Gánh nặng thanh quyết toán

Thủ tục giấy tờ, quyết toán kinh phí từng là gánh nặng của nhiều giảng viên - nhà khoa học khi thực hiện đề tài nghiên cứu.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Cách đây mấy năm, câu chuyện của PGS.TS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam phải sao chụp đề tài 2 năm tới 4kg giấy để làm thủ tục thanh toán một đề tài, từng khiến người trong giới nhiều ngậm ngùi chia sẻ.

Để “giải phóng” gánh nặng thanh quyết toán, giúp các nhà nghiên cứu tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn, năm 2015 liên Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN (Thông tư 55) về định mức xây dựng phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí với nhiệm vụ khoa học có sử dụng ngân sách và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC (Thông tư 27) quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học sử dụng ngân sách. Với điểm mới khoán chi sản phẩm khoa học, hai thông tư này được kỳ vọng “cởi trói” cho các nhà nghiên cứu.

Thế nhưng, thực tiễn triển khai khoán chi sản phẩm khoa học thời gian qua cho thấy để được thanh quyết toán, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thực sự được “giải phóng”. Người nghiên cứu vẫn phải xây dựng định mức nội dung công việc, xác định được người tham gia, thời gian hoàn thành, các khoản chi rõ ràng. Nếu hoàn thành các nội dung công việc đó, đôi khi hồ sơ thanh toán nhiều tài liệu hơn nội dung nghiên cứu. Dù khoán đến sản phẩm cuối cùng, nhưng vẫn phải có đầy đủ chứng từ, hóa đơn. Một số nhà khoa học phải thuê đơn vị khác hoàn thiện để thanh quyết toán.

Sau 5 năm thực hiện 2 thông tư, định mức kỹ thuật, ngày công lao động theo quy định cũng bắt đầu lạc hậu. Các mức chi quy định trong Thông tư 55 khiến cơ quan chủ quản khó thực hiện chế độ đãi ngộ nhà khoa học vì không dám đặt ra định mức cao đối với hệ số tiền công, định mức thù lao chuyên gia tham gia hội đồng tuyển chọn và nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp cơ sở. Thời gian phê duyệt đề tài kéo dài không chỉ làm mất tính thời sự của vấn đề nghiên cứu, ảnh hưởng tới đơn giá, mà còn làm vơi đi nhiệt huyết của các nhà khoa học.

Dĩ nhiên, từ góc độ quản lý tài chính, những người làm nhiệm vụ chi trả tiền Nhà nước cho các công trình NCKH cũng phải thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định. Trên thực tế cũng không loại trừ việc quyết toán kinh phí đơn giản hơn khi các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu được tự hạch toán chi phí thực hiện, sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhận tiền nhưng triển khai không hiệu quả, gây lãng phí ngân sách. Bộ trưởng Bộ KH&CN vào thời điểm ban hành thông tư là ông Nguyễn Quân cho biết: “Nếu nhận nhiệm vụ mà không hoàn thành sản phẩm như cam kết, nhà khoa học phải hoàn lại từ 40 – 100% số tiền mà Nhà nước đã đầu tư”.

Khoán chi sản phẩm nghiên cứu là hướng đi tốt, cho thấy chính sách về đầu tư cho KH&CN tiếp cận được với nền kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, thực sự cởi trói cho nhà khoa học, cơ quan liên quan cần nghiên cứu, sửa đổi quy trình về nghiệm thu đề tài, quy trình về thủ tục thanh quyết toán kinh phí, bảo đảm phù hợp, đơn giản hóa thủ tục hành chính và Luật Ngân sách Nhà nước.

Trong đó, đơn vị cần quan tâm xây dựng quy định hoặc hướng dẫn cách tính số ngày công cho từng nội dung nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội; quy định hệ số theo mức lương cơ sở (hiện nay theo số tiền cụ thể); Ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi cho các hoạt động tiến hành thí nghiệm, thử nghiệm, chế tạo, sản xuất nghiên cứu… để tạo thuận lợi hơn cho việc khoán chi.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/ganh-nang-thanh-quyet-toan-ucBKO1RnR.html