Gạo ngon chưa có thị trường

Mấy hôm trước, một siêu thị ở thành phố Bắc Giang bán khuyến mại gạo ngon nhất thế giới ST25 cho khách với giá chưa tới 100.000 đồng/túi 3 kg. Điều kiện đơn giản là phải mua hàng với hóa đơn trên 50 nghìn đồng. Cách tiếp thị này khiến đa phần ai cũng mua kèm thêm một túi gạo để xem gạo ngon nhất thế giới như thế nào.

Không ai kiểm chứng và so sánh gạo nào ngon hơn gạo nào, lại còn nhất thế giới nhưng với giá 30 nghìn đồng/kg, cộng sức mua của cả hệ thống siêu thị khắp toàn quốc và được rao bán tràn lan cả trên mạng xã hội thì khó có thể có gạo chuẩn. Trả lời với báo chí, ông Hồ Quang Cua, cha đẻ của thương hiệu lúa ST25 cho biết, trên thị trường hiện có hàng chục loại gạo giả, nhái thương hiệu của ông. Và với giá gạo rẻ như vậy thì càng không phải.

Cùng với “gạo ông Cua” ST25 ngon nhất thế giới còn có khá nhiều loại gạo khác đến từ Cần Thơ, Điện Biên, Sóc Trăng, Hậu Giang… được bày bán trong siêu thị; tuy nhiên để tìm một loại gạo của Bắc Giang thì hầu như không có, trong khi thương hiệu gạo thơm Bắc Giang không ít.

Đơn cử gạo thơm Yên Dũng được người tiêu dùng đánh giá sánh ngang với các loại gạo nổi tiếng của Thái Lan, Điện Biên, Hải Hậu (Nam Định)… vì cơm dẻo, thơm ngon, dễ chế biến. Chưa kể hạt gạo đều, trắng ngần, có hương thơm đặc biệt và được ghi nhận là sản phẩm nông nghiệp sạch, không hóa chất.

Hay như gạo nếp Phì Điền (Lục Ngạn) cũng rất ngon. Hạt gạo mẩy, to tròn đều, có màu trắng đục và khi nấu có mùi thơm đặc trưng, giữ được độ dẻo lâu sau chế biến, ăn bùi và mềm. Gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn (Hiệp Hòa), gạo Bao Thai Lục Ngạn cũng là những loại gạo quý và đều là nguyên liệu chế biến thành những đặc sản nổi tiếng của Bắc Giang như: Mỳ Chũ, bánh chưng Hoàng Vân…

Có thể thấy đồng đất Bắc Giang khá phù hợp để tạo ra các loại gạo thơm ngon, chất lượng. Và từ rất sớm, gạo thơm Yên Dũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Các loại gạo như gạo nếp Phì Điền, nếp cái hoa vàng Thái Sơn… được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Đặc biệt, năm 2013, nếp Phì Điền còn được đề cử là một trong 100 thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam.

Rõ ràng chúng ta có gạo thơm ngon, có thương hiệu, bao bì sản phẩm khá đẹp song để có chỗ đứng trên thị trường, để nhiều người tiêu dùng biết đến thì lại đang chưa tìm được lời giải. Hiện các địa phương đã thành lập các hiệp hội sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; giới thiệu, bày bán sản phẩm ở các hội chợ, các cửa hàng ký gửi… song kênh tiêu thụ chính vẫn là tư nhân, chưa có doanh nghiệp lớn tham gia tiêu thụ và chưa thể xuất khẩu.

Trong khi chờ một “bà đỡ” cho các thương hiệu gạo của Bắc Giang, ngay bản thân người sản xuất và các địa phương cũng cần tự tìm khách hàng, đầu ra cho sản phẩm của mình thông qua các cửa hàng, chợ, siêu thị của ngay chính địa phương mình; rộng hơn là trong toàn quốc. Chứ nếu không quan tâm quảng bá, tiếp thị thì có khi ngay trên sân nhà, ngay trong các siêu thị, các chợ, người dân toàn tìm mua “gạo ông Cua” ngon nhất thế giới mà có khi vẫn là gạo nhái, không ngon bằng gạo Bắc Giang mình.

Hương Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/357811/gao-ngon-chua-co-thi-truong.html