'Gánh' hơn chục triệu đồng tiền phạt nguội chủ cũ

Sau khi mua hoặc cho thuê, cho mượn xe ôtô vài tháng, nhiều người bỗng nhiên phát hiện xe bị 'dính' lỗi phạt nguội với số tiền lớn. Nguyên nhân của tình trạng này là lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chậm được cập nhật trên hệ thống công bố thông tin của cơ quan chức năng…

Xe bị xử phạt nguội vi phạm đi vào đường BRT nhưng chậm đưa lên hệ thống của Cục Đăng kiểm (ảnh minh họa)

Lỗi chủ cũ chủ mới phải chịu?

Anh Ngô Quốc Huy (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh, giữa năm 2018, anh có mua lại xe Toyota Corola Artis của người bạn ở phường Mỗ Lao (quận Hà Đông). Lúc đó, anh kiểm tra trên hệ thống của Cục Đăng kiểm không thấy báo xe có lỗi phạt nguội. Tuy nhiên, là người kinh doanh xe, anh thận trọng nhờ bạn ở Trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông của Phòng CSGT Hà Nội (nơi xử lý phạt nguội) kiểm tra mới tá hỏa khi phát hiện trong khoảng từ tháng 3 - tháng 4/2018, chiếc xe này bị 8 lỗi đi vào đường dành riêng cho xe buýt nhanh (BRT). Mỗi lỗi như thế bị phạt 1,2 triệu đồng, tổng số tiền nộp hơn 10 triệu đồng.

“Vi phạm từ tháng 3 đến bây giờ là tháng 9 rồi mà lực lượng chức năng vẫn không đưa lên hệ thống khiến tôi phải chịu trách nhiệm về lỗi này vì không biết chủ cũ ở đâu” - anh Huy nói.

Cuối năm 2017, anh Huy có mua một xe Toyota Vios rồi sau đó bán lại luôn cho một người bạn khác. Khi bán, kiểm tra trên hệ thống Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng không thấy lỗi vi phạm, xe vẫn đi đăng kiểm bình thường. Nhưng gần đây, anh nhận được phản hồi của người mua lại xe này rằng, tháng 12/2017, trước khi anh bán xe, xe này mắc lỗi vượt đèn đỏ có mức xử phạt 1,6 triệu đồng nhưng chưa nộp phạt. “Xác định đây là lỗi của chủ cũ, tôi nhờ anh này nộp phạt nhưng anh đó báo bận, yêu cầu tôi tự giải quyết rồi mang hóa đơn về thanh toán. Tuy nhiên, vì xe không chính chủ nên thủ tục nộp phạt rất khó khăn”, anh Huy cho hay.

Nhiều lái xe khác khi đi đăng kiểm cũng mang một tâm trạng thấp thỏm như anh Huy. “Tôi mới mua lại chiếc Vios này, xe này 2 năm lại nay mới đăng kiểm, không biết có dính lỗi phạt nguội hay không” - anh Nguyễn Văn Mạnh, đưa xe đi đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm Phú Thị (Gia Lâm - Hà Nội) nói. Hiện nay, một chiếc xe không phải một người lái, đặc biệt là xe học lái, xe cho thuê, cho mượn. Vì vậy, nếu lỗi vi phạm bị phạt nguội chậm đưa lên hệ thống sẽ khó có thể xác định người vi phạm, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Chưa biết khi nào có thể khắc phục

Ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận có việc thông tin vi phạm giao thông bằng hình ảnh chưa cập nhật ngay lên hệ thống. Nhiều trường hợp chậm vài tháng, thậm chí gần 1 năm so với thời điểm vi phạm. Ông Hệ cho hay, Cục Đăng kiểm chỉ là cơ quan nhận và đưa thông tin lên hệ thống. -Khi nhận phiếu chuyển của CSGT và thanh tra giao thông, chúng tôi đưa lên trang web của Cục Đăng kiểm ngay trong ngày, chậm nhất là sáng hôm sau. Việc nhanh hay chậm, phụ thuộc vào các lực lượng chức năng xử lý vi phạm” - ông Hệ lý giải.

Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền, điều tra tai nạn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết: Theo quy định, việc ra quyết định xử phạt sau khi đã lập biên bản là 7 ngày. Trường hợp phát hiện vi phạm thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (hay còn gọi là phạt “nguội”), CSGT phải gửi thông báo vi phạm cho chủ xe; khi chủ xe lên làm việc với cơ quan CSGT sẽ được xem hình ảnh vi phạm và lập biên bản, ra quyết định xử phạt.
Tuy nhiên, khi CSGT gửi thông báo vi phạm, nếu chủ xe đổi chỗ ở, xe vi phạm bán cho chủ khác mà không sang tên đổi chủ, hoặc chủ xe nhận được thông báo nhưng không chấp hành, thời gian xử lý sẽ bị kéo dài. “Thông thường, khi cơ quan CSGT gửi thông tin nhưng người vi phạm không nhận được, trong vòng 5 - 10 ngày, bưu điện sẽ hoàn lại. Có những trường hợp, tới 30 ngày sau, thậm chí lâu, bên bưu điện mới hoàn lại. Như vậy, thời gian phụ thuộc cả vào bên bưu chính và các yếu tố khác”, Thượng tá Nhật cho biết. Khi không xác định được người vi phạm, lực lượng CSGT mới gửi thông báo sang Cục Đăng kiểm. Ở công đoạn này, ông Nhật cho hay, thông thường, CSGT các địa phương tập hợp từ 15 ngày đến một tháng, tháng này gối tháng khác để gửi sang Cục Đăng kiểm.

Long Vân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/ganh-hon-chuc-trieu-dong-tien-phat-nguoi-chu-cu-1328694.tpo