Gánh người bệnh chạy trốn tử thần

Tai ương ập xuống nhà Hồ Văn Thuyền ở thôn Tre (xã Trà Tây, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) thêm lần nữa vào mồng 2 Tết. Cơn đau thận của bà Hồ Thị Viên, mẹ của Thuyền, được cấp cứu kịp thời sau hơn ba giờ gánh võng băng làng, băng rừng của hàng trăm thanh niên trong thôn. Lần này, mẹ của Thuyền may mắn thoát chết. Bi kịch tang thương chưa đổ thêm lần nữa lên gia đình Thuyền, như vợ anh 5 năm trước.

Người làng ở thôn Tre, xã Trà Tây gánh người bệnh ra đường lớn đón xe cấp cứu.

Người làng ở thôn Tre, xã Trà Tây gánh người bệnh ra đường lớn đón xe cấp cứu.

Tai ương ập xuống nhà Hồ Văn Thuyền ở thôn Tre (xã Trà Tây, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) thêm lần nữa vào mồng 2 Tết. Cơn đau thận của bà Hồ Thị Viên, mẹ của Thuyền, được cấp cứu kịp thời sau hơn ba giờ gánh võng băng làng, băng rừng của hàng trăm thanh niên trong thôn. Lần này, mẹ của Thuyền may mắn thoát chết. Bi kịch tang thương chưa đổ thêm lần nữa lên gia đình Thuyền, như vợ anh 5 năm trước.

Mẹ thoát chết, vợ không còn

Sau hai tuần nhập viện và được điều trị bệnh sỏi thận, sức khỏe bà Hồ Thị Viên đỡ hơn. Lần thứ hai bà thoát chết khi được người trong làng gánh võng cấp cứu. Mồng 2 Tết, khi đang chơi ở nhà con gái, cơn đau bất chợ khiến bà ngã quỵ giữa nhà. Bà được đưa về nhà, sau vài phút “làm phép” theo tục lệ, hơn 80 đàn ông, thanh niên già trẻ của làng tập trung trước nhà đưa bà đi cấp cứu.

Mặc cho đường đầy bùn lầy từ những trận mưa núi chưa dứt, điểm sạt lở còn nham nhở sau mùa mưa cũ, những người đàn ông trong làng gánh võng đưa bệnh nhân ra đường cái quan đón xe. Gồng gánh chạy bộ hơn 10km, đường trơn trợt lún sinh lầy, những người đàn ông thay phiên nhau cố sức gánh võng chạy nhanh cứu người bệnh. Hơn ba giờ băng qua nhiều làng, đường rừng gánh võng đưa bà Viên ra đường lớn, nơi có xe cấp cứu chờ sẵn.

“Bữa đó, tôi gọi là anh em trong xóm đều chạy đến giúp đưa bà đi cấp cứu. Gánh võng hơn 10km nên phải đông mới thay nhau chạy kịp. Cũng may được cứu kịp, chứ mấy năm trước vợ tôi thì không”, Hồ Văn Thuyền cúi mặt nhìn xuống đôi tay sần sùi nói.

Thuyền còn nhớ, 5 năm trước, khi vợ mang thai con đầu lòng, cả gia đình mong chờ ngày vui. Hôm đó chưa đến ngày sinh, vợ Thuyền đau đớn dữ dội.

Bà Hồ Thị Viên và chiếc võng - phương tiện đã đồng hành cùng những người đàn ông trong làng cứu bà ngày mồng 2 Tết.

Cũng lồ ô làm cáng, cũng võng và mền làm “xe cấp cứu”, vợ của Thuyền được hàng trăm thanh niên các làng gồng gánh chạy đua với tử thần. Đoạn đường từ nhà ra trạm xá của xã mươi cây số, người bệnh trên võng được gánh gồng chạy dưới cơn mưa tầm tã. Sau vài tiếng tới trạm xá, bệnh tình vợ Thuyền trở nặng. Hàng trăm người đàn ông trong làng lại tiếp tục gánh người bệnh vượt dốc sình, vòng núi hiểm trở để ra đường huyện đón xe cấp cứu.

“Sáng đó vợ tôi được gánh võng đến trưa ra tới trạm xá. Y, bác sĩ trạm xá không cứu được phải chuyển lên huyện mới hy vọng. Anh, em tiếp tục gánh võng đưa vợ tôi ra đường lớn mới có xe. Ra tới đường lớn lúc 4 giờ chiều, xe cấp cứu có nhưng vợ và con lại không chờ được”, Thuyền chưa thôi ám ảnh nỗi đau.

Cả làng chạy marathon tiếp sức cứu người

“Tôi có 300 anh em, cứ gọi là cả làng chạy đến giúp thôi”, Hồ Văn Nguyên khoe danh sách điện thoại của trai làng. Ở thôn Tre, Nguyên có thâm niên hơn 20 năm hành trình “gánh võng chạy bệnh”. Công việc chính là trồng rừng keo sinh sống, những người đàn ông thôn Tre còn có thêm việc quan trọng là gánh võng cứu người. Bất kể ngày đêm, cứ có điện thoại Nguyên cùng các anh, các chú tiếp ứng cứu nạn.

Mỗi năm, làng bản thôn Tre có hơn 20 ca bệnh cấp cứu sinh đẻ, đau ốm. Khi đó, thanh niên làng trên gánh võng chạy xuống thì đàn ông làng dưới đón chờ, tiếp tay tiếp sức. Cứ thế, đoàn người gánh võng nối dài mỗi khi qua làng bản. Trên sườn núi hiểm trở, cuộc đua marathon tiếp sức để chạy trốn tử thần tính từng giây phút.

