Gangnam Style - siêu hit giúp 'làn sóng Hallyu' phủ khắp thế giới

Tròn 6 năm trước, 'Gangnam Style' của nam ca sĩ Psy bất ngờ trở thành hiện tượng toàn cầu. Đó là bước ngoặt vô cùng quan trọng để làn sóng Hallyu vươn xa trên toàn thế giới.

MV Gangnam Style - PSY Phát hành tháng 7/2012, Gangnam Style đã đạt 3 tỷ lượt xem sau hơn 5 năm ra mắt.

Hallyu (Hàn lưu) là cách các nhà báo Bắc Kinh mô tả sự bùng nổ của văn hóa Hàn Quốc tại Trung Quốc ở những năm đầu của thế kỷ 21. Sau đó, Hallyu lan rộng khắp châu Á - đặc biệt tại Nhật Bản, Đài Loan và Đông Nam Á.

Sau cơn sốt Gangnam Style vào năm 2012, làn sóng Hallyu dần bao trùm thế giới. Và vài năm sau, BTS tiếp bước nam ca sĩ Psy xâm nhập thị trường âm nhạc châu Mỹ và gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể.

Trong tương lai, Black Pink và Red Velvet được kỳ vọng sẽ cùng BTS đưa làn sóng Hallyu phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Phủ sóng châu Á từ bước đệm của BoA, DBSK

Năm 2000, nữ ca sĩ BoA ra mắt dưới sự quản lý của công ty giải trí SM. Hai năm sau, cô phát hành album Listen To My Heart tại Nhật Bản. Lần đầu tiên trong lịch sử, một album của ca sĩ Hàn Quốc tiêu thụ được 1 triệu bản ở xứ mặt trời mọc. Đó có thể xem là “phát súng” đầu tiên cho thời kỳ âm nhạc Kpop phủ sóng khắp châu Á.

Sự đột phá của Kpop thật sự đến kể từ thời điểm hai boyband đình đám DBSK và Super Junior ra đời. tờ BBC từng gọi: “DBSK và Suju là những ông hoàng đích thực của làn sóng Hallyu”.

Làn sóng Hallyu đã phủ rộng khắp thế giới nhờ sức hút của BTS.

Làn sóng Hallyu đã phủ rộng khắp thế giới nhờ sức hút của BTS.

DBSK nổi đình đám tại Hàn Quốc ngay từ khi được debut (2003). Hai năm sau, năm chàng trai chấp nhận gác lại những thành công vang dội tại quê nhà để chinh phục giấc mơ “Nhật tiến”.

Có không ít sự hoài nghi cho DBSK và giới truyền thông liên tục cảnh báo về sự thất bại khi Nhật Bản từ lâu đã có định kiến với idol Kpop.

Mặc dù vậy, “gà cưng” của SM từng bước vượt lên từ nghịch cảnh - từ bất đồng ngôn ngữ, bị kì thị - để trở thành nhóm nhạc được yêu thích ở xứ mặt trời mọc. Từ đêm diễn chỉ có 100 người, DBSK vươn đến thánh đường ca nhạc Tokyo Dome có 55.000 chỗ ngồi vào năm 2009.

Sau BoA, DBSK là nhóm nhạc đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc thoát khỏi ranh giới của Kpop để khẳng định tên tuổi ở Nhật Bản. Từ bước đệm của Jae Joong, Junsu, Yunho, Chanmin và Yoo Chun, một loạt nhóm nhạc đình đám của Kpop về sau tiếp bước khẳng định chỗ đứng tại thị trường khó tính thuộc dạng nhất nhì thế giới.

Những người anh em của DBSK là Super Junior (Suju) được công ty SM định hướng tấn công các thị trường âm nhạc Trung Quốc và Đông Nam Á. Sau nhiều năm miệt mài hoạt động, Suju bứt phá ngoạn mục từ siêu hit Sorry Sorry.

Sau đó Suju đến gần hơn với công chúng yêu nhạc từ các bản hit Mr.Simple, Bonamana hay Devil.

DBSK là nhóm nhạc đầu tiên của Hàn Quốc khẳng định được tên tuổi tại Nhật Bản.

Thời đỉnh cao, cái tên Suju phủ sóng khắp châu Á và Sorry Sorry từng thống trị mọi bảng xếp hạng của châu lục. Điển hình như khoảnh khắc được ghi lại hồi tháng 7/2009, hàng trăm tù nhân ở Philippines hòa theo vũ đạo của Sorry Sorry. Đến nay đoạn clip đã nhận hơn 7 triệu lượt xem.

Cũng trong giai đoạn hưng thịnh của làn sóng Hallyu tại châu Á, Big Bang, SNSD, T-ara, 2PM, 2AM, SS501 và nam ca sĩ Bi Rain là những tên tuổi nổi bật.

Đến hiện tại, Big Bang vẫn là nhóm nhạc có tour diễn ấn tượng nhất lịch sử Kpop. Theo đó, MADE tour của Big Bang vào năm 2015 thu hút hơn 1,5 triệu khán giả trong 66 đêm diễn trải dài ở 15 quốc gia.

