Gắn trách nhiệm của doanh nghiệp

Các KCN - khu chế xuất (KCX) đã có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa hóa, hiện đại hóa của Thủ đô và cả nước.

Ông Vũ Quang Vinh - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam)

Ông Vũ Quang Vinh - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam)

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Quang Vinh - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) cho rằng, phát triển nhà ở cho công nhân cần phải được đồng bộ với chính sách phát triển KCN - KCX.

Thưa ông, theo khảo sát trong thời gian gần đây, tình trạng công nhân ngoại tỉnh bỏ việc tại các KCN - KCX có chiều hướng gia tăng do gặp khó khăn về chỗ ở. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Qua số liệu khảo sát sơ bộ mới đây, tỷ lệ lao động làm việc tại các KCN - KCX có độ tuổi từ 18 - 40 tuổi, chiếm khoảng 80% số lượng lao động. Như vậy có thể thấy, tuổi của người lao động ở đây rất trẻ và nhóm dân số này cũng chưa có thời gian tích lũy tài chính nên thường phải đi thuê nhà để ở.

Tại các khu, cụm công nghiệp ở các tỉnh, phần lớn đều sử dụng lao động địa phương nên công nhân không gặp nhiều khó khăn trong vấn đề về chỗ ở. Tuy nhiên, tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh có công nghiệp phát triển như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên... thì lao động ngoại tỉnh đến làm việc trong các KCN - KCX tương đối lớn, vì vậy đã xuất hiện sức ép đối với vấn đề chỗ ở cho công nhân. Số lượng công nhân bỏ việc nhiều nhất cũng xuất phát từ chính những tỉnh, thành có công nghiệp phát triển.

Theo ông, đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

- Hiện nay, trong phát triển KCN - KCX, vấn đề về nhà ở nói riêng và việc tạo môi trường sống cho người lao động vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Khi vào hoạt động tại các KCN - KCX, DN thường chú tâm vào đầu tư cho hệ thống nhà xưởng sản xuất, đa phần đều không quan tâm đến việc xây dựng chỗ ở cho người lao động, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ nước ngoài đến thuê lại nhà xưởng của các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN lại càng không có đất để xây dựng chỗ ở cho người lao động.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã mở đường cho các DN vào đầu tư, thông qua việc cho hưởng nhiều chính sách ưu đãi như về thuế thu nhập, tiền thuê đất... Tuy nhiên lại chưa đưa vấn đề cam kết của DN trong việc xây dựng các khu nhà ở cho công nhân trở thành điều kiện cần để DN được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Mặt khác, các nhà đầu tư BĐS cũng chưa quan tâm nhiều đến phân khúc này do lợi nhuận thấp. Do vậy, rất nhiều công nhân ngoại tỉnh, khi đến các KCN làm việc gặp khó khăn về chỗ ở, phải thuê nhà trọ mà không được ưu đãi, hỗ trợ về giá cũng như chất lượng dịch vụ tại các khu nhà trọ không đảm bảo, dẫn đến tình trạng bỏ việc.

Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

- Nhà ở cho người có thu nhập thấp nói chung và nhà ở cho công nhân nói riêng đang là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, những DN có tiềm lực thực sự về tài chính. Vì vậy, phải có sự cam kết rõ ràng, gắn trách nhiệm của DN với việc giải quyết chỗ ở cho người lao động.

Còn đối với chương trình phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ người lao động về vốn vay thông qua các gói tài chính hỗ trợ. Đồng thời đơn giản hóa hơn nữa thủ tục vay vốn, mua nhà dành cho công nhân và người thu nhập thấp.

Xin cảm ơn ông!

Mai Vân (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gan-trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-349496.html