Gánh nặng từ khói thuốc lá

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá và con số này đến năm 2030 có thể tăng lên đến 70.000 người/năm.

Tiền tỉ chữa bệnh

BS. Đặng Quốc Khánh- Trưởng phòng Nghiệp vụ y dược và trang thiết bị y tế (Cục Y tế GTVT) cho biết, hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, Việt Nam có khoảng 15 triệu người hút thuốc. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47%, trung bình 2 nam giới có 1 người hút thuốc lá. 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc… Tỷ lệ người hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế của đất nước.

Theo BS Khánh, trung bình mỗi năm, một người hút thuốc ở Việt Nam phải chi gần 700.000 đồng. Với 12 triệu người hút, mỗi năm có khoảng hơn 8.400 tỷ đồng tiêu tốn cho mặt hàng này. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, chi tiêu cho thuốc lá ở nước ta cao gấp 3,6 lần phí tổn học hành, gấp 2,5 lần mức chi cho quần áo và gần gấp đôi mức chi cho khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, bệnh tật do thuốc lá gây ra làm tăng gánh nặng kinh tế cho mỗi gia đình và làm mất đi lực lượng lao động.

“Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra là hơn 23 nghìn tỉ đồng một năm. Các tổn thất Việt Nam chưa tính được do sử dụng thuốc lá bao gồm chi phí điều trị các bệnh khác do thuốc lá gây ra”- BS Khánh nói và cho rằng, chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp.

Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế, giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc trả tiền học cho con em mình.

Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Theo ông Kidong Park - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra bệnh tật đối với hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ hút thuốc ở nam giới cao nhất thế trên giới, trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành thì có 1 người đang hút thuốc.

Để phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu quả, ông Kidong Park chia sẻ, mặc dù Việt Nam đã ban hành quy định khá toàn diện về cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng và nơi làm việc trong nhà trong Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, việc thực thi và xử phạt đối với các vi phạm vẫn còn lỏng lẻo.

Các biện pháp cần thiết trước mắt là tăng cường các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức, sự ủng hộ, ý thức tuân thủ, ý thức tự giác thực thi luật của cả người hút thuốc, người không hút cũng như của các lãnh đạo, quản lý các địa điểm công cộng và nơi làm việc trong nhà.

Đồng thời mức phạt cần cao và thực thi nghiêm ngặt. Tại Singapore, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 200-1.000 đô Singapore, trong khi các nhà quản lý sẽ bị phạt từ 200-500 đô Singapore và sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh nếu tái phạm.

Khoa học đã chứng minh người hút thuốc lá thường xuyên trong nhiều năm tuổi thọ sẽ giảm đi rất nhiều so với người không hút thuốc lá.

Thuốc lá không chỉ có tác hại đối với người hút mà những người xung quanh cũng bị ảnh hưởng, nhiễm độc, bị đau tim mạch, viêm phế quản, ung thư... Đặc biệt, người hít phải khói thuốc có nguy cơ bị bệnh cao gấp 10 lần người hút thuốc.

Khói thuốc lá có chứa khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất là tác nhân gây ung thư. Cứ hút mỗi điếu thuốc lá là tự mình làm mất đi 5,5 giây của cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc lá ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 - 8 năm.

Đức Trân - Xuân Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/ganh-nang-tu-khoi-thuoc-la-tintuc414542