Gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu tại Mỹ: Bài học lớn cho doanh nghiệp Việt

Việc gạo ST25 bị doanh nghiêp nước ngoài đăng ký thương hiệu sau nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột một lần nữa trở thành bài học lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Gạo ST25 “phất lên” trên thị trường thế giới được chừng hai năm nay sau khi dấu ấn đạt giải nhất cuộc thi Gạo ngon Thế giới năm 2019, rồi giải nhì cuộc thi tương tự năm 2020.

Tuy nhiên mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Quang Cua, đại diện nhóm tác giả giống lúa ST25 nổi tiếng xác nhận đã biết thông tin gạo ST25 bị doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ ở Mỹ nhưng không thể làm được gì vì không rành các quy định về sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.

Như vậy, sau khi bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu, khi Việt Nam xuất khẩu loại gạo này sang Mỹ sẽ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ST25 ở Mỹ. Nếu không thông qua, doanh nghiệp Việt sẽ vi phạm về sở hữu trí tuệ.

 Gạo ST25 bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu ở Mỹ.

Gạo ST25 bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu ở Mỹ.

Trao đổi với KTSG Online về thông tin này, một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cũng là chuyên gia trong ngành xuất khẩu gạo (xin không nêu tên) cho rằng: Không có gì bất ngờ với thông tin này cả, vì không có luật nào cấm một doanh nghiệp (của bất cứ quốc gia nào) đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nào đó tại Mỹ nếu sản phẩm đó chưa được bảo hộ tại thị trường này.

“Điều đáng buồn là doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn quá chậm chạp trong việc đăng ký bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của mình ở thị trường nước ngoài! Việc này cũng đã xảy ra rất nhiều lần trong quá khứ chứ không riêng gì ST24, ST25”, vị chuyên gia nhận định.

Có thể kể đến vấn đề tương tự đã từng xảy ra với những thương hiệu nông sản nổi tiếng của Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột...

Cũng trên KTSG Online, ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), chia sẻ câu chuyện bảo hộ nhãn hiệu của mình khi khảo sát để xuất khẩu gạo của công ty vào thị trường Mỹ.

Theo đó, ông Thiện bắt gặp nhiều sản phẩm gạo “Made in Thailand” nhưng lại ghi tên “rất Việt Nam” như gạo thơm Ba con nai, gạo Ba miền... lại còn in cả hình bản đồ Việt Nam lên bao bì. Người Thái cũng rất khéo léo khi giải thích rằng họ phải dán nhãn sản phẩm bằng tiếng Việt để có thể bán cho người Việt. Cho đến nay, việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài vẫn là chủ đề khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó có ngành gạo "đau đầu”.

Giám đốc một doanh nghiệp am hiểu thị trường Mỹ cho rằng, tại thị trường này, hễ mặt hàng nào nổi lên, được người tiêu dùng chú ý lập tức sẽ có người đăng ký thương hiệu đón đầu.

"Chi phí đăng ký thương hiệu không nhiều, nếu mặt hàng bán chạy thì người đăng ký thương hiệu trước có thể bán lại cho chủ sở hữu thực sự hoặc nhận tiền bản quyền khi có hàng hóa xuất khẩu sang. Trường hợp chủ sở hữu muốn đòi lại thương hiệu phải trải qua cuộc chiến pháp lý khá phức tạp", vị giám đốc này phân tích.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cảnh báo, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chậm chạp trong việc đăng ký bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của mình ở thị trường nước ngoài. Trong khi Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới.

Còn theo ông Vũ Bá Phú, điều đau lòng là khi sự việc đã xảy ra rồi, cơ quan chức năng hoàn toàn không thể hỗ trợ gì được cho doanh nghiệp trong việc đòi lại thương hiệu đã bị đăng ký bảo hộ tại các nước trên thế giới. Do đó, cùng với quá trình xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần có chiến lược trong đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở những thị trường trọng điểm, tùy theo khả năng tài chính và chiến lược phát triển thị trường của mình.

Thu Hà (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/gao-st25-bi-dang-ky-thuong-hieu-tai-my-bai-hoc-lon-cho-cac-doanh-nghiep-xuat-khau-d186040.html