Gần Tết nói chuyện đào

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải cấm tuyệt đối chặt đào rừng và các loại cây khác của núi rừng. Ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ ngay lập tức thu hút sự quan tâm và luận bàn của cộng đồng. Bên cạnh những ý kiến tán thành, ủng hộ, cũng có những đề xuất cần xem lại, làm rõ hơn, đồng thời có hướng dẫn thực hiện ý kiến chỉ đạo này một cách hợp lý, hợp tình.

Đầu tiên, là quan điểm cho rằng không hề có đào rừng. Một số người, có cả quan chức nông nghiệp sống hoặc từng sống ở các tỉnh vùng cao như Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu… đã bày tỏ quan điểm đó. Họ khẳng định: Không có đào rừng! Chỉ có những cành đào từ vườn đào của bà con dân tộc thiểu số, trồng lấy quả và để cắt cành bán cho người chơi Tết. Đó cũng là một nguồn lợi chính đáng của bà con.
Ngược lại, nhiều người sống lâu năm ở Sơn La, Điện Biên cho rằng nơi họ sống từng có rất nhiều đào rừng. Một người trong số đó đã viết những dòng đầy luyến tiếc: Ngày tôi còn bé khoảng 11 - 12 tuổi (năm nay tôi 58 tuổi), nhà tôi hướng nhìn lên sườn núi, Xuân về đào nở rực cả vạt rừng trước mặt, giờ không còn cây nào, nghĩ mà nhớ tiếc!
Là một trong những người yêu mến, có thể nói là đam mê vẻ đẹp của những nhánh đào rừng từ cách nay hàng chục năm, khi mà thú chơi này chưa thành mốt thời thượng, kéo theo một dịch vụ kinh doanh khá sôi động những ngày áp Tết như hiện nay, xin chia sẻ một vài suy nghĩ.
Một là, dù đào rừng tự nhiên, hay được trồng tại vườn, đều là những yếu tố làm nên cảnh quan núi rừng Tây Bắc mùa Xuân, hùng vĩ mà nên thơ. Những vùng nhiều hoa đào rừng (hay vườn) như Mộc Châu, Sapa là những nơi thu hút rất đông khách du lịch vào những dịp Xuân về. Đó chính là một lợi thế để chính quyền và người dân bản địa tận dụng phát triển các ngành dịch vụ phục vụ du lịch, đem lại lợi ích kinh tế. Xem ra, cần cân nhắc về lợi ích của chặt phá, đem bán cành đào với việc bảo vệ sự nguyên vẹn cùng môi trường, cảnh sắc thiên nhiên tạo nguồn lợi thu được một cách bền vững từ du lịch. Đó là chưa kể việc chặt cành, dù là ở vườn sẽ ảnh hưởng đến chất và lượng những trái đào, một đặc sản vùng Tây Bắc.
Hai là, từ một thú chơi tự phát, chỉ ít người quan tâm, nay việc chặt, chuyển đào về xuôi đã thành một dịch vụ kinh doanh sôi động mỗi dịp Tết. Không khó để có thể bắt gặp hình ảnh những chiếc xe tải chất đầy những cành đào, thường là khá lớn được bó chặt, chở về xuôi. Một cách khai thác mà chắc không người trồng đào nào có thể chấp nhận.
Có một nỗi lo lắng khác được bày tỏ. Đó là việc cấm chặt, bán đào rừng sẽ làm mất một nguồn thu của bà con miền núi, đa phần là dân tộc ít người, cuộc sống còn khó khăn. Điều này thoạt nghe có vẻ có lý. Nhưng nghĩ cho cùng, trong cái chuỗi lợi nhuận thu được từ việc chặt phá đào, rừng hay vườn đều ảnh hưởng đến cảnh quan của Tây Bắc cũng như đô thị ấy, tỷ lệ bà con được hưởng là bao nhiêu? Chắc không phải là lớn, nếu không các ông chủ buôn đào đã chẳng mất công mà làm dịch vụ này.
Cuối cùng, cũng cần nói thêm, mấy năm gần đây, như nắm bắt được xu hướng của người chơi hoa, những người trồng đào ở Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình…đã nghiên cứu, tạo tác những cành đào có dáng vẻ, sắc hoa, kiểu hoa tương tự, xem ra cũng chiều được thị hiếu của những người đã chót đam mê vẻ đẹp của đào rừng Tây Bắc.
Trở lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Có thể khẳng định đây là một chỉ đạo đúng đắn, cần thiết để góp phần bảo vệ, gìn giữ môi trường cũng như cảnh quan núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc. Và cần nhớ là Thủ tướng không chỉ nói đến đào, mà còn cả các loại cây khác của núi rừng nữa.
Để một quyết định, một cách nghĩ, cách làm mới thực sự có ích, đi vào cuộc sống không bao giờ là đơn giản. Nó cần sự chung tay của mỗi người dân, cộng đồng, kể cả khi phải hy sinh những thói quen, thậm chí lợi ích của chính mình.

Lê Quân

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gan-tet-noi-chuyen-dao-406008.html