'Gạo Việt có thể bán giá 2.000 USD/tấn tại EU'

Đến ngày 15/8, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 0,3% về lượng nhưng tăng 12,3% về trị giá. Các doanh nghiệp cho rằng giá trị nông sản sẽ tiếp tục tăng cao nếu chú trọng chất lượng.

Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) mới đây đã ký kết hợp đồng xuất khẩu 3.000 tấn gạo thơm ST20 và Jasmine cho 3 khách hàng tại Đức. Trong đó, giá gạo ST20 đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine giá hơn 600 USD/tấn.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, đây là mức giá "đáng mơ ước và là kỷ lục mới của ngành lúa gạo Việt trong hành trình xuất khẩu nhiều năm qua".

Những lô gạo đầu tiên hưởng thuế suất 0%

Đợt giao hàng đầu tiên sẽ có 6 container chứa khoảng 150 tấn gạo. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Trung An, cho biết đây là lô gạo đầu tiên của doanh nghiệp được hưởng thuế suất ưu đãi 0% từ EVFTA.

"Trước đây, có những lô hàng gạo mà nhà nhập khẩu của chúng tôi phải đóng thuế 5-45% tùy nước nhập khẩu, có khi lên đến 300 euro/tấn. Hiện nay thuế này không còn nên rõ ràng gạo Việt Nam rất cạnh tranh", ông Phạm Thái Bình chia sẻ.

Cũng nhờ đó, Trung An đạt mức lợi nhuận cao hơn. Ông dẫn chứng số liệu từ VFA cho thấy, trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU dao động quanh vùng giá 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine khoảng 520 USD/tấn. Việc được giảm thuế trong bối cảnh thị trường gạo đang sôi động đã phần nào đẩy giá gạo Việt Nam tăng cao.

Thậm chí, ông Bình cho rằng giá gạo Việt còn có thể đạt mức 2.000 USD/tấn khi xuất khẩu sang EU, bởi đây là một thị trường cao cấp, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm giá cao nếu thực sự chất lượng.

 Gạo Việt Nam ngày càng tăng giá trị trên thị trường quốc tế. Ảnh: Việt Linh.

Gạo Việt Nam ngày càng tăng giá trị trên thị trường quốc tế. Ảnh: Việt Linh.

Thực tế, từ trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đã đạt 487,2 USD/tấn, theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Cơ quan này cho biết đây là mức giá cao nhất trong 9 năm qua.

Tính đến ngày 15/8, khối lượng gạo xuất khẩu trên toàn quốc đạt 4,3 triệu tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, giảm 0,3% về lượng nhưng tăng 12,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Bà Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thiên nhiên Việt, cũng khẳng định nông sản đặc sản của Việt Nam có thể đạt giá trị cao khi doanh nghiệp kiểm soát tốt chất lượng.

Trong 4 năm qua, doanh nghiệp non trẻ của bà đã xuất khẩu sang EU khoảng 20.000 sản phẩm bột rau sấy lạnh mang thương hiệu Quảng Thanh, như bột rau má, tía tô, diếp cá, chùm ngây, lá sen, trà xanh, cần tây…

Thậm chí, nhờ chinh phục được thị trường khó tính này, Thiên Nhiên Việt còn đang có cơ hội xuất khẩu 5.000 sản phẩm sang Mỹ. Trước đó, doanh nghiệp đã bán cho các đối tác Ấn Độ và Hàn Quốc với sản lượng trung bình 500 kg/tháng.

Kiểm soát chất lượng không phải ngày một ngày hai

Tuy vậy, theo VFA, để được nhập khẩu vào EU, hạt gạo Việt Nam phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe, như đảm bảo được truy xuất nguồn gốc với địa chỉ vùng trồng rõ ràng, không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và đạt tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc tương đương.

Do đó, từ khi EVFTA còn trong giai đoạn thương thảo, Trung An đã triển khai xây dựng những cánh đồng gạo sạch hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ. Thậm chí, doanh nghiệp mua đứt một cánh đồng 800 ha để đảm bảo tiêu chí vùng nguyên liệu.

Đồng thời, ông Bình cho biết đã đầu tư hơn 10 silo chứa lúa khô của Đức, có thể dự trữ khoảng 30.000 tấn đảm bảo nguồn cung và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của đối tác.

Trong khi đó, Công ty Thiên Nhiên Việt triển khai mô hình sản xuất khép kín từ canh tác, chế biến, bảo quản… theo tiêu chuẩn quốc tế. Bà Nguyễn Ngọc Hương chia sẻ, khi mới khởi nghiệp cách đây 4 năm, doanh nghiệp tự trồng các loại rau để có thể hiểu tính chất, các loại bệnh thường gặp và cách kiểm soát chất lượng tốt nhất.

Chia sẻ với Zing, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) lại cho rằng nâng cao hàm lượng chế biến sâu là một cách để tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Doanh nghiệp lựa chọn đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất, chế biến gạo hiện đại tại Đồng Tháp với diện tích 10.000 m2. Cơ sở này đạt công suất lên đến 45.000-50.000 tấn gạo mỗi năm, nhằm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu của Hapro.

Ngành nông nghiệp, thực phẩm dần chú trọng chuỗi cung ứng lạnh. Ảnh: ABA.

Một xu hướng khác đang được nhiều nhà xuất khẩu chú trọng để nâng cao chất lượng nông sản là áp dụng chuỗi cung ứng lạnh. Theo ông Lương Quang Thi, Tổng giám đốc ABA Cooltrans, phương pháp này vừa kéo dài thời gian tươi ngon của nông sản một cách tự nhiên, vừa giảm tỷ lệ hao hụt sản phẩm.

Bởi lẽ, nghiên cứu của CEL Consulting cho thấy, trung bình 25,4% nông sản hư hỏng trước khi được đưa đến nhà máy chế biến hoặc trung tâm phân phối. Riêng đối với mặt hàng gạo ở khu vực Đông Nam Á, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết tỷ lệ này rơi vào khoảng 10-37%.

Hiện ABA sở hữu 3 trung tâm phân phối lạnh ở TP.HCM và Hà Nội, phục vụ đối tượng khách hàng là các hệ thống bán lẻ hiện đại, chuỗi nhà hàng và doanh nghiệp sản xuất để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gao-viet-co-the-ban-gia-2000-usdtan-tai-eu-post1127588.html