Gánh nặng điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) gây gánh nặng to lớn cho nền kinh tế, từ chi phí điều trị trực tiếp như: tiền thuốc, xét nghiệm và các chi phí gián tiếp như phải bỏ học, bỏ việc giữa chừng để dành thời gian điều trị.

Thông tin trên được tiết lộ trong chương trình hưởng ứng “Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu” do Hội Hô hấp TP.HCM phối hợp cùng VPĐD GSK Pte Ltd tại TP.HCM tổ chức.

Họp báo phát động chương trình hưởng ứng “Ngày Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính Toàn Cầu”

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (viết tắt là COPD) là bệnh thường gặp có thể dự phòng và điều trị triệu chứng. Đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở tiến triển ngày càng nặng dần, liên quan tới phản ứng viêm bất thường của đường thở và nhu mô phổi bởi các phần tử và khí độc hại. Những triệu chứng lâm sàng của COPD như khó thở, ho mạn tính hoặc tăng tiết đờm và có tiền sử tiếp xúc với các nguy cơ gây bệnh.

Bệnh nhân COPD thường mắc phải những bệnh đi kèm như suy nhược, suy giảm chức năng cơ xương, hội chứng chuyển hóa, loãng xương, trầm cảm và ung thư phổi. Những bệnh đi kèm có thể xảy ra trên những bệnh nhân ở các mức độ tắc nghẽn dòng khí khác nhau, từ nhẹ, trung bình đến nặng và có thể khiến bệnh nhân phải nhập viện hay tử vong một cách độc lập. Cần chủ động tìm và điều trị chuyên biệt các bệnh lý đi kèm này.

COPD xếp hạng ba trong các nguyên nhân gây tử vong và là một trong 10 căn bệnh không thể chữa khỏi trên toàn cầu. Tại Việt Nam, tỷ lệ COPD trong cộng đồng dân cư từ 40 tuổi trở lên là 4,2%. COPD gây gánh nặng to lớn cho kinh tế Việt Nam, từ chi phí điều trị trực tiếp như: tiền thuốc, xét nghiệm và các chi phí gián tiếp như phải nghỉ việc do giảm năng suất lao động, bỏ học, bỏ việc giữa chừng để dành thời gian điều trị.

Đối với những bệnh nhân mắc COPD, việc phải kiểm soát liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị từ bác sĩ là rất quan trọng. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải chủ động phòng tránh tác nhân gây bệnh như: không hút thuốc, tránh tiếp xúc với bụi, khói nhất là khói thuốc lá; tránh hoạt động thể lực quá sức và đặc biệt là giữ môi trường sống trong lành.

PGS. TS. Bác sĩ Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM

PGS. TS. Bác sĩ Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM cho biết: “Tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng người mắc COPD có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Nhưng trên thực tế, phần lớn số bệnh nhân COPD phát hiện là ở giai đoạn nặng hoặc rất nặng do biểu hiện bệnh ban đầu khá tương đồng với các bệnh hô hấp khác. Mặt khác, gánh nặng chi phí điều trị thường khiến bệnh nhân nản lòng và bỏ dở điều trị. Đứng trước thách thức to lớn ấy, ngoài việc đầu tư phát triển, đảm bảo tính sẵn có của các phương pháp chẩn đoán và điều trị COPD ngay tại tuyến cơ sở, ngành y tế cần phải đẩy mạnh truyền thông giáo dục nhận thức người dân về COPD cũng như thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ”.

Thúy Ngà

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/ganh-nang-dieu-tri-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-342709.html