí hậu, đại dịch, các cuộc xung đột và sự cạnh tranh giữa các cường quốc lớn. Là một nước nông nghiệp, Việt Nam cần ý thức về cuộc khủng hoảng hoàn chỉnh này.

Trong chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, chất lượng gạo phụ thuộc nhiều yếu tố như giống, quy trình, thu hoạch... Nhưng điều quan trọng nhất là phải bán được giá tốt. Để đạt được mục tiêu này, không chỉ là chất lượng, giống, quy trình của gạo. Khâu khó nhất, ít người làm nhất là làm thương hiệu. Việt Nam là quốc gia có độ mở lớn, xuất khẩu nhiều nhưng rất ít doanh nghiệp Việt xuất khẩu sử dụng thương hiệu chính mình.

Hiện nay, người dùng thế giới mở chú trọng vào “ăn ngon mặc đẹp”, ý thức ăn gì để cho khỏe, đẹp. Bài toán là ăn gì có lợi cho sức khỏe. Vì thế, chúng ta không chỉ tập trung an ninh lương thực, tăng số lượng mà còn phải tập trung để có sản phẩm tốt, có thương hiệu, chất lượng cao hướng đến người dùng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe. Gạo ST25 là ví dụ tốt cho hướng đi này.

“Doanh nghiệp Việt có vẻ còn thiếu ý thức làm thương hiệu trên thị trường nước ngoài. Ngoài ra, cần lưu ý đến phòng vệ thương mại. Ví dụ ngành mật ong Việt xuất khẩu vào Mỹ, có nguy cơ bị áp thuế 500%. Lý do đưa ra là Việt Nam chưa vận hành theo kinh tế thị trường, sử dụng biện pháp so sánh giá với thị trường tương đương”.

Bà Bùi Kim Thùy, Chuyên gia kinh tế hội nhập

Chuyên gia Bùi Kim Thùy cũng lưu ý, khi xuất khẩu gạo số lượng lớn, trong thời gian ngắn vào một thị trường nào đó, Việt Nam có thể chịu nhiều rủi ro về thuế quan. Gạo là sản phẩm nhạy cảm nên các hàng rào thương mại là nguy cơ.

Khơi thông kỳ vọng để hạt gạo Việt định vị đúng giá trị

Chỉ ra 5 vấn đề lớn trong phát triển lúa gạo Việt Nam tại hội thảo, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Intimex Group cho biết, 2021 là năm xuất khẩu cao về giá trị khi tăng 5% dù sản lượng giảm, đó là kỳ tích.

Tuy nhiên, ông Nam cũng lưu ý dù là xuất khẩu gạo Việt Nam đã có câu chuyện kỳ tích những vẫn còn nhiều khó khăn tồn đọng.

Trong đó, vấn đề đầu tiên là thu nhập của người nông dân giảm mạnh. Giá lúa không giảm nhưng phân bón, chi phí vận tải đột biến. Người nông dân muốn thay đổi cơ cấu cây trồng sang cây khác, nếu không nhìn, nghĩ sớm một ngày nào đó chúng ta sẽ giật mình lúa giảm dần.

Thứ hai, khi nói doanh nghiệp cần mở rộng thị trường, cạnh tranh với Thái Lan nhưng cần suy nghĩ lại. Có những sản phẩm Thái Lan làm mình không có và ngược lại, người tiêu dùng dùng sản phẩm nào thì sản phẩm đó ổn định. Như thị trường Philippines họ thích ăn gạo Việt hơn. Vậy Việt Nam ổn định thị trường này. Không phải mở rộng thị trường nào mà quan trọng thị trường bền vững.

Thứ ba, báo chí cho rằng tình hình xung đột khiến giá cả tăng lên, nhưng nhìn kỹ sản phẩm lương thực trên thế giới không hề thiếu chủ yếu là do vận chuyển, các vùng đều được mùa.

Thứ tư, doanh nghiệp Việt hiện cũng còn hình thức cạnh tranh hợp đồng của nhau, tranh thủ bán hàng sớm giá thấp làm cho cạnh tranh nội bộ doanh nghiệp, cần quan tâm suy nghĩ làm sao các doanh nghiệp cùng bàn bạc vấn đề giành giật hợp đồng.

Thứ năm về vận tải, bình quân container quan trọng, chi phí vận tải chiếm tỷ trọng cao đặt ra yêu cầu phối hợp giảm chi phí. Đến 2022 giá gạo hiện nay xuống, đến nay chưa nhìn thấy tương lai đâu cả.

Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long nếu không có trung tâm logistics lớn, hệ thống tàu bè, đường độc đạo sẽ ảnh hưởng tới hệ thống vận tải, cần có chiến lược dài hạn.

Nếu lấy trung bình sản lượng là 20 triệu tấn lúa/năm, giá bán 5.000 đồng/kg thì khu vực này thất thoát khoảng 652.000.000 USD/năm (tương đương 15.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, là người gắn bó với ngành lúa gạo Việt Nam nhiều năm qua, ông Balachandra Prashanth, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Công ty Buhler Asia Vietnam đặt ra vấn đề, dự báo đến 2050 dân số thế giới tính toán là khoảng 9 tỷ người. Trong khi đó, số liệu nghiên cứu chỉ ra, thức ăn bị thất thoát 30% trong quá trình từ nông trại tới bàn ăn. Trong đo lường thất thoát tính triệu tấn, trồng trọt mất 52 triệu tấn, tồn trữ mất 85 triệu tấn, sản xuất 73 triệu tấn, phân phối tiêu dùng.

Ông Balachandra Prashanth đã đưa ra các giải pháp thất thoát ở khâu tồn trữ, xử lý sau thu hoạch sản xuất, hướng giải pháp phát triển bền vững trong sản xuất nông sản thực phẩm. Điểm nghẽn nữa là chất lượng không đồng đều, hiện cách đo cảm quan chủ yếu bằng mắt, bằng tay con người. Điều này là chủ quan, không chính xác, không có thông số cố định. Do không kiểm soát được sự ổn định chất lượng ảnh hưởng tới quá trình vận hành sản xuất.

Trước những điểm nghẽn của hạt gạo, dưới góc độ của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, để phát triển nông nghiệp nông thôn, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược quan trọng và ngay đầu năm nay Chính phủ cũng đã đề ra những chiến lược đột phá cho ngành nông nghiệp, trong đó ngành gạo cũng được xác định là ngành chiến lược.

“Vấn đề đặt ra là không chỉ khơi thông những gì đang tắc nghẽn mà phải khơi thông cả những kỳ vọng đối với ngành lúa gạo. Nhiều cơ chế, chính sách để phát triển ngành lúa gạo đã được đề ra, tuy nhiên trong thực tiễn vẫn có những nút thắt”.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Bên cạnh những điểm nghẽn đã nói ở trên, ông Toản muốn bổ sung thêm một số nút thắt như vấn đề liên kết với bà con nông dân. Cơ quan nhà nước cần thúc đẩy hỗ trợ các chi phí hạ tầng liên kết, thành lập những tổ công tác cộng đồng liên kết bà con nông dân với các hợp tác xã. Bên cạnh đó là liên kết nông dân với doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết vùng.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp cũng như khơi thông nguồn vốn cho ngành lúa gạo để nguồn vốn đi đúng vào chu kỳ sản xuất. Ngoài ra cũng cần quan tâm hơn vấn đề về giống, phân bón.

“Tôi hy vọng hạt gạo Việt Nam không chỉ dừng ở doanh số xuất khẩu 3 tỷ USD mỗi năm mà còn hướng đến giảm số lượng xuất khẩu nhưng tăng giá trị hạt gạo, giá thành xuất khẩu”, ông Toản nhấn mạnh.

Tiếp tục đẩy mạnh các phân khúc giống cao cấp

Ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL

Ngành lúa gạo trong thời gian qua phát triển tốt, đóng góp cho ngành lúa gạo giống có đầu tư lớn. Với Việt Nam, trải qua thời gian dài, nhiều đơn vị nghiên cứu tổ chức đưa ra giống lúa đa dạng, tiềm năng năng suất lúa cao. Viện đang làm thủ tục công nhận thêm các giống mới thuộc phân khúc cao cấp, những giống lúa có sự cải tiến.

Phân khúc gạo trắng chất lượng cao, DT8 thay dần OEM 4900, OEM 429 khả năng chống chịu sâu bệnh, hạn mặn. Phân khúc gạo thứ ba, trước đây chiếm lĩnh thị trường đó IR54.

Việt Nam có cơ cấu giống gạo đa dạng, có thể tham gia tất cả các phân khúc gạo. Vấn đề chúng ta định vị ở đâu trong dòng thương mại? Đừng quên cách đây một năm nghe cảnh báo nhập gạo cấp thấp gạo Ấn Độ. Nếu tập trung xuất khẩu mà quên thị trường nội địa. Trong siêu thị dòng gạo cao cấp Thái Lan bắt đầu xâm nhập vào.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gao-viet-nam-hoan-toan-co-the-canh-tranh-song-phang-voi-thai-lan-post7757.html