Những “viên gạch” đầu của làn sóng Hallyu tại Mỹ

Từ những thành tựu lớn tại Nhật Bản, BoA là idol Kpop đầu tiên “lấn sân” sang thị trường âm nhạc Mỹ kể từ 2009. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, SM quyết định rút BoA trở về châu Á khi nhận ra con đường “Mỹ tiến” ngày càng mù mịt. BoA kịp phát hành album Eat You Up tại xứ cờ hoa, song chỉ thu lại kết quả tạm chấp nhận được.

Wonder Girls tiếp bước con đường dang dở của BoA sau thành công ngoài mong đợi của Nobody. Các cô gái nhà JYP từng có cơ hội tham gia tour diễn của nhóm nhạc Jonas Brother và thường xuyên được xuất hiện ở truyền hình Mỹ.

Ca khúc Nobody phiên bản tiếng Anh giúp Wonder Girls giữ vị trí 76 trên bảng xếp hạng Billboard 100.

Thế nhưng sau tất cả, Wonder Girls cũng dần đi vào “vết xe đổ” của BoA. Thành viên Yeeun của Wonder Girls đã chia sẻ: “Không hề dễ dàng khi xâm nhập vào thị trường âm nhạc đòi hỏi cao như Mỹ. Wonder Girls không chinh phục thành công như mong muốn, nhưng điều quan trọng là chúng tôi đã có nhiều bài học quý giá”.

Thành công của Nobody chưa đủ để giúp Wonder Girls khẳng định tài năng tại Mỹ.

Sau vụ kiện chấn động Kpop, Jun Su, Jae Joong và Yoo Chun rời DBSK để lập nên JYJ. Ba thần tượng xứ Hàn gây bất ngờ với kế hoạch sản xuất album tiếng Anh - The Beginning - kết hợp cùng hai nhà sản xuất đình đám Kanye West và Rodney Jerkins.

The Beginning đã được đặt trước hơn 500.00 bản và giành vị trí thứ 5 trong cuộc bình chọn top 10 album xuất sắc năm 2010 của Billboard. JYJ cũng là nhóm nhạc đầu tiên ở Kpop tổ chức đêm diễn tại Tây Ban Nha, Canada, Đức, Chile và Peru.

Lượng khán giả đến xem JYJ biểu diễn không quá đông, nhưng đó là bước khởi đầu tốt nhất mà một idol Kpop từng có. Tờ El Mundo đã ví von: “Nhìn JYJ, chúng tôi thấy ba Justin Bieber cùng nhau xuất hiện trên sân khấu. Họ sẽ thành công”.

Điều đáng tiếc là sau thành công ban đầu, JYJ quyết định trở lại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản thay vì mạo hiểm viết tiếp giấc mơ “Mỹ tiến”.

Daily Mail phân tích: “Có rất nhiều lý do để idol Kpop thất bại khi lấn sân sang thị trường âm nhạc hàng đầu như châu Âu và châu Mỹ. Có thể kể đến như ngôn ngữ, âm nhạc khác thị hiếu của đám đông và phần nào đó là sự kỳ thị”.

Sau JYJ, đến lượt “nhóm nhạc quốc dân” SNSD thử sức bằng việc quảng bá bản hit The Boy bằng ba thứ tiếng Hàn, Anh và Nhật. Dù vậy SNSD cũng sớm trở về Hàn Quốc, Nhật Bản để tiếp tục sự nghiệp đỉnh cao, hơn là đánh đổi tất cả vì thứ danh vọng chưa thành hình tại thị trường quá lớn như Âu - Mỹ.

Cơn sốt Gangnam Style và sự nổi tiếng toàn cầu của BTS

BoA, Wonder Girls và SNSD “Mỹ tiến” với sự hậu thuẫn từ dàn ê-kíp hùng hậu và được công ty chủ quản vạch ra chiến lược cụ thể. Mặc dù vậy, các nhóm nhạc đình đám ở xứ Kim chi đã sai khi nuôi hy vọng chiếm lĩnh thế giới chỉ bằng “lối mòn” của âm nhạc Kpop.

Sự khác biệt chỉ đến khi Gangnam Style của Psy ra đời. Gangnam Style vốn là ca khúc tiếng Hàn và được Psy quảng bá ở thị trường trong nước. Nhưng nhờ giai điệu EDM bắt tai, phần ca từ dí dỏm và MV hài hước với điểm nhấn ở điệu nhảy ngựa bất hủ, Gangnam Style trở thành loại “virus” gây nghiện len lỏi khắp thế giới.

Thời điểm này 6 năm về trước, Gangnam Style trở thành hiện tượng toàn cầu nhờ điệu nhảy ngựa huyền thoại.

Tờ The Box mô tả: “Sự xuất hiện của Gangnam Style như thể trời hạn gặp mưa. Chưa bàn đến chất lượng âm nhạc, Psy gây sốt nhờ điệu nhảy mang tính giải trí cao và thứ âm nhạc khiến người nghe chỉ muốn gác lại mọi thứ để bật nhảy ngay lập tức. Đó cũng là lý do Gangnam Style gây nghiện dù phần lời 100% là tiếng Hàn”.

