Gắn phát triển kinh tế - xã hội với phòng, chống thiên tai, dịch bệnh

Sáng 2-11, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kỳ họp thứ mười, (đợt 2) Quốc hội khóa XIV đã dành phút tưởng niệm cán bộ chiến sĩ đã hy sinh và người dân tử nạn trong đợt mưa lũ vừa qua tại miền Trung. Tiếp đó, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về các báo cáo của Quốc hội và Chính phủ về công tác ngân sách, phát triển kinh tế, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua.

Kịch bản tăng trưởng cần đáp ứng tình hình mới

Tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định, với những diễn biến khó lường của năm 2020, điều dễ nhận thấy nhất đó là sự linh hoạt trong điều hành, sự chuyển động để thích ứng với tình hình của Chính phủ. Về mục tiêu năm 2021, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong bối cảnh thế giới và trong nước vẫn chưa ổn định về dịch bệnh, Chính phủ nên đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng, kể cả kịch bản xấu nhất.

Về “mục tiêu kép” mà Chính phủ đặt ra, cần phải chú trọng mục tiêu kiểm soát dịch bệnh. “Nếu để dịch bệnh bùng phát thì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng không thể thực hiện được”, đại biểu Ngân nói.

Thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến các mục tiêu giai đoạn 2021-2025 được dự thảo trước thời điểm xảy ra bão lụt tại miền Trung nên thời điểm này, cần được rà soát lại toàn bộ để đáp ứng tình hình mới. Đánh giá việc đề ra kế hoạch, mục tiêu phát triển cho 5 năm là điểm mới, tạo được bức tranh tổng thể, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, kế hoạch cần bám sát Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, trong đó nhiều chỉ tiêu chưa đạt được theo kế hoạch đề ra như tổng mức đầu tư phát triển, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…, để phân tích làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan. Đại biểu cũng cho rằng, kế hoạch đầu tư công trung hạn cần được đánh giá hiệu quả đầu tư công trong kết quả đầu ra...

Còn đại biểu Dương Quang Thành nhấn mạnh, cần rà soát lại các quy định của pháp luật còn chưa rõ ràng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa cụ thể trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

“Việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần được xem xét yếu tố thị trường, tránh đưa ra các mục tiêu quá tham vọng”, đại biểu nói.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, kinh tế nước ta đang tăng trưởng theo “hình chữ V”, có bước phục hồi sau dịch bệnh thì việc dự kiến tăng trưởng 6% trong năm 2021 là thấp, cần nâng lên cao hơn, ít nhất từ 6,8% đến 7%, đây cũng là dự báo của các tổ chức quốc tế đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2021.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Chính phủ nắm bắt cơ hội khi nền kinh tế thế giới đang có sự cơ cấu lại, chuyển dịch để tăng tốc sau dịch. “Qua lũ lụt, nếu không được hỗ trợ phù hợp sẽ khiến nhiều người dân miền Trung bị bần cùng hóa. Do đó, Chính phủ cần hỗ trợ mạnh mẽ để khôi phục kinh tế miền Trung”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Thúc đẩy các ngành có lợi thế, tạo việc làm cho người lao động

Nói về một số nhiệm vụ cụ thể, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) và đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, sau thời gian giãn cách xã hội, ngành Du lịch phải sẵn sàng tái khởi động lại; đẩy mạnh quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời gắn du lịch với phát triển khu vực nông thôn, miền núi còn rất nhiều tiềm năng.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đề nghị, để phát triển nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, cần rà soát lại mô hình các hợp tác xã kiểu mới và áp dụng theo chuẩn quốc tế. Việc cần làm là nâng cao nhận thức về hợp tác xã kiểu mới; nhận diện, phân tích, đánh giá các mô hình hợp tác xã đang làm tốt để nhân rộng; tạo dựng môi trường pháp lý để hợp tác xã sống được bằng chính nội lực; làm tốt mối quan hệ giữa nông dân với hợp tác xã, hợp tác xã với doanh nghiệp, kết nối các nhà khoa học công nghệ để đưa hàm lượng khoa học - công nghệ vào sản xuất; tăng cường dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để nông dân yên tâm canh tác; kiện toàn công tác quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương về hợp tác xã, tránh chồng chéo.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) nêu thống kê, dịch Covid-19 đã làm cho xu hướng nghèo hóa gia tăng, nhiều ngành sụt giảm mạnh về tiền lương đến 50%, lương một số ngành giảm mạnh như giao thông vận tải, du lịch 70-80%. 60% người lao động được hỏi phải chi tiêu thắt lưng buộc bụng, 40% người lao động phải giảm dinh dưỡng bữa ăn, 27% phải giảm việc học tập, nâng cao tay nghề, 13% phải giảm chi phí khám chữa bệnh... Đại biểu cho rằng, cần có các giải pháp quan tâm hỗ trợ cho người lao động, trong khi gói hỗ trợ của Chính phủ đến người lao động rất ít, chỉ có 402 nghìn người được thụ hưởng do chính sách chưa gần với cuộc sống. “Dịch bệnh kéo dài có thể khiến một lực lượng lao động thất nghiệp sẽ vi phạm pháp luật và làm nảy sinh các vấn đề xã hội”, đại biểu lo ngại.

Từ thực trạng trên, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu ra 5 kiến nghị, trong đó tập trung duy trì thị trường lao động, việc làm, nhất là đối với những đối tượng yếu thế, doanh nghiệp, coi đây là cơ hội nâng cao tay nghề để người lao động tiếp cận việc làm sau dịch bệnh. Đồng thời, Chính phủ phát huy hơn nữa cơ hội tận dụng các hiệp định thương mại, tiếp cận các thị trường để đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động; tiếp tục mở cửa thận trọng, có kiểm soát, tập trung phát triển thị trường trong nước. Đại biểu cũng cho rằng, các gói kích thích kinh tế cần hướng tới các động lực phát triển dài hạn chứ không chỉ trong ngắn hạn và phát huy vai trò của nông nghiệp là “bà đỡ” cho nền kinh tế.

Lồng ghép phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) bày tỏ lo ngại về vấn đề thiên tai, lũ lụt. Đại biểu cho biết, từ kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã đề cập việc không nên phát triển thủy điện nhỏ, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi thảo luận tổ.

Ghi nhận ý kiến này, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần hạn chế thủy điện nhỏ để không xảy ra tình trạng chiếm rừng, đất rừng. Đối với những dự án quan trọng có liên quan đến đất rừng, phải trình Quốc hội để xin ý kiến, xem xét. Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có độ che phủ rừng lớn, Chính phủ luôn chú trọng đến công tác trồng rừng.

Thảo luận tại tổ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát lại tất cả các kịch bản biến đổi khí hậu để điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng dự báo thiên tai, đánh giá những nguy cơ tổn thương do thiên tai mang lại để chuẩn bị nguồn lực để ứng cứu. Bên cạnh đó, phải lồng ghép nội dung phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho cả nhiệm kỳ tới.

“Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và trong 5 năm tới không thể không lồng ghép những nội dung vừa khắc phục hậu quả bão lũ, vừa phòng, chống thiên tai”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Cho rằng cần có chương trình di dân ra khỏi vùng thiên tai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết để Chính phủ chủ động di dân ra khỏi vùng thiên tai. Đồng thời, hằng năm, ngân sách trung ương, ngân sách địa phương phải chú ý bố trí ngân sách cho nhiệm vụ này.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/982527/gan-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-voi-phong-chong-thien-tai-dich-benh