Gắn trách nhiệm lãnh đạo địa phương để sốt đất: Vì sao?

Theo ông Nguyễn Văn Đính, nghi ngại một số cán bộ công quyền lợi dụng sốt đất để kiếm lời hoàn toàn có cơ sở.

Không ai nói gì nên lãnh đạo địa phương thờ ơ

Trước tình hình giá đất tăng ở nhiều địa phương, tạo ra các cơn sốt đất trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khuyến nghị lãnh đạo các địa phương cần vào cuộc, đồng thời cần phải gắn trách nhiệm cho các lãnh đạo ở địa phương để xảy ra sốt đất.

Ông Nguyễn Văn Đính khẳng định, đề xuất này hoàn toàn có căn cứ bởi sốt đất ảnh hưởng đến người dân địa phương trong việc phát triển kinh tế. Bản thân lãnh đạo địa phương phải có trách nhiệm với việc này vì muốn phát triển địa phương thì cần phải kiểm soát những gì không đúng quy định pháp luật.

"Hiện tượng mua bán đất ở nhiều địa phương trong thời gia qua là trái quy định pháp luật, xẻ vườn, xẻ ruộng ra bán là sai, san lấp, cắm biển rao bán là ngang nhiên vi phạm quy định của pháp luật... Ruộng, vườn, rừng không thể bán một cách vô tội vạ mà phải có điều kiện.

Những việc này địa phương hoàn toàn có thể kiểm soát được với điều kiện họ phải có trách nhiệm. Bởi không ai nói gì nên lãnh đạo địa phương cũng thờ ơ. Ngược lại, khi bị gắn trách nhiệm, lập tức họ sẽ dẹp khi sốt đất còn đang manh nha", ông Nguyễn Văn Đính nói.

Một điểm giao dịch mua bán đất trong những ngày sốt đất ở xã Tân Lợi và An Khương (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Ảnh: Lao động

Một điểm giao dịch mua bán đất trong những ngày sốt đất ở xã Tân Lợi và An Khương (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Ảnh: Lao động

Trước một số nghi ngại cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền địa phương hưởng lợi từ sốt đất nên thờ ơ, để mặc hiện tượng này xảy ra, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nghi ngại này hoàn toàn có cơ sở.

"Họ không phải chịu trách nhiệm gì nên hoàn toàn có thể lợi dụng thông tin biết trước quy hoạch, lợi dụng sốt đất để kiếm lợi cho bản thân cho người nhà", ông Nguyễn Văn Đính nhận định và nhấn mạnh, một khi gắn trách nhiệm vào thì lãnh đạo địa phương sẽ phải đắn đo, cân nhắc khi muốn đánh đổi lấy lợi ích kinh tế cho cá nhân.

Để dẹp sốt đất, ngoài yêu cầu phải gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi xảy ra hiện tượng sốt đất, vị chuyên gia đề nghị chính quyền các địa phương vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Các địa phương cần quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch… trên địa bàn; đồng thời, cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho người dân nắm được và thận lợi khi tiếp cận thông tin.

Đặc biệt, các địa phương cần chú ý kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, ảnh hưởng đến thị trường, nhất là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, gây bất ổn.

Bên cạnh đó, ông Đính cũng kiến nghị điều chỉnh pháp luật theo hướng số hóa quy hoạch, sản phẩm bất động sản người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin; đồng thời, quản lý sàn giao dịch và môi giới bất động sản chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Tung tin không đúng sự thật về quy hoạch để tạo sóng

Kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hiện tượng giá đất tăng tại nhiều địa phương đã tạo ra những cơn sốt đất. Lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, đất đai là loại hàng hóa có thể lưu giữ lâu dài, khả năng sinh lợi cao, nhiều nơi mức giá vẫn thấp, kể cả khi đã được đầu tư hạ tầng… Vì lẽ đó, đầu tư vào đất vẫn luôn là loại hình được ưa chuộng của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Với cơn sốt đất lần này, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, nguyên nhân tăng giá có một phần do khung giá đất được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng từ 15-20%.

Nhu cầu về chỗ ở vẫn rất cao trên toàn thị trường nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án bất động sản, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Do đó, nguồn cung chưa được cải thiện nhiều mà vẫn thiếu, nhất là các dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội, đất nền.

Khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh, đột biến do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi dịch bệnh.

Đơn cử như lãi suất ngân hàng giảm sâu cộng với việc đầu tư ngắn hạn thời gian vừa qua vào chứng khoán và vàng có lãi lớn nên nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi và chuyển sang mua đất để giữ tiền.

Do đó, nhu cầu đầu tư tăng trong khi lượng hàng khan hiếm đã khiến đất tăng giá mạnh. Đồng thời, xuất hiện hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật.

Nhìn chung trên toàn quốc, giá đất nhiều khu vực tăng chóng mặt; trung bình tăng 10% sau 1 tháng và cục bộ có nơi tăng từ 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Lợi nhuận hấp dẫn đã khiến nhiều người bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư.

Tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án để “tạo sóng”. Thậm chí có trường hợp lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm

Đó là chưa kể trên thị trường xuất hiện hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn… Nhiều cò đất thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động giả, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, đây không phải lực lượng môi giới bất động sản chuyên nghiệp đang hoạt động tại các sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp, uy tín.

Hệ quả của việc tăng giá đất nóng, sốt sẽ hút nguồn lực của các nhà đầu tư cả nước lao vào vòng xoáy tăng giá đất đai; làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác của quốc gia.

Cùng đó, nhiều loại tài nguyên trên đất đai bị xâm phạm, chuyển đổi chức năng không phù hợp quy định pháp luật. Điều này làm lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng phát triển kinh tế, thậm chí gây bất ổn cho địa phương tại những khu vực đó.

"Đặc biệt, tình trạng này sẽ cản trở lớn đến việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương. Bởi trên thực tế, tăng giá đất sẽ kéo theo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng", ông Đính nhận định và cho rằng, phát triển kinh tế tại những địa phương nơi có sốt đất sẽ khó khăn hơn.

Ngoài ra, giá đất sẽ quay đầu giảm mạnh khiến những người đầu tư đất chưa kịp bán ra thua lỗ nặng, nhất là những người sử dụng đòn bẩy tín dụng có cầm cố tài sản của chính mình. Việc tăng giá đất cũng khiến các chính sách phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở giá rẻ cũng khó được triển khai.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/bat-dong-san/thi-truong/gan-trach-nhiem-lanh-dao-dia-phuong-de-sot-dat-vi-sao-3429446/