Gạo Việt gặp khó ở Trung Quốc: Tiên trách kỷ!

Thay vì yên tâm với vai trò một nhà nhập khẩu gạo dễ tính, Trung Quốc đang giảm nhập gạo, không giấu tham vọng trở thành nhà xuất khẩu.

Gạo Việt Nam đang trải qua những tháng ngậm ngùi. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc sụt giảm rất mạnh, trong 5 tháng đầu năm 2019 mất 75,4% về lượng và giảm 75,2% về kim ngạch so với cùng kỳ, với 223.078 tấn, tương đương 111,33 triệu USD, chiếm gần 8,1% trong tổng lượng và chiếm 9,4% trong tổng kim ngạch.

Giá xuất khẩu sang thị trường này cũng giảm 6,3%, đạt 499 USD/tấn. Trung Quốc từ vị trí thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam đã rơi xuống vị trí số 3 trong 5 tháng đầu năm nay. Về cả năm 2019, Trung Quốc cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo 5,32 triệu tấn nhưng dự báo chỉ nhập khoảng 3,5 triệu tấn. Sự sụt giảm nghiêm trọng ở thị trường nhập khẩu lớn nhất này không chỉ đặt ra những thách thức cho thành tích xuất khẩu gạo năm nay mà còn buộc chúng ta phải đối diện với những sự thật đáng buồn.

Gạo Việt đang gặp khó ở thị trường Trung Quốc.

Gạo Việt đang gặp khó ở thị trường Trung Quốc.

Câu ‘tiên trách kỷ, hậu trách nhân’ lại áp dụng chuẩn xác trong trường hợp này. Cảnh báo Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với gạo nhập khẩu từ Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN từ năm 2019 đã xuất hiện từ rất lâu.

Chúng ta đã có đủ thời gian chuẩn bị để đáp ứng các quy định như thời gian xông trùng phải đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở của Trung Quốc kiểm nghiệm; bao bì, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và phải được cơ quan kiểm nghiệm của quốc gia này đóng dấu…

Chúng ta cũng không thiếu cách thức để xoay xở thêm giấy phép xuất khẩu gạo vào Trung Quốc hay liên kết, xây dựng thêm hoặc tăng công suất nhà máy để các doanh nghiệp được phép xuất khẩu có thể gánh thêm sản lượng, bù phần các doanh nghiệp không thể ủy thác xuất khẩu như năm trước. Trung Quốc đang khó tính hơn, còn doanh nghiệp Việt vẫn tự dễ dãi với chính mình.

Đáng nói, viễn cảnh sẽ ngày càng khó khăn hơn. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, dự trữ gạo trong niên vụ 2019/2020 của Trung Quốc vào khoảng 114-116 triệu tấn, chiếm gần 70% tổng gạo dự trữ/tồn kho trên toàn cầu. Trong hai năm trở lại đây, nước này đã bán đấu giá được trên 7 triệu tấn gạo dự trữ, trong đó riêng tháng 5/2019 bán 1.5 triệu tấn gạo.

Một số liệu đáng chú ý khác từ Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu gạo của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt gần 830 ngàn tấn, tăng 112,4% so với cùng kỳ, đặc biệt, đạt xấp xỉ lượng nhập khẩu gạo. Có thể thấy, thay vì yên tâm với vai trò một nhà nhập khẩu gạo dễ tính, Trung Quốc đang giảm nhập gạo, thậm chí, không giấu tham vọng trở thành nhà xuất khẩu. Với xu hướng này, mức sụt giảm trong nhập khẩu mặt hàng lúa gạo tại thị trường Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi.

Đối với Việt Nam, chính sách phát triển lúa gạo của Trung Quốc mang đến bất lợi kép. Vì nước này cũng lựa chọn sản xuất gạo giá rẻ, một mặt, tại thị trường Trung Quốc, hạt gạo Việt Nam, vốn chỉ có ưu thế giá rẻ, sẽ vấp phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp là gạo nội địa. Không phải ngẫu nhiên, gạo Việt Nam chịu tác động mạnh và rõ rệt nhất từ thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, gạo Trung Quốc sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của chiến lược xuất khẩu giá rẻ của Việt Nam. Kể từ năm 2017, gạo Trung Quốc đều tiếp tục mở rộng thị phần ở châu Phi, Địa Trung Hải và nỗ lực gia nhập các sân chơi khác như châu Á, châu Mỹ. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ trở thành nước xuất khẩu mặt hàng này lớn thứ 5 thế giới, vượt lên trên Mỹ.

