GÁNH NẶNG NỢ ĐỌNG XÂY DỰNG CƠ BẢN

Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản đang là gánh nặng rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp (DN). Có những công trình đã đưa vào sử dụng nhiều năm, như: Đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1, Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu,… nhưng đến nay DN tham gia xây dựng vẫn chưa được thanh toán vì chủ đầu tư chưa bố trí đủ vốn.

Để có vốn sản xuất, kinh doanh, nhiều DN phải vay từ các tổ chức tín dụng và trả lãi hằng tháng rất lớn. Các khoản thuế, DN phải nộp ngay vào ngân sách Nhà nước, nếu chậm bị tính lãi, nhưng ngược lại, các khoản chủ đầu tư chưa thanh toán, còn nợ thì không bao giờ tính lãi cho nhà thầu.

Theo số liệu của Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, đến thời điểm này, ước tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương của cả nước vào khoảng 30 đến 40 nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách Trung ương, tính đến hết kế hoạch năm 2016 đã là 9.557,6 tỷ đồng. Nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới, đến đầu năm 2016 là hơn 15.000 tỷ đồng… Nợ đọng trong xây dựng cơ bản đang tác động trực tiếp đến quá trình luân chuyển và sử dụng vốn của DN. Có không ít DN đang đứng bên bờ vực phá sản vì các khoản nợ quá lớn và kéo dài. Nợ đọng xây dựng cơ bản đang có xu hướng chuyển dần thành nợ xấu của các tổ chức tín dụng, có nguy cơ đe dọa tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế vĩ mô.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Nguyên nhân dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nhiều, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan từ các DN xây dựng. Do áp lực về doanh thu và việc làm cho người lao động mà một số DN chưa tìm hiểu kỹ về năng lực tài chính của chủ đầu tư. Năng lực thực chất của không ít nhà thầu trong nước còn hạn chế nên thời gian thi công kéo dài. Việc hoàn thiện hồ sơ hoàn công của nhiều DN cũng chưa tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, dẫn tới không thanh toán được, hoặc thanh toán chậm.

Về nguyên nhân khách quan, có không ít chủ đầu tư không có nguồn tài chính bảo đảm, hoặc do vốn ban đầu ít, nên ngân hàng không bảo lãnh,… Một số địa phương dù ngân sách hạn hẹp nhưng vẫn mời DN đến xây dựng công trình để xin tiền từ ngân sách cấp trên. Cũng có những trường hợp chủ đầu tư có năng lực tài chính khá mạnh nhưng cố tình kéo dài, không trả tiền nợ cho nhà thầu, thậm chí còn tìm mọi cách “gây khó dễ”.

Một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều “kẽ hở”, thiếu các quy định cụ thể nhằm hạn chế nợ đọng, chưa đủ chế tài mạnh tạo sức ép buộc chủ đầu tư phải thực hiện thanh toán cho nhà thầu như hợp đồng đã ký. Theo Luật Đầu tư công, sau năm 2014, các bộ, ngành Trung ương, địa phương không được làm phát sinh nợ đọng cơ bản, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hình sự. Thế nhưng, trên thực tế, nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn phát sinh và chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự vì tội danh này.

Để giảm dần gánh nặng nợ đọng xây dựng cơ bản, cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Giải pháp cơ bản nhất là cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Trước mắt, cần sửa ngay các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, trong đó có những quy định mang tính “bắt chẹt” các nhà thầu. Cũng cần sửa đổi những cơ sở pháp lý cần thiết để các DN hoặc cá nhân có thể đưa nhanh việc đòi nợ ra tòa án hay trọng tài kinh tế. Với các chủ đầu tư, cần có cơ chế giám sát đội ngũ cán bộ, nhân viên trong việc phối hợp với các nhà thầu để giải ngân thanh toán đúng luật. Các DN hành nghề xây dựng cũng cần thận trọng hơn trong việc đấu thầu hoặc xin được chỉ định thầu. Hợp đồng xây dựng phải bảo đảm cơ sở pháp lý và có chế tài xử lý các sai phạm, nhất là sai phạm về việc thanh quyết toán.

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/ganh-nang-no-dong-xay-dung-co-ban-514354