Gạo Bãi Rươi: Sản phẩm sạch hữu cơ ở Tứ Kỳ, Hải Dương

Khác với các vùng sản xuất lúa truyền thống, lúa bãi rươi xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương được sản xuất hoàn toàn sạch.

Ông Phạm Văn Soi, thôn An Định, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ đang thăm lúa ở ruộng bãi rươi của gia đình.

Ông Phạm Văn Soi, thôn An Định, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ đang thăm lúa ở ruộng bãi rươi của gia đình.

Cây lúa trồng trên ruộng rươi không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào như các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ thậm chí khi đưa máy cày xuống ruộng cày người dân còn không để dầu, mỡ của máy rơi xuống ruộng. Chính vì thế hạt gạo được trồng từ bãi rươi đảm bảo sạch 100%.

Năm 2019 hội đồng OCOP tỉnh Hải Dương đã xếp hạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao là Gạo Bãi Rươi xã An Thanh huyện Tứ Kỳ.

Người dân ở đây cho biết một năm vùng rươi chỉ cấy được 1 vụ lúa, giống chính là ST25, lúa được người dân cấy sớm hơn so với vụ lúa bình thường từ 15 đến 20 ngày. Mật độ cây lúa được cấy thưa hơn nên cây lúa được tiếp nhận nhiều ánh sáng mặt trời, ruộng lúa thông thoáng hơn nên cũng ít sâu bệnh hại lúa hơn. Do đặc điểm của con nước lên xuống theo thủy triều, nước ngập vào đêm và sáng sớm, ban ngày nước rút ra ngoài sông nên các mầm bệnh cũng theo nước trôi ra sông vì vậy cây lúa cũng ít bệnh hơn.

Chất dinh dưỡng để nuôi cây lúa chủ yếu là phân gà được ủ từ 4 đến 6 tháng trước khi được quãi xuống ruộng để trồng lúa. Vụ lúa bắt đầu được trồng từ sau tháng 12 âm lịch đến trước tháng 6 năm sau, sau đó toàn bộ ruộng đều được phơi nắng để chờ đến cuối năm lại thu hoạch con rươi.

Hạt lúa được cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra tại ruộng bãi rươi ở Tứ Kỳ.

Ông Phạm Văn Soi, thôn An Định xã An Thanh huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương đã trồng lúa trên bãi rươi từ nhiều năm nay, cho biết hơn 1,6 mẫu ruộng của ông thu hoạch rươi và cáy là chính, trồng lúa chỉ để lấy gạo ăn và tạo mùn để cho rươi và cáy sinh trưởng và phát triển. Đặc tính của con rươi là loại sinh vật rất đặc biệt nhạy cảm với các loại hóa chất, nó chỉ sống được với đất và nước sạch. Vì vậy, người dân ở đây trồng lúa đều không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào, lúa và rươi cộng sinh trong một môi trường sống, lúa mang lại môi trường thích hợp cho rươi sinh trưởng. Năm 2022 gia đình ông thu nhập từ ruộng lúa rươi là trên 300 triệu đồng; trong đó, lúa bán được 23 triệu đồng còn lại chủ yếu thu nhập là từ bán rươi và một phần từ cáy.

Do thu nhập chính ở ruộng là rươi nên ở những ruộng rươi người dân phải tạo môi trường sạch nhất để rươi sinh trưởng và phát triển tốt nhất, nếu ruộng nào có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì rươi sẽ bị chết từ trong trứng nằm trong lòng đất, đến mùa không nở ra thành con rươi để ngoi lên mặt nước và người dân sẽ không thu hoạch được rươi. Nhà nào không làm sạch ruộng thì sẽ mất cả vụ thu hoạch rươi có thể mất từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tiền bán rươi một năm tùy từng diện tích ruộng của mỗi nhà. Do đặc tính khác biệt của bãi rươi ở đây nên quy trình canh tác của người dân cũng khác với các vùng trồng lúa khác.

Hiện nay, gạo bãi rươi đã trở thành một trong những thương hiệu gạo hữu cơ sạch được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến. Gạo bãi rươi không những ăn ngon, trồng trong môi trường sạch mà đã trở thành gạo an toàn thực phẩm được sản xuất theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nhất.

Kiểm tra sản phẩm Gạo bãi rươi trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Anh Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Thế hệ mới đơn vị chuyên cung cấp gạo bãi rươi ra thị trường cho biết, đơn vị đã đồng hành với người dân ở đây gần 10 năm trở lại đây, đơn vị đã phối hợp với HTX dịch vụ Nông nghiệp của xã cung cấp giống lúa, chuyển giao quy trình kỹ thuật, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra cho người dân với giá ổn định.

Đây là sản phẩm đặc sản đặc thù nên đòi hỏi phương thức canh tác cũng khác hơn do sự kết hợp giữa trồng lúa và khai thác đặc sản tự nhiên rươi cáy, người dân ở đây quan tâm chính là bảo vệ môi trường để cho rươi, cáy phát triển và thu lợi chính từ rươi, cáy. Lúa gạo chỉ là thu nhập thêm trên ruộng, nên chỉ chiếm 15 - 20% tổng giá trị người nông dân thu hoạch được trên ruộng.

Tuy nhiên, trồng lúa là để tạo môi trường cho rươi cáy phát triển, đây là mô hình cộng sinh chính vì vậy đặc sản gạo bãi rươi khác hoàn toàn các vùng canh tác khác mà chỉ có vùng có rươi mới thực hiện được.

Để bảo vệ và phát huy đặc sản Gạo bãi rươi, huyện Tứ Kỳ đã xây dựng kế hoạch để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm hữu cơ đặc hữu trong đó có gạo bãi rươi. Theo đó xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại xã An Thanh là 137 ha với 294 hộ dân tham gia. Huyện cũng hỗ trợ kinh phí, giống và chuyển giao kỹ thuật cho người dân ở đây sản xuất sản phẩm hữu cơ sạch là gạo bãi rươi cung cấp ra thị trường. Những năm gần đây xã cũng đã phát triển thêm hơn 100 ha diện tích bãi rươi cáy trong nội đồng nâng tổng số diện tích lên hơn 200 ha bãi trồng lúa nuôi rươi cay trong sản xuất.

Người dân phơi lúa sau khi thu hoạch tại ruộng bãi rươi ở xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ.

Theo đánh giá của chính quyền địa phương hiện nay vùng bãi rươi cáy xã An Thanh hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 400 tấn gạo bãi rươi, đây là gạo hữu cơ sạch được thị trường rất ưa chuộng và giá trị kinh tế cao hơn so với trồng lúa ở những vùng thông thường.

Gạo Bãi Rươi sản phẩm sạch hữu cơ ở Tứ Kỳ là sản phẩm lúa trên đất bãi rươi không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm gạo sạch, an toàn, thân thiện với môi trường theo đúng định hướng phát triển của ngành nông nghiệp "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030".

Bài và ảnh: Tiến Vĩnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/gao-bai-ruoi-san-pham-sach-huu-co-o-tu-ky-hai-duong-20230525193939352.htm