Gánh nặng mưu sinh, nước mắt cay đắng phía sau dáng hình gò lưng đẩy rác

Hình ảnh những người công nhân đô thị gò lưng, nhoài người đẩy những xe rác nặng, rác chất cao như núi dường như đã trở nên quá quen thuộc và bình thường. Nhưng sức nặng của những xe thùng chở đầy rác đó còn chưa chắc bằng gánh nặng mưu sinh mà họ đang phải đối diện hàng ngày.

Những giấc mơ từ rác

Giữa những ngày oi bức, ngột ngạt của tháng 7, chúng tôi có dịp gặp gỡ chị Nguyễn Thị Thanh Vân (SN 1970), Tổ trưởng tổ môi trường số 8 chi nhánh Ba Đình, công ty TNHH Môi trường Đô thị Hà Nội sau khi chị vừa hoàn thành ca làm việc của mình.

Những chuyến xe rác của công nhân môi trường đầy mồ hôi và nước mắt.

Những chuyến xe rác của công nhân môi trường đầy mồ hôi và nước mắt.

Hơn 25 năm trong nghề vệ sinh môi trường, chị Vân nói mình được nhiều hơn là mất từ chính công việc quét rác này. Nó đem lại cho chị những điều mà có lẽ nếu vẫn tiếp tục những công việc cũ thì chị chẳng bao giờ có được. Là người phụ nữ mất cha ngay từ khi còn quá nhỏ, một mình mẹ chị Vân gồng gánh trên vai 5 đứa con.

Thương mẹ, thương em và cũng vì hoàn cảnh gia đình chị Vân không có được điều kiện học tập như bạn bè cùng trang lứa. Hoàn thành xong chương trình cấp III chị nghỉ học để đi làm phụ mẹ giúp gia đình. Cũng vì hoàn cảnh gia đình, chị Vân đi lấy chồng từ khi mới 20 tuổi.

Cuộc sống mưu sinh của gia đình đôi vợ chồng trẻ cũng khó khăn chị phải bươn chải đủ nghề từ bán hàng ăn, may vá… Chị Vân tâm sự: “Bươn chải bằng nghề bán hàng không có thời gian lo cho con, chị quyết định xin vào công ty môi trường làm để có thời gian dạy dỗ con vì nghĩ là xin vào nhà nước thì thời gian cố định. Nhưng thực sự khi vào làm rồi mới biết ở đây lại đi làm ca đêm thế này, thành ra không có thời gian dạy dỗ con nhiều.

Công việc còn vất vả hơn cả khi mình làm hàng ăn”. May mắn, bù lại với những sự thiệt thòi đó, chị Vân dạy cho hai người con được tính tự lập, gia đình hoàn cảnh nên hai con chị đều chăm ngoan, biết phấn đấu. Con trai cả của chị Vân sinh năm 1990, tốt nghiệp xong Đại học đã tự xin được một công việc ổn định và lập gia đình. Cậu nhóc thứ 2 sinh năm 2000, năm nay cũng đã là sinh viên năm 2 của trường Đại học Hà Nội.

“Hai đứa con là niềm tự hào lớn nhất đời tôi! Mình không có thời gian chăm sóc con nhưng công việc của mình giúp con hiểu được giá trị của sự lao động bền bỉ. Hơn nữa công việc này cũng mang lại cho chị một mức lương ổn định có thể tạm lo cho việc ăn học của các con”, chị Vân bộc bạch.

Làm công nhân quét rác từ năm 25 tuổi, sau nhiều năm nỗ lực, phấn đấu chị Vân giờ đây đã là tổ trưởng sản xuất. Trong năm 2018, Chị Vân đã được đã đạt được giải thưởng “Cây chổi vàng” nhằm tôn vinh những công nhân vệ sinh môi trường cần mẫn, thầm lặng và Công nhân giỏi thủ đô 2019.

Nói về những gì đã có với nghề, chị Vân trải lòng: “Nếu vẫn mãi làm một công việc kinh doanh như trước có lẽ cuộc đời chị sẽ không bao giờ được nhiều người yêu mến như vậy. Và cũng không có vinh dự nhận được những giải thưởng cao quý như chị đang có. Công nhân môi trường là nghề còn bị nhiều người coi rẻ nhưng đối với chị nó là một đặc ân vì chính nghề này đã giúp cuộc sống của chị tốt đẹp hơn”.

