Gạo ngon từ vùng nhiễm mặn

Trong hơn 20 năm qua, cùng 2 cộng sự là Tiến sĩ Trần Tấn Phương và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Anh hùng lao động - Kỹ sư Hồ Quang Cua đã liên tục nghiên cứu thành công các giống lúa trên đất nhiễm mặn với những giống thơm đặc sản, chống chịu mặn như: ST 1, ST 3, ST 5, ST10, ST 16, ST 18, ST 20, ST 22 và đặc biệt 2 giống gần đây ST 24 và ST 25 là giống lúa ngắn ngày.

Kỹ sư Hồ Quang Cua bên ruộng lúa ST 24. Ảnh: Hữu ĐỨC

Với giống ST 25, lần đầu tiên Việt Nam giành được danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới" trong 11 kỳ hội nghị thường niên của Tổ chức Thương mại gạo quốc tế, bởi nhiều phẩm chất nổi bật. Nếu so với giống chuẩn về gạo đặc sản thế giới được áp dụng lâu nay, là giống Khao-đốc-ma-li của Thái Lan, thì ST 25 và cả ST 24 đều có những vượt trội về chất lượng và thuận lợi cho thương mại.

Theo Kỹ sư Hồ Quang Cua, phân tích đối chiếu với Khao-đốc-ma-li thì độ thơm tương đương, độ trắng cao hơn, nhiệt độ trở hồ tương đương, lượng amyloz tức là độ mềm cũng tương đương. Và đặc biệt cái quý là những giống này có độ bền thể gen rất dài, tức là gen mềm, do vậy thời gian để tồn trữ thì khi nấu hạt cơm ít bị khô hơn Khao-đốc-ma-li nếu tính cùng thời điểm tồn trữ. Vì những đặc điểm này nên hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang rất thích kinh doanh nhóm này, bởi vì họ có khả năng tồn trữ hạt thóc lâu hơn và lâu bị khô.

Nhà nông Hứa Thành Nghĩa, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Từ ST3, ST 5, ST 20... cho đến hiện nay là dòng ST24, ST 25. ST đang là dòng lúa thị trường rất ưa chuộng, giá chênh lệch khoảng 25% so với lúa thường. Những giống lúa anh Cua đã lai tạo, chọn tạo tới nay đã mang lại hiệu quả kinh tế thật sự đối với người nông dân ở tỉnh Sóc Trăng.

ST 24 ở vụ mùa và vụ đông xuân chỉ từ 95 ngày, tức là nó thuộc nhóm A1. Còn ST 25 thì dài hơn, vụ đông xuân có thể gần 100 ngày. Thành tựu giống lúa thơm ngắn ngày là mới. Nhưng với giống mà chu kỳ cỡ A1 lại đạt phẩm cấp tương tự Khao-đốc-ma-li, thì đó là điều rất là quý hiếm, trước giờ trong giới nghiên cứu khoa học chưa có ai tạo ra được.

PGS.TS Mai Thành Phụng, Nguyên Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam-Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, khẳng định: Công trình lai tạo, chọn lọc những giống lúa ST vừa có chất lượng thơm ngon, hạt gạo dài, đặc biệt là thời gian sinh trưởng được rút ngắn so với lúa mùa rất phù hợp với canh tác trên đất 2 vụ lúa, vừa có thể giảm tải ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt chúng ta sẽ cắt đứt lây lan của dịch hại và việc để cho đất nghỉ 1 tháng trở lên tái tạo lại sức khỏe của đất, rất phù hợp với nông nghiệp bền vững hiện nay.

Ông Võ Minh Thắng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm, phấn khởi: "Ngã Năm là vùng trũng, nhiễm phèn, mặn. Đặc biệt vùng đất Ngã Năm, các giống ST cho chất lượng hạt gạo ngon hơn so với một số vùng khác, ST chịu phèn, mặn, năng suất 7 tấn/ha. Giá lúa thường khoảng 5.200 đồng/kg, trong khi ST là 7.200-7.500 đồng/kg, lợi nhuận của bà con được nhiều hơn".

Kỹ sư Võ Quốc Trung, Trưởng Phòng Kỹ thuật-Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, cho biết thêm: Bờ bao và hệ thống cống để phục vụ cho việc nuôi tôm, thì đó cũng chính là lợi thế trong việc để trữ nước ngọt cần thiết phục vụ cho lúa, mặc dù bên ngoài có mặn, khi gặp những trường hợp mưa kết thúc sớm và xâm nhập mặn như hiện nay… Bà con trữ nước ngọt trong các ao chứa để có thể cung cấp ở giai đoạn cuối cho cây lúa vào giai đoạn trổ chín rất thuận lợi.

Giống lúa ST 24 trên đồng ruộng Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Khi trồng lúa trên nền nuôi tôm nhà nông tự ý thức hạn chế sử dụng nông dược nhằm tránh lưu tồn trong đất, ảnh hưởng đến con tôm nuôi sau vụ lúa. Đây là tiền đề phát triển canh tác lúa an toàn mà ở tỉnh Sóc Trăng đã có mô hình với tiêu chí "gạo thơm-tôm sạch" trên quy mô hàng ngàn héc-ta. Ở đó cũng có doanh nghiệp tiên phong xây dựng cánh đồng lúa hữu cơ trên nền ruộng nuôi tôm, và đã có hơn 50ha được cấp giấy chứng nhận. Hàng trăm héc-ta đang tiếp tục được thẩm định, chờ cấp chứng nhận trong thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Giảng viên cao cấp Khoa Phát triển nông thôn - Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Sự nổi lên của các giống lúa ST mà anh Cua phát triển đã làm cho uy tín của hạt gạo Việt Nam ngày càng được củng cố trên thị trường gạo quốc tế. Chúng tôi rất phấn khởi trước những thành tựu nổi bật này. Với đà này, Việt Nam sẽ tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Việt để phát huy được những thành tựu mà anh Cua đạt được. Trong tương lai có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nước xuất khẩu gạo đặc sản truyền thống.

Bên cạnh dòng gạo trắng, chất lượng cao, nhiều năm qua nhóm nghiên cứu của Kỹ sư Hồ Quang Cua cũng đã đưa ra thị trường những giống lúa có giá trị thực dưỡng như ST đỏ, ST tím. Gạo từ các giống lúa này được sử dụng như là thực phẩm chức năng dành cho một số người tiêu dùng cá biệt. Thời điểm giáp Tết vừa qua, những chuyến xe chở gạo mang thương hiệu ST đến với thị trường, như thúc đẩy nhà nông phấn khởi hơn từ công sức mà chính họ và những nhà khoa học chân đất đang mang lại cho hạt gạo Việt Nam.

HOÀI BẢO - HÙNG THANH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/gao-ngon-tu-vung-nhiem-man-a118772.html