Gần Tết, thực phẩm bẩn gia tăng và ngày càng tinh vi

Vào thời điểm gần Tết, nhiều đơn vị sản xuất chế biến thường mua lượng lớn thực phẩm về trữ trong kho lạnh nhiều ngày, sau mới đưa ra thị trường bán dẫn đến nguy cơ thịt kém chất lượng, quá hạn, không đảm bảo vệ sinh...

TP.HCM sẽ tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống - Ảnh: Phan Diệu

Theo Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan, hiện cơ quan này đã triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội Xuân 2019.

Trong đó, Ban đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành từ thành phố đến cấp phường, xã. Công tác kiểm tra tập trung vào nhóm các sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm từ ngày 1.1 đến ngày 25.3.2019; phối hợp với với các Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ trong các hoạt động truyền thông về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bà Lan cho rằng thời điểm này là giai đoạn tập kết nhiều hàng hóa. Nhiều đơn vị sản xuất chế biến cũng sẽ mua để trữ trong kho lạnh, chờ gần đến Tết để làm thực phẩm. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ thịt kém chất lượng, quá hạn, không đảm bảo vệ sinh sẽ gây hậu quả về an toàn thực phẩm, ngộ độc đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, càng về gần Tết thì các hành vi vi phạm sẽ càng tinh vi, càng phức tạp hơn.

Do vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, 2 tháng trước tết, các đoàn thanh tra đã tập trung kiểm tra các hệ thống kho lạnh, kho lưu trữ cũng như việc tiêu thụ những mặt hàng. Thời gian gần tết thì lực lượng chức năng còn tập trung kiểm tra khâu phân phối lưu thông hàng hóa.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng đề nghị trong thời gian tới, các quận huyện cần tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống, nơi cung cấp 80% nhu cầu thực phẩm của người dân nhưng vấn đề an toàn thực phẩm vẫn còn lỗ hổng.

Về vấn đề thức ăn đường phố, các quận huyện cần có kế hoạch xây dựng các khu phố, tuyến đường bán thức ăn đường phố, tập huấn cho những người bán hàng; kiểm tra nhanh mức độ sạch của thức ăn đường phố; phải quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm ở các trường học.

Nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM trong năm 2019, UBND TP.HCM cũng cho biết sẽ nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang thực hiện công tác này.

Bên cạnh đó là việc tăng cường truyền thông, huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Thành phố sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính, nâng cao hiệu quả pháp chế, giảm chi phí, giảm thủ tục hành chính cho cơ sở, cho người dân. Đặc biệt, thành phố còn kiểm tra, hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội.

Ngoài ra, UBND TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển đề án “chuỗi thực phẩm an toàn”, liên kết, phối hợp với các tỉnh, thành phố; kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói và kinh doanh sản phẩm thuộc “chuỗi thực phẩm an toàn”.

Thành phố cũng sẽ triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm và dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm; phấn đấu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể quy mô trên 30 người...

Phan Diệu

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/gan-tet-thuc-pham-ban-gia-tang-va-ngay-cang-tinh-vi-104683.html