Đắng cay của nghề

Nhớ lại những ngày đầu khi quyết định xin vào làm công nhân môi trường, chị Vân khiến nhiều người trong gia đình bất ngờ. Bởi khi đó, chị Vân là một cô gái nhỏ nhắn, trắng trẻo và xinh xắn. Mặc dù gia đình chị Vân có tới 3 người gồm: bà, mẹ và dì cũng là công nhân quét rác nhưng không ai thấy vui khi chị quyết định làm công việc này.

“Thực ra tất cả là vì cuộc sống, nói thực ban đầu nếu nói yêu nghề rồi xin vào đây thì không có ai cả. Tất cả là do 2 yếu tố, một là do điều kiện học vấn mình khó có thể xin được 1 công việc khác, thứ 2 nó đáp ứng được nhu cầu cuộc sống cho mình. Rồi sau khi làm mình mới thấy rằng công việc của mình nó có ý nghĩa thì mình mới yêu, mới thấy công việc của mình có ý nghĩa”.

Giống như nhiều công nhân môi trường mà tôi từng gặp, đôi mắt của chị Vân có những quầng thâm lớn lan tới cả hai gò má. Bộc bạch với chúng tôi chị cười và nói đó là đặc điểm của nghề. Công việc ca đêm của chị Vân thường bắt đầu từ 18h đến hết rác là 1 – 2h sáng hoặc có thể hơn. Cũng bởi hoàn cảnh gia đình nên chị Vân thường được ngủ rất ít.

Dù có đi làm đêm về nhưng 6h sáng hôm sau chị vẫn phải dậy để làm đồ ăn cho chồng, bởi sức khỏe của chồng chị không được tốt. Đồng thời chị cũng làm thêm nghề may để kiếm thêm thu nhập. Theo chị Vân, vì mức lương của nghề không đủ trang trải cuộc sống nên nhiều công nhân sau khi hoàn thành xong công việc của công ty đều đi làm thêm. Những việc họ thường lựa chọn là dọn dẹp cho các văn phòng, đi bán hàng, bốc vác….

Không chỉ thế, chị Vân cho biết, phải đến 90% công nhân môi trường đều mắc phải căn bệnh viêm khớp. Bản thân chị Vân là mắc phải viêm đa khớp. Tất cả là do môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với mưa, nắng và bê vác nặng. Nhưng tất cả những điều đó chưa là gì khi công nhân môi trường còn phải đối mặt với những nguy hiểm khác của nghề.

Việc gặp tai nạn giao thông, đường đêm vắng nhiều đối tượng xấu hay thời tiết xấu như mưa bão điện giật, cây cối đổ… là những điều mà một công nhân môi trường phải chấp nhận khi làm công việc này. Nói về những khó khăn, chị Vân cho hay: “Bản thân chị cách đây vài năm khi đang làm việc trên đường Đội Cấn thì bị một người đang đi xe, tay cầm điện thoại tông thẳng vào người. May mắn chị chỉ bị thương nhẹ còn nhiều bạn không may mắn như vậy mà phải đánh đổi bằng tính mạng. Nhưng công việc này là vậy, mình phải chấp nhận nó chứ không thể kêu than ai được”.

Nhưng tất cả những điều đó không khiến những người làm nghề công nhân quét rác cảm thấy sợ hãi bằng việc nhiều người còn dùng ánh mắt miệt thị, sự khinh bỉ khi nói về công việc của họ. Việc công nhân môi trường bị chửi mắng, miệt thị, hành hung là điều quá bình thường. Chị Vân còn nhớ: “Có một lần chị quét ở Đội Cấn, một cậu gần 40 tuổi đỗ một chiếc xe SH dưới lòng đường rồi mua bánh mỳ trên vỉa hè. Khi đó chị đã nhẹ nhàng bảo “Anh ơi! Anh dắt giúp tôi xe ra cho tôi quét nhờ chút. Nhưng đáp lại cậu ta chỉ bảo: Tôi để đấy muốn quét thì cứ quét đi”.

Thấy người ta có vẻ khó chịu như vâỵchị tránh ra không quét chỗ đó nữa mà lên vỉa hè quét. Lúc đó không may rác trên vỉa hè hất vào xe cậu ta một chút. Lập tức người này cầm cả chùm chìa khóa ném bộp vào đầu chị. May khi đó đội mũ bảo hiểm rồi. Vừa ném cậu ta còn chửi “Mày quét như thế à? bẩn hết xe tao”. Có nghĩa là họ quý trọng cái xe còn hơn mình. Sau chị phải đi thẳng bỏ luôn quãng đường đó, tí mới quay lại quét”.

