Gắn thiết bị theo dõi chồng, có vi phạm pháp luật?

Như PNVN đã đề cập, các loại thiết bị theo dõi đang được bán tràn lan ngoài thị trường, mua dễ hơn… mua rau, nhiều người sẵn sàng đầu tư để giám sát 24/24 người bạn đời của mình. Liệu hành động này có bị xem là vi phạm phát luật? Những thông tin do Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty Luật TNHH Trường Lộc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cung cấp sẽ giúp bạn hiểu kỹ hơn về vấn đề này.

“Tôi gắn thiết bị theo dõi chồng tôi, đó là việc nội bộ trong gia đình, đâu có làm gì phạm pháp”. Đây là suy nghĩ của nhiều bà vợ khi đặt camera nghe lén hay các loại thiết bị theo dõi chồng. Nhưng thực tế, việc làm này có đúng hay không?

PNVN đã tham vấn ý kiến Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Công ty Luật TNHH Trường Lộc những thông tin đầy đủ nhất liên quan đến vấn đề này, để bạn tham khảo trước khi quyết định có nên có mua và gắn thiết bị theo dõi người bạn đời của mình.

Xin Luật sư cho biết, việc vợ gắn thiết bị theo dõi chồng hoặc ngược lại có vi phạm pháp luật hay không?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Trên thực tế hiện nay, rất nhiều người vợ, người chồng bị bạn đời gắn thiết bị theo dõi bị phát hiện. Việc này là vi phạm các quy định sau của pháp luật:

- Điều 21, Hiến pháp năm 2013, quy định:

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn;

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”.

Mọi người có quyền bí mật điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác

Mọi người có quyền bí mật điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác

- Còn Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định:

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”;

Ngoài ra, hành vi nói trên còn vii phạm Điều 17 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), vì điều này quy định: “(1) Không ai bị can thiệp một cách độc đoán và bất hợp pháp đến đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín; hoặc bị xúc phạm một cách bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. (2) Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại mọi sự can thiệp và xúc phạm như vậy”.

Nếu gắn thiết bị theo dõi người khác, sẽ chịu hình thức xử phạt cụ thể như thế nào, thưa Luật sư?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Tất cả các trường hợp gắn thiết bị theo dõi chồng hoặc vợ là vi phạm pháp luật.

Tất cả các trường hợp gắn thiết bị theo dõi chồng hoặc vợ là vi phạm pháp luật

Tại Điều 159, Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;

c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;

đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác…

Thực tế hiện nay nước ta đã có những quy định về công nhận và bảo hộ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình nằm rải rác tại nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, nhiều quy định còn quá chung chung, khó triển khai trên thực tế mang tính chất là nêu ra quyền mà chưa có sự định hướng hành vi và chế tài đối với hành vi vi phạm.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/luat-doi/gan-thiet-bi-theo-doi-chong-co-vi-pham-phap-luat-post46058.html