Sức ép với gạo Việt còn đến từ một thực tế rầu lòng khác. Còn nhớ, trong năm 2014, dư luận đã hết sức xôn xao về thông tin Việt Nam nhập khẩu tới 70% giống lúa từ Trung Quốc. Sau đó, Tổng cục Trồng trọt đính chính lại, Việt Nam chỉ nhập khoảng 65-70% giống lúa lai. Tình trạng trên có vẻ không được cải thiện nhiều bởi theo thống kê năm 2016, chúng ta vẫn nhập 7000 tấn giống lúa lai, chủ yếu từ Trung Quốc. Về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, Trung Quốc là nhà bán hàng lớn nhất cho thị trường Việt Nam với mức cung ứng xấp xỉ 50% nhu cầu thị trường. Gánh nặng phụ thuộc này càng khiến gạo Việt khó có thể cạnh tranh, nếu tiếp tục đi theo con đường giá rẻ như Trung Quốc đang làm.

Rõ ràng, chúng ta cần phải thay đổi, hướng đến hàng loạt mục tiêu: giữ thị trường tỷ dân Trung Quốc, mở rộng thêm thị trường cho gạo Việt. Điều này đồng nghĩa, chất lượng và giá trị thương hiệu của gao Việt phải được nâng lên trên diện rộng, chứ không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực đơn lẻ, có phần đơn độc của một vài doanh nghiệp tư nhân. Vậy chúng ta cần làm như thế nào?

Một trong những đề nghị trong những tháng ngày khó khăn với thị trường Trung Quốc là mong các cơ quan quản lý thông tin, hướng dẫn tốt hơn về thị trường để doanh nghiệp trong nước điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều doanh nghiệp kỳ vọng có lẽ không chỉ là những thông báo tương tự… truyền thông mà là những phân tích kỹ lưỡng hơn về biến động, nhu cầu mới trên thị trường, lợi thế so sánh của gạo Việt để không đánh mất thị phần truyền thống và khả năng chiếm lĩnh thị phần mới, những quy định mới, cách thức liên kết để doanh nghiệp đáp ứng, các chính sách ưu tiên của cơ quan quản lý và cách thức để nhận được sự hỗ trợ, trợ giúp đó…

Tương tự ở các thị trường khác, vai trò xúc tiến đầu tư của các ngành chức năng không nên dừng ở chỗ bán những gì chúng ta đang sản xuất một cách dễ dàng mà phải hướng đến việc chào hàng những gì doanh nghiệp Việt có thể làm được. Ở đây, sẽ là một điều chỉnh linh hoạt giữa chiến lược xuất khẩu gạo số lượng lớn giá rẻ và việc bán gạo chất lượng tốt giá thành cao ra thế giới.

Theo cách tiếp cận này, việc đầu tiên cần làm là chấn chỉnh lại cách thức tổ chức xuất khẩu gạo. Lâu nay, xuất khẩu gạo thường nhờ các hợp đồng chính phủ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) quản lý và phân bổ cho các thành viên của Hiệp hội. Những doanh nghiệp nhà nước lớn là Vinafood 1 và Vinafood 2 thường giữ vị trí lãnh đạo trong Hiệp hội, dẫn đến các hợp đồng dễ đến tay các doanh nghiệp này.

Thống kê năm 2008 cho thấy, 10 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất chiếm 70% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, trong đó Vinafood 2 và Vinafood 1 chiếm tỷ trọng khoảng 40%. Hai doanh nghiệp này đang chỉ chăm chăm xuất khẩu gạo số lượng lớn và giá rẻ, triệt tiêu cơ hội và động lực sản xuất gạo tốt của người trồng lúa, và mỗi mùa thu hoạch, lại nghe đâu đó lời than làm cả vụ lúa chỉ đủ tiền mua chiếc nồi cơm điện.

Chúng ta đã nói quá nhiều về khát vọng người nông dân có thể sống được bằng cây lúa nhưng vẫn chưa có những hành động thực tiễn để biến điều đó thành hiện thực. Người nông dân trồng lúa vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi…

Khánh Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/gao-viet-gap-kho-o-trung-quoc-tien-trach-ky-3383673/