Gạo ĐBSCL tìm 'lối thoát'

Dù không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khu vực ĐBSCL vẫn đang nỗ lực tìm thị trường xuất khẩu mới, thay thế thị trường Trung Quốc.

Năm 2020 Trung Quốc tiếp tục siết nhập khẩu gạo từ Việt Nam nên chỉ cấp hạn ngạch bằng với năm 2019 khoảng 400.000 tấn gạo. Với số lượng gạo nhập khẩu như vậy, thị trường Trung Quốc mua gạo Việt Nam chỉ tương đương với thị trường Cu Ba.

Chế biến gạo xuất khẩu ở Cần Thơ. Ảnh: Nam Sơn

Chế biến gạo xuất khẩu ở Cần Thơ. Ảnh: Nam Sơn

Ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, cho biết gạo xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang sang Trung Quốc có bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng không nhiều do xuất khẩu gạo của tỉnh sang thị trường này trong những năm gần đây đã giảm nhiều.

Điển hình như Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang) là một trong những doanh nghiệp từng xuất khẩu 80% lượng gạo của Công ty sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ giữa năm 2017 đến nay, xuất khẩu gạo của doanh nghiệp này sang thị trường Trung Quốc liên tục sụt giảm, do Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu gạo từ Việt Nam lên 50%. So với trước đây, sản lượng xuất khẩu gạo của Công ty Việt Hưng sang Trung Quốc đã giảm đến 90%.

“Việc phát triển thương hiệu gạo tại Trung Quốc rất khó khăn do doanh nghiệp nước này thích mua gạo xá và đóng lại bao bì theo thương hiệu của họ rồi bán ra thị trường”, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết.

Tương tự, trước đây tỉnh Kiên Giang xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chiếm khoảng 30-40% tổng số gạo xuất khẩu của tỉnh, nhưng nay chỉ chiếm khoảng 10-12% do thị trường này bắt đầu truy xuất nguồn gốc gạo xuất khẩu và ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần Thơ cho biết, thị trường Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, họ giảm mua gạo không rõ ràng nên doanh nghiệp khó ứng phó. Vì vậy, Công ty đã tìm được một số thị trường thay thế, đáng kể là Philippines, sau khi nước này bỏ chính sách nhập khẩu gạo tập trung để chuyển sang nhập khẩu tự do theo cơ chế thị trường.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ngành nông nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy chuẩn quốc tế, đồng thời các doanh nghiệp phải tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu. Có như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam mới vượt qua khó khăn lớn trong mùa dịch COVID-19.

Nam Sơn

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/gao-dbscl-tim-loi-thoat-167013.html