“Gánh võng đi qua xóm nào thì có người làng xóm đó đón sẵn. Già trẻ, trai gái gì cũng kéo nhau đi. Người khỏe thay nhau khiêng tiếp sức, người chạy theo dọn đường, đỡ đần động viên nhau. Đường đất đá nên người bệnh không đi xe máy được, phải gánh chạy bộ nhanh mới cứu kịp”, Nguyên chia sẻ kinh nghiệm.

Thôn Tre có 15 cụm làng, mỗi làng có nhiều xóm nhỏ trải dài triền núi dưới đỉnh Cà Đam. Xóm cách xóm, làng cách làng vài cây số trên những con đường đá núi ngổn ngang. Mùa nắng đất đá gập ghềnh, bụi đất bám dày trên cây cối, đồi núi. Mùa mưa, làng bản bị chia cắt bởi sạt lở núi, bùn lún cả xe lẫn người. Những chiếc xe máy chạy vòng quanh núi ra đường nhựa mất vài giờ khi mùa nắng, non ngày đêm mỗi mùa mưa. Nỗi thấp thỏm, sợ hãi nhất là khi có người bệnh, người gặp nạn cần cấp cứu.

Bà Hồ Thị Nga (64 tuổi) và mẹ con chị Hồ Thị Nga.

Bốn tuổi, bé Hồ Cao Trung Tiến học lớp mẫu giáo điểm trường thôn Tre. Mắt sáng, da đen nhẻm đặc trưng của trẻ miền cao, Tiến ra đời trên chuyến “gánh võng” của làng. Mùa mưa năm 2017, chị Hồ Thị Nga (46 tuổi) đau bất thường khi chưa đến ngày sinh. Đường từ thôn ra trạm xá non 10km, bà con trong làng gánh võng vượt đường núi đá lẫn bùn đưa Nga ra trung tâm xã. Bà Hồ Thị Nga (64 tuổi) chạy theo đoàn người tiếp sức cho cháu gái. Sức người dưới những trận mưa rừng gồng gánh vất vả, nhọc nhằn hơn. Đi được nửa đường, những cơn đau khiến Nga kiệt sức. Không còn cách nào khác, bà Nga “lớn” quyết định dừng chân và đỡ đẻ ngay bên đường núi.

“Tôi là bà mụ đỡ đẻ trong thôn nhiều năm rồi nhưng mấy ca bất thường thì sợ. Lúc chạy theo đoàn gánh võng không mang gì cả. Tôi lấy lồ ô vuốt mỏng, lấy sợi chỉ từ áo để thắt dây rốn và cắt. Cũng may là sinh ra thằng Tiến an toàn. Già rồi không muốn làm bà mụ trong thôn đâu. Có đường sá xe chạy tới đưa đi trạm xá có thuốc, có dụng cụ sinh nở an toàn. Chứ tự đỡ thì nguy hiểm, ai mà muốn đâu”, bà Nga “lớn” chia sẻ.

Cần tiếp sức cho cuộc sống mới

Thôn Tre xã Trà Tây, huyện Trà Bồng lọt thỏm dưới chân núi Cà Đam. Cả thôn có 206 hộ dân với 1.000 nhân khẩu sinh sống, cũng là nơi đông dân nhất của xã Trà Tây. Thôn Tre cách trung tâm xã 12km và cách trung tâm huyện Trà Bồng hơn 20km; 15 cụm làng, mỗi làng cách nhau từ vài cây số, đường vào các làng bản thôn Tre vùng qua nhiều đồi núi cao đất đá hiểm trở.

Chủ tịch UBND xã Trà Tây Hồ Văn Phong cho biết, dù các khu dân cư, làng bản được xây dựng để tái định cư cho người dân nhưng đường giao thông cách trở, chia cắt thường xuyên khiến đời sống bà con khó khăn bội phần.

“Ở đây mùa mưa cũng giống như đảo Lý Sơn thôi. Mưa là chia cắt do đường lầy lún bùn, đất đá, sạt lở; mùa nắng thì phương tiện cũng không đi lại nhiều được. Không chỉ việc cứu người khi bệnh tật, ốm đau mà cả việc làm ăn kinh tế, bán cây keo, cây sắn cũng giá thấp vì đường sá cách trở. Chúng tôi mong muốn có được đường kiên cố cho bà con, 1.000 nhân khẩu chứ ít gì”, ông Hồ Văn Phong nói.

Bí thư trẻ của thôn Tre Hồ Văn Điệp có hơn 10 năm tham gia gánh võng, tiếp sức cùng anh em thanh niên, bà con thôn bản. Trong mươi năm chạy tiếp sức cùng làng, có lúc cứu được người niềm vui bà con vang cả núi rừng. Thế nhưng, không ít lần gánh võng lầm lũi trở về trong niềm đau vô hạn.

“Đường sá không có thì phải gánh người bệnh bằng võng. Nhiều lần anh, em gánh ra đường có xe chở đi cấp cứu kịp thời, dù mệt nhưng bà con ai cũng vui. Nhưng cũng nhiều lần trên đường núi chạy ra xe chưa kịp. Cả làng lại gánh ngược đưa người về nhà. Mấy lúc đó vừa mệt vì đuối sức, vừa buồn bội phần”.

ĐÔNG HUYỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/phong-su-ky-su/ganh-nguoi-benh-chay-tron-tu-than-636682/