Đối với chị Vân đó là những chuyện thường ngày nên dần các chị cũng quen và phải học cách nhẫn nhịn, không gây gổ với người dân. Theo chị Vân, việc tiếp xúc với dân, nói là việc nhỏ nhưng giải quyết nó lại là việc lớn. “Đơn cử như việc, dân người ta không hiểu thì họ nghĩ tất cả các loại đã là rác thì bọn chị phải dọn. Đôi khi mình giải thích thì họ nghĩ mình đòi tiền hay vòi tiền.

Nhưng rồi cuối cùng mình vẫn phải thu gom những chất thải rắn, chất thải y tế dù biết không phải việc của mình, biết mình sai nhưng vẫn phải dọn để phục vụ người dân”. Không chỉ có những ánh nhìn miệt thị mà theo chị Vân hiện tại nghề rác vẫn bị đổ oan nhiều điều. Ví dụ điển hình là nhiều người đổ cho là xe rác là làm ách tắc giao thông.

“Điều này thực sự là bọn chị bị oan, một vài xe rác nhỏ không thể bằng những chiếc ô tô đỗ vệ đường. Không thể làm ách tắc giao thông được”. Bởi suy nghĩ đó nên số lượng xe rác bị giảm đi. Nhưng khi xe bị giảm tỷ lệ nghịch với khối lượng rác tăng lên đồng nghĩa với nỗi vất vả của người công nhân ngày lại tăng thêm. Nhân lực không đảm bảo nên mỗi công nhân gom rác hiện tại phải làm công việc bằng 2 – 3 người trước đây.

“Khi nào đột xuất có người nghỉ ốm thì kiếm người rất khó, như ngành nghề khác em nghỉ, em có thể làm bù nhưng như ngành nghề của chị thì vào thời điểm nào phải xử lý dứt điểm thời điểm đấy không thể nào thiếu người được. Bởi vậy việc chịu tiếng oan là gây ách tắc giao thông khiến nghề rác càng thêm vất vả”.

Tình người Không chỉ có những giọt nước mắt, những đắng cay, tủi nhục mà những công nhân quét rác phải chịu đựng thì ngược lại cũng có những niềm vui mà không phải nghề nào cũng được nhận. Đó chính là sự yêu quý, bao bọc và quý mến của những người dân hiểu được giá trị công việc của họ.

Theo chị Vân, trong cuộc đời này thì nghề nào cũng là nghề cao quý và đáng được trân trọng. “Chỉ cần nghề có ích cho xã hội, chỉ cần mình làm tốt, mình làm hết mình. Mình muốn người ta tôn trọng mình thì trước tiên mình phải tôn trọng mình, mình muốn người ta tôn trọng thì mình phải làm tốt”, chị Vân khẳng định.

Kể cho chúng tôi nghe, chị Vân cho biết, từ trước tới giờ khi đi làm chị thường được rất nhiều người mời ăn, mời uống. Nếu cứ nhận những lời mời đó thì có lẽ bản thân chị hay các công nhân khác không cần mang đồ ăn đi làm.

“Trước đây thì chỉ có những bác cao tuổi thôi nhưng bây giờ những bạn trẻ người ta hoạt động tốt lắm. Có những ngày lễ các bạn ấy tổ chức đi chia quà, tặng quà tặng hoa bọn chị. Bởi vậy chị thường xuyên được nhận, dù nó chỉ là những món quà nhỏ nhưng nó khiến mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Mình cảm thấy công việc và bản thân mình được người ta nhìn nhận, yêu quý”, chị Vân cho biết.

Và mới đây một bức thư cảm ơn của một bác công dân trên địa bàn chị công tác đã khiến chị Vân vô cùng cảm động. Nội dung bức thư như sau: “Cháu Vân mến! Hôm nay cô được nghe cháu phát biểu trên truyền hình hay quá: “Môi trường đô thị mồ hôi và nước mắt”.

Cháu đã nói lên được: Một là những khó khăn, hai là những thuận lợi và thưc ba là nguyện vọng của nhân viên môi trường đô thị từ trước đến nay. Cô rất hiểu công việc của cháu và các nhân viên trong công việc và nhất là thực tế của phường Đội Cấn. Cháu xứng đáng là một Phụ trách tiêu biểu trong công việc hàng ngày tại khu vực được phân công. Cô luôn theo dõi công việc và cô cũng góp phần vào công tác vệ sinh môi trường ở khu vực cô đang sống.

