Gánh nặng nợ xấu tập trung ở các ngân hàng thương mại

Các chuyên gia của HSC nhận định gánh nặng nợ xấu của hệ thống hiện nằm phần lớn ở 7 - 8 ngân hàng thương mại như OceanBank, GPBank, VNCB, Sacombank, Eximbank... khi có tỷ lệ nợ xấu cao và mức trích lập dự phòng thấp.

Nợ xấu đang tập trung tại một số ngân hàng. Ảnh PV

“Gánh nặng nợ xấu ở mỗi NHTM là khác nhau”, đại diện của HSC cho biết.

Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng đã giảm xuống 8,61% vào cuối Q3/2017 từ 10,06% vào cuối năm 2016 – tương đương giá trị nợ xấu đến cuối tháng 9.2017 là 566 nghìn tỷ đồng so với 600 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2016, theo phát biểu của Thống đốc NHNN trong phiên họp Quốc hội gần đây.

HSC cho rằng số liệu của NHNN là thống kê toàn bộ nợ xấu hiện tại trên cả hệ thống thay vì chỉ bao gồm nợ xấu đã báo cáo và trái phiếu VAMC chưa được trích lập dự phòng. Con số báo cáo này bao gồm cả các khoản nợ xấu tiềm ẩn.

Nhìn chung nợ xấu hiện tập trung phần lớn ở 7 hoặc 8 ngân hàng. Và do phần lớn nợ xấu còn lại đều được đảm bảo bởi các tài sản BĐS, tỷ lệ thu hồi nợ được kỳ vọng sẽ đạt mức cao khi các tài sản đảm bảo được thanh lý.

Đại diện của Công ty Cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) chỉ ra rằng nhiều NHTM lớn đã hầu như trích lập hết cho nợ xấu từ trước để lại và hiện có tình hình tài chính lành mạnh, sẵn sàng cho việc tăng trưởng mạnh vài năm tới.

Có thể kể đến những ngân hàng như Vietcombank, MBBank, HDBank và ACB. Trong khi đó, một số ngân hàng niêm yết khác vẫn còn phải tiếp tục trích lập dự phòng là VPBank, BIDV...

Trái lại có những ngân hàng vẫn còn rất nhiều nợ xấu từ trước để lại phải trích lập. Chẳng hạn như OceanBank, GPBank, VNCB, Sacombank, Eximbank. Cho dù vậy do phần lớn nợ xấu từ trước để lại là cho vay dự án BĐS nên tỷ lệ thu hồi nợ xấu có thể còn cao hơn nhiều mức thông thường là 30-40%. Đặc biệt là khi giá trên thị trường BĐS đang tăng.

Các chuyên gia cho hay, việc thông tin minh bạch hơn và quá trình xử lý nợ xấu đang dần tiến triển tốt, với dự kiến vấn đề nợ xấu ở rất nhiều ngân hàng sẽ được xử lý phần lớn trong năm 2018-2019. Nhờ vậy sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ trong lợi nhuận của các ngân hàng như Vietcombank và ACB, là những ngân hàng đã trích lập dự phòng phần lớn nợ xấu của mình, đồng thời cũng ghi nhận lợi nhuận không thường xuyên từ bán nợ xấu.

L.Hương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/ganh-nang-no-xau-tap-trung-o-cac-ngan-hang-thuong-mai-577403.ldo