Psy vốn là ca sĩ đi ngược với xu thế chung ở Hàn Quốc. Anh không phải là ca sĩ có ngoại hình sáng, thời trang hiện đại và phong cách trình diễn cũng chẳng giống ai - giống như lời chia sẻ từ chính Psy: “Cá tính âm nhạc của tôi ư? Đơn giản chỉ là sự gần gũi với tất cả mọi người”.

Lần đầu tiên trong lịch sử Kpop, đĩa đơn Gangnam Style vươn đến top 20 BXH Billboard 100. Bản siêu hit của Psy cũng thống trị BXH iTunes ở 31 quốc gia. MV Gangnam Style được Hiệp hội công nghiệp ghi âm của Mỹ chứng nhận Bạch kim.

Ngày này 6 năm về trước, báo chí phương Tây đồng loạt lên tiếng về cơn sốt Gangnam Style. Tiếp đó, các nhân vật đình đám từ giới nghệ sĩ, siêu sao bóng đá, cầu thủ bóng rổ… thay nhau đăng tải đoạn clip tự thực hiện điệu nhảy ngựa trên trang cá nhân.

Gangnam Style trở thành cơn sốt chưa từng có trong lịch sử. Tờ The Guardian thời bấy giờ đã viết: “Điều gì có thể đủ sức ngăn được cơn sốt Gangnam Style?”. Trước khi năm 2012 khép lại, Gangnam Style đánh bại Baby (Justin Bieber ft Ludacris) để trở thành MV đầu tiên chạm mốc 1 tỷ lượt xem.

Nhờ có Gangnam Style, làn sóng Hallyu mới thật sự được khẳng định ở thị trường âm nhạc hàng đầu như Âu - Mỹ. Về sau, cái bóng quá lớn của Gangnam Style khiến Psy không thể tỏa sáng như kỳ vọng ở Mỹ. Thế nhưng thành tựu mà anh để lại chính là sự công nhận của thế giới để tạo động lực cho các thế hệ về sau.

Rapper 40 tuổi từng được Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc trao huân chương Công trạng vì đã giúp nền âm nhạc nước nhà vươn xa ra thế giới. Show truyền hình Happy Together từng tự hào: “Sau một loạt thất bại của idol, Psy đã hoàn thành sứ mệnh giúp Kpop khẳng định được vị thế trên khắp thế giới”.

BTS được đánh giá là nhóm nhạc hàng đầu thế giới hiện nay.

Vài năm sau, nhóm nhạc BTS với sự chuẩn bị kĩ càng của công ty Big Hit tiếp bước đưa làn sóng Hallyu sang Mỹ. Chỉ trong vòng hai năm, 7 thần tượng xứ Hàn tỏa sáng rực rỡ để trở thành nhóm nhạc số một thế giới - theo đánh giá của New York Times, Daily Mail, Mirror - khi One Direction không còn hoạt động.

Album Love Yourself: Tear đi vào lịch sử Hàn Quốc khi giữ vị trí số 1 trên BXH Billboard 200. Fake Love cũng trở thành MV nhanh nhất trên thế giới cán mốc 350 triệu lượt xem. Năm qua, BTS đánh bại Justin Bieber để nhận giải thần tượng được yêu thích trên mạng xã hội và đại diện cho giới trẻ phát biểu ở Liên Hợp Quốc.

Trong lần đầu tổ chức tour vòng quanh thế giới, BTS thu về thành công đáng nể. Có hơn 60.000 khán giả ở New York đến xem BTS trình diễn. Tại châu Âu, hàng chục nghìn A.R.M.Y (cộng đồng fan BTS) sẵn sàng thức trắng đêm để mua bằng được vé vào xem BTS biểu diễn.

Thành công của BTS không đến theo cách bùng nổ như Psy, song bước tiến của RM và các thành viên có sự ổn định cao. Làng Kpop tự hào về BTS và bản thân “tiền bối” Psy cũng không tiếc lời ca ngợi đàn em: “Tôi thấy BTS đang rất nổi tiếng ở nước ngoài. Tôi tự hào về các chàng trai, họ xứng đáng với điều đó. Hy vọng Kpop sẽ có nhiều nhóm nhạc như BTS ở Mỹ”.

Sự nổi tiếng của BTS đang ở giai đoạn phát triển mạnh. Vừa qua, bốn cô gái tài năng của Black Pink cũng công bố kế hoạch đánh chiếm thị trường Mỹ. “Gà cưng” của SM ở hiện tại - nhóm nhạc nữ Red Velvet - cũng ấp ủ dự định tiếp bước đàn chị SNSD và BoA.

Những dấu hiệu trên cho thấy làn sóng Hallyu sẽ còn bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Hương Ly - Trường Cầm
Ảnh: Getty Images

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/gangnam-style-sieu-hit-giup-lan-song-hallyu-phu-khap-the-gioi-post895338.html