Gánh nặng chăm sóc, điều trị đối với bệnh nhân sa sút trí tuệ

Bệnh sa sút trí tuệ (SSTT) ở người già tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng khi tốc độ già hóa dân số nhanh. SSTT không chỉ tiêu tốn khá nhiều chi phí chăm sóc sức khỏe cho người bệnh mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

 Bệnh nhân sa sút trí tuệ điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần.

Bệnh nhân sa sút trí tuệ điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần.

Trước khi nhập Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị bệnh SSTT, bệnh nhân Bùi Thanh Q. (66 tuổi, quê Thái Nguyên) đã mất trí nhớ hoàn toàn, không nhận ra vợ con. Vợ bệnh nhân tâm sự: "Ông ấy không còn nhớ vợ là ai nên mỗi lần cho uống thuốc và vệ sinh rất khó khăn". Theo lời bác sĩ, bệnh ông Q phải điều trị lâu dài nên vợ ông phải ăn chực nằm chờ ở viện, giám sát bệnh nhân mọi lúc mọi nơi, vừa tốn kém tiền của, vừa mệt mỏi, căng thẳng. Cũng từng điều trị nơi đây, có trường hợp không nhớ nổi chồng, con, cảm xúc thất thường. Có bệnh nhân nghĩ ngày là đêm, đêm là ngày. Cứ nửa đêm là làm ầm ĩ, gọi cả nhà dậy, bắt các con nấu ăn; thậm chí có trường hợp gia đình phải cất hết bật lửa, chuyển từ bếp gas sang bếp từ vì cứ đến đêm là bệnh nhân đốt nến châm hương khắp nhà…

Chứng SSTT ở người già để lại nhiều gánh nặng cho người thân, xã hội và chính người bệnh. Có tới 60-80% người SSTT mắc bệnh Alzheimer-căn bệnh không thể chữa khỏi. SSTT nói chung và bệnh Alzheimer nói riêng hiện là mối quan tâm hàng đầu của những chuyên gia lão khoa. Khi tuổi thọ trung bình ngày càng cao, số người mắc bệnh này ngày càng nhiều. Các chuyên gia lão khoa cũng đã cảnh báo, bệnh SSTT gây thoái hóa thần kinh với chi phí tốn kém chăm sóc. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu căn bệnh này, chủ yếu dùng thuốc để làm chậm tiến triển của bệnh. Vì thế, phòng ngừa bệnh vẫn là quan trọng nhất, đặc biệt khi các yếu tố nguy cơ ngày càng nhiều hơn.

Theo TS Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Điều trị người già của Viện Sức khỏe tâm thần, SSTT xảy đến khi não bộ bị tổn thương. Khi đó, bệnh nhân có biểu hiện suy giảm nhiều lĩnh vực nhận thức, như: Trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục… Trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay, chứng SSTT tạo thành gánh nặng cho gia đình, chăm sóc khó khăn, tốn kém chi phí điều trị. Bệnh nhân SSTT thường có biểu hiện giảm khả năng thực hiện các công việc thường ngày, như: Ăn mặc, giặt giũ, nấu ăn, không nhớ được công dụng và giảm khả năng sử dụng các đồ dùng trong nhà, không tự tắm giặt, vệ sinh cá nhân... nên cần được chăm sóc và điều trị càng sớm càng tốt. Bác sĩ Hà An khuyến cáo, nên để bệnh nhân ở những nơi quen thuộc và an toàn. Bởi bệnh nhân SSTT thường mất định hướng không gian (không biết mình đang ở đâu), thời gian, do vậy rất dễ bị lạc khỏi nhà, khi xa nhà bệnh nhân không tìm được đường về. Bệnh nhân thường dễ bị các tai nạn trong sinh hoạt do khả năng sử dụng đồ đạc kém; vì thế, cần để các vật dụng vừa thuận tiện vừa tránh được các nguy cơ gây tổn thương cho bệnh nhân; hoặc đặt chuông báo động (nếu bệnh nhân đi lại nhiều trong nhà), lắp đặt đủ ánh sáng, đặt các biển báo hiệu trong nhà để giúp bệnh nhân định hướng. Nên cất bỏ các vật dụng nguy hiểm trong nhà, như: Dao, các vật sắc nhọn; theo dõi việc sử dụng các dụng cụ trong nhà... vì bệnh nhân thường hay quên.

Theo TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần: Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa dân số với tỷ lệ người trên 65 tuổi tăng ngày càng nhanh. Kéo theo đó, các bệnh lý liên quan đến tuổi già cũng tăng đáng kể, trong đó có tình trạng SSTT. Khảo sát cũng cho thấy những người chăm sóc bệnh nhân SSTT hay bị ốm hơn so với người thường, nguy cơ trầm cảm cao hơn. “Vì thế mới có chuyện ở viện chúng tôi, bác sĩ chăm sóc người bệnh SSTT một thì cũng phải tư vấn, hỗ trợ người chăm sóc hai. Bởi tại Việt Nam chưa có cơ sở y tế chuyên biệt nào chăm sóc những bệnh nhân mắc bệnh SSTT", TS Lê Doãn Phương cho biết.

Bác sĩ Lê Doãn Phương cũng lưu ý, hiện có tình trạng lạm dụng thuốc bổ não. Con cái khi thấy bố mẹ có biểu hiện SSTT thường mua các loại thuốc bổ não, bổ thần kinh cho bố mẹ uống mà không đưa bố mẹ đi khám để có phương pháp điều trị kịp thời. Do đó, khoảng 90% bệnh nhân đến viện đều trong tình trạng SSTT nặng. Vì thế, khi thấy người cao tuổi trong gia đình có biểu hiện của SSTT nên đưa đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị; hoặc chăm sóc toàn diện sẽ giúp làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

Khi xuất hiện từ 2 đến 3 biểu hiện sau đây người bệnh cần đi khám bác sĩ sớm để được tư vấn, điều trị kịp thời: Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hằng ngày; khó khăn trong việc lên kế hoạch và hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc; nhầm lẫn về thời gian, không gian; khó nhận biết về hình ảnh trực quan, đặt nhầm chỗ các đồ vật, mất khả năng tìm lại đồ; thu mình khỏi công việc... (Nguồn: Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai).

Bài và ảnh: DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/ganh-nang-cham-soc-dieu-tri-doi-voi-benh-nhan-sa-sut-tri-tue-571818