Gang thép Thái Nguyên: Cơ hội thoát cảnh 'đắp chiếu'

Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước vừa trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến các bộ ngành về phương án thoái vốn Nhà nước tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên của Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco).

Tính từ ngày khởi động đến nay đã là 14 năm, nhưng Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên vẫn còn dang dở. Việc dự án nằm chờ quá lâu đã kéo theo nhiều hệ lụy.

Được khởi động từ năm 2005 do Tisco làm chủ đầu tư, dự án có Tổng mức đầu tư (TMĐT) ban đầu là 3.843 tỷ đồng, được chia thành 2 gói thầu, trong đó gói thầu chính là EPC dây chuyền công nghệ luyện kim có giá trị 160,9 triệu USD, được thực hiện bởi nhà thầu là Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc.

Sau khi ký hợp đồng, công việc triển khai được một thời gian thì dừng lại do giá nguyên vật liệu đầu vào khi đó tăng quá cao, không thể thực hiện tiếp theo hợp đồng đã có. Vì vậy, đến tháng 5/2013 Tisco nâng TMĐT lên hơn 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng với thời gian thực hiện đến hết năm 2014. Thế nhưng vì một số lý do, mà nổi cộm là việc nhà thầu thiếu thiện chí trong đàm phán, nên dự án bị dừng lại từ đó đến nay.

Gánh một dự án đình trệ là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng không muốn bởi lẽ những rủi ro đi kèm quá lớn, và nếu không may mắn có thể chết chìm theo. Tuy nhiên với những nỗ lực bền bỉ, kết quả hoạt động của Tisco trong thời gian vừa qua rất khả quan. Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm của Tisco vẫn đạt gần 8.900 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 57 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 145 tỷ đồng, thu nhập bình quân của hơn 4.200 lao động tại Tisco đã đạt 8,3 triệu đồng/tháng.

Thế nhưng, theo một đại diện ban lãnh đạo của Tisco, dù kết quả trên là tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ khi dự án mở rộng giai đoạn 2 vẫn chưa được xử lý rốt ráo.

Theo vị đại diện này, sau khi đã giảm tối đa thiệt hại nhờ những biện pháp xử lý khéo léo, phù hợp hoàn cảnh và pháp luật trong quá khứ thì điều kiện tiên quyết hiện nay là cần một nhà đầu tư đủ tiềm lực vào tiếp nhận phần vốn nhà nước.

Hy vọng này của ban lãnh đạo Tisco hoàn toàn có cơ sở khi mới đây Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến các bộ ngành về phương án thoái vốn nhà nước tại dự án này. Công việc này càng được xúc tiến sớm ngày nào thì dự án càng có cơ hội hồi sinh và giảm thiểu thiệt hại ngày đó. Đây là điều Tisco hết sức mong mỏi vì hiện nay mỗi ngày riêng tiền lãi vay ngân hàng của doanh nghiệp này đã là hơn 1 tỷ đồng.

Đánh giá về tình hình hiện tại, nhiều chuyên gia rất băn khoăn là vì sao lại để thời gian xử lý kéo dài quá mức, qua đó gây lãng phí đến như vậy, trong khi trên thực tế việc kích hoạt lại dự án là hoàn toàn khả thi. Nhận định này được đánh giá là hoàn toàn có cơ sở khi đa phần máy móc đã nhập vẫn được bảo quản, còn với phần điều khiển, bộ phận quan trọng nhất của dự án, thì chưa được nhà thầu bàn giao nên nhìn chung về thiết bị nhà máy sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nếu đi vào hoạt động.

Việc các cơ quan có thẩm quyền đã bắt đầu thảo luận về phương án thoái vốn là tia hy vọng cho Tisco. Chấm dứt sự lãng phí không đáng có, hồi sinh dự án để Tisco từ đó vững bước phát triển là mong mỏi không chỉ riêng của những người lao động ở nơi đây.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/gang-thep-thai-nguyen-co-hoi-thoat-canh-dap-chieu-1491356.tpo