Gắn trợ lực lái lên Exciter, Winner có nên hay không?

Trợ lực có tên gọi chính xác là thanh giảm chấn với tác dụng triệt tiêu hiện tượng rung lắc cổ xe giúp chạy với tốc độ cao an toàn.

Thử tưởng tượng bạn đang chạy xe với tốc độ cao thì gặp 'ổ gà' làm cho xe mất ổn định. Trong tình huống này chỉ cần mất bình tĩnh hoặc thiếu kinh nghiệm xử lý thì việc "đo đường" là điều chắc chắn xảy ra. Nếu xe được lắp hệ thống trợ lực thì bộ phận này sẽ hấp thụ các dao động không đáng có và giữ cho xe cân bằng.

Hệ thống này có 2 loại: chỉnh cơ và chỉnh điện.

Hệ thống này có 2 loại: chỉnh cơ và chỉnh điện.

Tên chính xác của trợ lực tay lái là thanh giảm chấn. Hệ thống này sẽ làm giảm và triệt tiêu những dao động của cổ lái gây nguy hiểm cho xe. Hệ thống này có nhiều cách lắp khác nhau như giảm chấn trung tâm gắn với chảng ba hay giảm chấn dạng thanh trượt kết nối với sườn xe. Dù là loại nào thì tác dụng của chúng đều như nhau.

Thanh giảm chấn có cấu tạo tương tự như giảm xóc trên xe có khả năng tùy chỉnh nặng nhẹ bằng cách mở rộng hay thu hẹp đường ống dầu. Nếu như giảm xóc có tác dụng theo chiều dọc thì hệ thống giảm chấn sẽ có tác dụng theo chiều ngang của xe

Hầu hết xe PKL đều được trang bị bộ giảm chấn chỉnh điện. Ảnh: Sport bike.

Hệ thống này thường được lắp sẵn trên các dòng xe phân khối lớn dạng sportbike, đặc biệt đối với các mẫu xe có trục cơ sở ngắn như Yamaha R6, Ducati 1299 Panigale,... Trục cơ sở ngắn làm cho xe dễ bị hiện tượng 'vẫy đuôi' nếu không có bộ giảm chấn.

Đối với xe phân khối lớn hệ thống giảm chấn này có khả năng tự động chỉnh theo tốc độ chạy, khi chạy nhanh hệ thống này sẽ siết cứng cổ lái còn khi chạy chậm cổ lái sẽ nhẹ nhàng hơn giúp người điều khiển dễ dàng di chuyển. Nhược điểm của giảm chấn điện tử là việc lắp đặt khá phức tạp vì phải kết nối với hệ thống điều khiển trung tâm (ECU) và khó sửa chữa khi hư hỏng.

Ngoài giảm chấn điện tử thì có một loại trợ lực khác đơn giản và giá rẻ hơn là giảm chấn cơ, hệ thống giảm chấn này điều chỉnh nặng nhẹ thông qua núm chỉnh. Giá của loại này dao động từ 1 triệu đến 15 triệu đồng của các hãng như HyperPro, Ohlins, CRG... Nhược điểm của giảm chấn cơ là không tự động chỉnh theo tốc độ mà người điều khiển phải tự chỉnh bằng tay khá bất tiện.

Với các xe cỡ nhỏ, trợ lực lái chỉnh tay thường được lựa chọn do dễ lắp đặt hơn và giá cũng rẻ hơn. Xe chỉ nên được lắp bộ giảm chấn khi thường xuyên đi xa hoặc chạy tốc độ cao, vì khi đó hệ thống này mới phát huy tác dụng. Còn đối với những xe chỉ chạy trong thành phố, tốc độ thấp thì việc lắp bộ giảm chấn chỉ để trang trí chứ hoàn toàn không có tác dụng.

Thanh giảm chấn giá chỉ vài trăm nghìn gắn lên xe tác dụng chủ yếu là trang trí.

Trên thị trường có các sản phẩm giảm chấn cho xe nhỏ với mức giá chỉ vài trăm nghìn. Tuy nhiên tác dụng giảm chấn của hệ thống giá rẻ này là không rõ ràng, và không đáng tin cậy khi muốn vận hành xe ở tốc độ cao.

Nếu muốn trang bị trợ lực lái, người mua cần xem kỹ sản phẩm để tránh mua nhằm hàng nhái, hàng kém chất lượng gây nguy hiểm khi sử dụng. Ngoài ra cần chọn vị trí lắp chắc chắn, không va quẹt vào các bộ phận khác trên xe.

Vĩnh Phúc

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/gan-tro-luc-lai-len-exciter-winner-co-nen-hay-khong-post935076.html