Chúc cháu nhiều sức khỏe, luôn vui tươi và hoàn thành tốt những công việc được giao. Có chút quà nhỏ thân tặng cháu nhé!”. Bức thư được viết vào ngày 04/05/2019, mặc dù những nét chữ trên bức thư không được đẹp nhưng nó thể hiện sự chau chuốt của người viết. Và hơn hết sức mạnh tinh thần, tình cảm mà bức thư đem lại cho chị Vân nói riêng và công nhân môi trường nói chung khiến họ có thêm động lực để cống hiến hết mình cho nghề.

Và cũng theo chị Vân, những lời động viên như “Nếu Hà Nội này không có các cô thì ngập rác” hay “Cảm ơn cô”... là những lời nói mà chị Vân đã thường xuyên được nghe nói nhiều hơn. Bởi vì vậy nên mỗi công nhân bây giờ đi làm cũng vui hơn. Cùng với đó là mọi chế độ được quan tâm hơn từ lương, thưởng cho tới những sinh hoạt công đoàn…

Cũng theo chị Vân, bởi những mong mỏi đó của người dân mà bản thân những công nhân môi trường như chị cũng phải ngày càng làm tốt hơn công việc của mình. Theo chị Vân, những công nhân môi trường như chị khi đi làm cuối ca mà trên đường về rồi mà nhìn thấy nhà nào đấy người ta vứt bậy ra đường thì không nỡ đi thẳng. Họ đều dừng lại cầm rác bỏ lên thùng, bỏ đúng chỗ quy định rồi mới về. Rồi ngay cả khi đã hết ca làm nhưng nếu công ty huy động tăng ca làm thêm thì đều nhiệt tình chấp hành.

Khoảng 7h ngày 6/7, nữ công nhân vệ sinh môi trường tên N.T.B. (51 tuổi, trú xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) bất ngờ bị một taxi tông trúng khi đang đẩy xe thu gom rác trên đường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.

Cú tông mạnh khiến nữ công nhân vệ sinh văng lên vỉa hè tử vong tại chỗ. Theo một số nhân chứng tại hiện trường, sau khi gây tai nạn, tài xế taxi đã không xuống xe xử lý hậu quả mà tiếp tục nhấn ga bỏ chạy, để mặc nạn nhân nằm tử vong trên vỉa hè.

Một số người dân chứng kiến đã dùng gạch viết lại biển số xe lên vỉa hè để báo cảnh sát truy tìm chiếc xe gây tai nạn. Trưa 6/7, tài xế Nguyễn Duy Tình (35 tuổi, trú huyện Gia Lâm) đã đến trình diện tại Công an phường Phúc Lợi.

Anh Nguyễn Hoàng Việt (25 tuổi, con trai cả của nạn nhân N.T.B.) đã không thể giữ được bình tĩnh khi nhớ lại giây phút bàng hoàng mà anh trải qua. Theo lời anh Việt thì hôm nay, anh với mẹ làm trái ca nhau, anh làm ca đêm, còn mẹ anh làm ca ngày.

Vừa tan ca, về đến nhà thì anh nhận được điện thoại ở đơn vị gọi báo tin mẹ anh bị tai nạn trong khi đang làm việc trên đường Phúc Lợi, quận Long Biên. Tin như sét đánh, anh Việt tức tốc chạy đến hiện trường, nhưng khi đến nơi thì thấy bác sĩ lắc đầu.

Mẹ anh đã ra đi mà không kịp nhìn mặt hai người con trai lần cuối. Được biết hoàn cảnh gia đình bà B rất khó khăn, chồng bà mất cách đây 3 năm vì bị tai biến. Hiện tại chỉ còn ba mẹ con sống với nhau trong căn nhà đã xây cách đây nhiều năm.

Trong nhà hiện không có gì giá trị ngoài chiếc tivi mà anh Việt mới sắm cho mẹ dịp tết. Cũng trong buổi chiều nay, gia đình anh Nguyễn Duy Tình cũng đến xin lỗi gia đình và thắp nén nhang tiễn đưa người nữ công nhân đoản mệnh.

Theo thông tin từ gia đình, lễ an táng cho nữ công nhân vệ sinh môi trường N.T.B. sẽ được tổ chức vào sáng mai tại nghĩa trang quê nhà thôn Đặng, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm.

Vũ Đạt - Vũ Lành

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/ganh-nang-muu-sinh-nuoc-mat-cay-dang-phia-sau-dang-hinh-go-lung-day-rac-d101599.html