Gánh hậu quả từ việc tiện đâu phóng uế đó

2% (gần 2 triệu) người dân Việt Nam vẫn phóng uế ra môi trường, gây ô nhiễm và làm lây lan các bệnh truyền nhiễm như cúm, tiêu chảy, kiết lỵ.

Chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi

TS Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng phóng uế làm môi trường và chất lượng nước bị ô nhiễm, dẫn đến lây lan các bệnh truyền nhiễm. Bộ Y tế ghi nhận nếu tính trên tỉ lệ bệnh nhân trong 100.000 dân thì các bệnh truyền nhiễm như cúm, tiêu chảy, giun sán, tả, sốt xuất huyết, tay chân miệng, kiết lỵ... là cao nhất.

Theo TS Hương, người dân phóng uế bừa bãi là do điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức về hành vi vệ sinh cá nhân còn thấp, các hộ gia đình không tự xây dựng được nhà vệ sinh tự hoại nên còn thói quen đi tiêu, đi tiểu ra môi trường. Năm 2017 tỉ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh tại nông thôn tăng gần 13% trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, nhiều trường học, bệnh viện, cơ quan, điểm tham quan du lịch, bến tàu, bến xe, nơi công cộng còn thiếu nhà vệ sinh hoặc không đạt chuẩn.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, trẻ em được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có chiều cao tăng gần 4 cm so với trẻ em sống ở cộng đồng có nhiều người phóng uế bừa bãi.

Tổ chức Cứu trợ Nước quốc tế thống kê mỗi năm thế giới có gần 300.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì tiêu chảy do sử dụng nước bẩn và vệ sinh kém.

"Vệ sinh môi trường kém làm tăng nguy cơ mắc bệnh, chi phí khám chữa bệnh cao. Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam mất khoảng 16.000 tỉ đồng mỗi năm do vệ sinh kém", TS Hương nói.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng sử dụng nhà vệ sinh không đạt tiêu chuẩn và phóng uế bừa bãi. Đó là điều kiện kinh tế với gia đình ở nông thôn còn khó khăn. Ý thức vệ sinh cá nhân và hiểu biết về những hiểm họa do phóng uế bừa bãi ở một số người dân còn thấp. Công tác quản lý, giám sát hoạt động ở các nhà vệ sinh công cộng còn nhiều bất cập. Việc tuyên truyền, hỗ trợ của lãnh đạo, tổ chức đến với người dân về xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh chưa đạt hiệu quả cao.

Để giải quyết tình trạng này, TS Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Bộ Y tế triển khai các giải pháp cải thiện vệ sinh quyết liệt và phù hợp cho từng nhóm người, từng vùng miền. Các mô hình nhà tiêu chi phí thấp sẽ được triển khai xây dựng trên nhiều địa bàn.

Cũng theo TS Hương, các địa phương cần vận động người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi. Bên cạnh đó cần phải thay đổi quan niệm riêng về vệ sinh của nhiều người dân ở vùng dân tộc thiểu số...

Mục tiêu Việt Nam đến năm 2025 chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi và 100% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh trong năm 2030.

Minh An

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/ganh-hau-qua-tu-viec-tien-dau-phong-ue-do-650739.ldo