Gang thép Thái Nguyên: Từ 'quả đấm thép' đến 'nhân vật chính' của đại án nghìn tỷ

Trải qua nhiều mốc son của ngành luyện kim, TISCO ngày nay luôn trong tình trạng làm ăn bết bát, hàng nghìn tỷ đồng tiền vay vốn ngân hàng đè nặng trên vai.

Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được coi là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam, tiền thân là Công ty Gang thép Thái Nguyên, được thành lập năm 1959, là khu Công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, luyện thép và cán thép.

Ngày 29/11/1963, mẻ gang đầu tiên của công ty ra lò đã đánh dấu mốc son quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của Công ty cũng như của ngành luyện kim Việt Nam.

Gần 60 năm sau, sáng nay (12/4), TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO và một số đơn vị liên quan. Đây là đại án kinh tế có mức độ thiệt hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước.

Hàng loạt lãnh đạo qua các thời kỳ bị khởi tố và đưa ra xét xử, "quả đấm thép" của ngành luyện kim ngày nào hiện đang chật vật xoay xở để vượt qua tình trạng kinh doanh bết bát.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, Gang thép Thái Nguyên ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.566 tỷ đồng, giảm 8,3% so với doanh thu đạt được năm 2019. Trong năm 2020, chi phí tài chính của doanh nghiệp ghi nhận hơn 155 tỷ đồng, giảm khoảng 1,4 lần so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng cũng giảm gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng gần 15 tỷ đồng.

Dù đã tiết giảm được một số chi phí, song với doanh thu giảm cùng nhiều khoản phí tăng, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Gang thép Thái Nguyên vẫn giảm hơn một nữa so với năm 2019. Cụ thể, năm 2020, doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế 18,8 tỷ đồng, trong khi năm 2019, con số này là hơn 40,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt hơn 17 tỷ đồng.

Hiện trường nhà máy Gang thép Thái Nguyên.

Hiện trường nhà máy Gang thép Thái Nguyên.

Năm 2020, Gang thép Thái Nguyên không thể hoàn thành kế hoạch đặt ra trong Nghị quyết đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Theo đó, đặt mục tiêu đạt doanh thu 13.478 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 75,2 tỷ đồng, doanh nghiệp này chỉ đạt được gần 71% kế hoạch doanh thu và 25% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của TISCO đạt hơn 9.357 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tài sản ngắn hạn là các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho chiếm tới 1.248 tỷ đồng trong tổng tài sản, trong khi đó, tiền và các khoản tương đương chỉ có 126 tỷ đồng.

Các tài sản dài hạn hầu hết là các dự án đang dang dở lên tới 5.697 tỷ đồng, trong đó có các dự án được đầu tư hàng nghìn tỷ nhưng vẫn đắp chiếu. Riêng với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 dù được triển khai từ năm 2007 nhưng đến thời điểm hiện tại, các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của dự án là 5.093 tỷ đồng với chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.888 tỷ đồng.

Trong khi vốn chỉ sở hữu chỉ đạt hơn 1.800 tỷ đồng thì doanh nghiệp lại có mức vay nợ khủng, chiếm hơn 4.567 tỷ đồng. Tổng số nợ phải trả là 7.460 tỷ đồng. TISCO phân thành các khoản vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và các khoản vay liên quan đến dự án mở rộng giai đoạn 2.

VietinBank và VDB cho TISCO vay nghìn tỷ tại dự án mở rộng Giai đoạn 2.

Với các khoản vay liên quan đến dự án mở rộng giai đoạn 2, tổng dư nợ vay dài hạn đến cuối 2020 là 2.871 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay tại ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) có số dư gốc vay là 1.758 tỷ đồng và ngân hàng Phát triển (VDB) cho vay 1.113 tỷ đồng.

Về các khoản cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tổng vay ngắn hạn ngân hàng của TISCO là 1.352 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị cho vay lớn nhất là VietinBank với 472 tỷ đồng; tiếp đến là BIDV là hơn 441 tỷ đồng; MB Bank 182 tỷ đồng; Indovina là 5 tỷ.

Tổng vay dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh là 338 tỷ đồng. Ngân hàng BIDV là đơn vị cho vay lớn nhất với tổng dự nợ 257 tỷ đồng; tiếp đến là VietinBank với 44 tỷ; Agribank là 35 tỷ đồng.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gang-thep-thai-nguyen-tu-qua-dam-thep-den-lien-quan-dai-an-nghin-ty-a511082.html