Gắn tai nghe trực tiếp vào bụng bầu sẽ ảnh hưởng lớn đến thính lực thai nhi

Nhiều người cho thai nhi nghe nhạc bằng tai nghe úp trực tiếp vào bụng bầu sẽ giúp thai nhi phát triển trí não mà không biết rằng nó ảnh hưởng lớn đến thính lực của thai nhi.

Theo báo Gia đình và Xã hội, một số bà mẹ trẻ còn cho thai nhi nghe nhạc từ trong bụng, để kích thích não bộ và trí thông minh mà không biết việc đó sẽ ảnh hưởng đến thích lực của thai nhi. Nếu muốn nghe, thì bà bầu không nên gắn trực tiếp tai nghe vào bụng bầu, mà nên nghe nhạc bằng loa, điều chỉnh âm lượng phù hợp với bản nhạc nhẹ.

Việc cho thai nhi nghe nhạc bằng việc úp tai nghe vào bụng bầu có thể ảnh hưởng đến thính lực của thai nhi. Ảnh minh họa

Việc cho thai nhi nghe nhạc bằng việc úp tai nghe vào bụng bầu có thể ảnh hưởng đến thính lực của thai nhi. Ảnh minh họa

Trên thị trường, có hai loại chính: Tai nghe (ốp hai tai nghe nhạc lên bụng bà bầu) và đai nghe (ràng quanh bụng). Trong đó, đai nghe là loại phổ biến nhất. Về hình thức, cả tai nghe và đai nghe bà bầu đều có thiết kế giống như tai nghe bình thường. Tuy nhiên, tai nghe có thiết kế đặc biệt để dính được trên bụng bầu. Đai nghe được thiết kế dưới dạng đai ràng quanh bụng.

Theo các bác sĩ nhi khoa, cho tới thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có những nghiên cứu khoa học chính thức về tác động của tai nghe bà bầu đối với sự phát triển trí tuệ của thai nhi. Trong tai người chứa nhiều tế bào thần kinh thính giác. Nếu thường xuyên nghe âm thanh gần đạt mức tối đa cho phép của nhà sản xuất, tai sẽ có cảm giác mệt mỏi.

Hơn nữa, các tế bào thần kinh thính giác không tái sinh nên một khi bị tổn thương sẽ khó hồi phục. Khuyến cáo của các nhà sản xuất tai nghe, đai nghe bà bầu: sử dụng tai nghe hoặc đai nghe từ 15-20 phút/lần, từ hai-ba lần/ngày; cường độ âm thanh nhỏ hơn 70dB… Nhưng, thực tế các bà mẹ trẻ hiếm khi thực hiện đúng quy định.

ThS - BS Đỗ Hồng Giang - Phó khoa Thính học BV Tai - Mũi - Họng TP. HCM khuyến cáo, phụ nữ mang thai, do cơ thể phải huy động chất dinh dưỡng nuôi em bé nên tránh dùng tai nghe thường xuyên. Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu như: Ù tai, đau, rát tai khi nghe tiếng động lớn, nghe không rõ… người dùng nên ngưng sử dụng tai nghe và đi khám tại các trung tâm, bệnh viện chuyên khoa thính học.

"Em bé nằm trong bụng phải chịu nhiều áp lực vô hình từ việc thay đổi tâm lý người mẹ (căng thẳng, lo âu…). Nếu buộc thai nhi nghe các bản nhạc, trong khi không rõ chúng thích hay không cũng là áp lực đối với thai nhi. Vì trên thực tế, không chắc bà mẹ nào cũng cảm thụ tốt âm nhạc, trẻ nhỏ cũng vậy. Để giúp mẹ và bé cùng khỏe, các bà bầu nên thoải mái, thư giãn tinh thần, tránh cáu gắt…; chỉ dùng tai hoặc đai nghe khi thấy tâm hồn thảnh thơi, vui vẻ" - ThS-BS Đặng Lê Dung Hạnh, Trưởng khoa Khám bệnh A BV Hùng Vương TP. HCM khuyên.

Minh Châu (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/gan-tai-nghe-truc-tiep-vao-bung-bau-se-anh-huong-lon-den-thinh-luc-thai-nhi-d141079.html