Gắn logo 'xe vua' lừa 'bảo kê' 360 xe khách, kẻ chủ mưu chối tội

Ngày 5-11, TAND tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa xét xử các bị cáo thu tiền của các lái xe để 'bảo kê'…

Theo các cơ quan tố tụng, Phạm Văn Phương, SN 1975, quê Hà Nam, là GĐ Cty CP Xây dựng và thương mại PNV (PNV). Anh ta giới thiệu với một số nhà xe có quan hệ với một số cán bộ của Phòng CSGT, Thanh tra giao thông (TTGT) tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh nên có thể “bảo kê” cho các xe ô tô vi phạm luật giao thông chạy trên các tuyến đường thuộc 2 tỉnh này.

CQĐT kết luận, Phương chỉ đạo Phùng Đức Ngọc, SN 1986 và Lê Văn Hiếu - nhân viên Cty PNV, thỏa thuận với các nhà xe, thu mỗi xe từ 1,3 triệu đồng đến 5,5 triệu đồng/tháng hoặc 200.000 đồng/ngày vào các ngày 20 đến 30 hàng tháng; các xe đã báo BKS “bảo kê” khi đi đường, nếu bị người có thẩm quyền kiểm tra thì chủ xe, lái xe thông báo đó là xe ô tô của Cty An Hùng. Trường hợp không đồng ý thì lái xe gọi điện cho Phương (với xe “bảo kê” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang), Ngọc, Hiếu (với các xe “bảo kê” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh) để họ người can thiệp, xin cho. Nếu, xe vẫn lập biên bản, xử phạt thì các nhà xe nộp phạt rồi đưa biên lai để Ngọc thanh toán tiền nộp phạt. Với số tiền thu được, Ngọc chuyển cho Phương để anh ta chi cho cán bộ CSGT, TTGT, thanh toán tiền nộp phạt và trả lương cho Ngọc và Hiếu - mỗi người 8 triệu đồng/tháng, trả tiền thuê xe ô tô cho Hiếu 12 triệu/tháng; còn lại Phương “đút túi”.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: H.Đ

Ngày 19-7-2016, khi Ngọc đang nhận 48 triệu đồng của anh Phạm Minh Toản, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, để bảo kê xe ô tô của gia đình cho anh Toản thì bị tổ công tác Cục Cảnh sát hình sự bắt quả tang, thu giữ nhiều giấy tờ, tài liệu ghi chép số lượng xe, số tiền bảo kê, việc thu chi tiền bảo kê hàng tháng. CQĐT làm rõ, từ tháng 4 đến 7-2016, Ngọc đã thu của 16 nhà xe với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng và đã chuyển cho nhóm này hơn 1,6 tỷ đồng để với 356 xe được “bảo kê”.

VKSND kết luận, lời khai ban đầu của Phương về việc nhận tiền của các nhà xe phù hợp với lời khai của các bị cáo và các tài liệu CQĐT đã thu thập được; tin nhắn thu giữ điện thoại, các giấy tờ thu giữ tại nhà do Phương, Ngọc, Hiếu viết (các tài liệu này đã được giám định, xác định được chữ viết trên tài liệu ghi việc thu tiền của các nhà xe do Phương, Ngọc, Hiếu viết).

Phương có hành vi đưa ra thông tin gian dối là có quan hệ với CSGT và TTGT của CA tỉnh Bắc Ninh,Bắc Giang, có thể bảo kê xe ô tô vi phạm chạy trên tuyến này. Anh ta đã nhận hơn 1,6 tỷ đồng của các nhà xe thông qua Ngọc, Hiếu. Phương không đưa tiền cho CSGT, TTGT mà chiếm đoạt số tiền này. Như vậy, Phương có hành vi lừa đảo. Đối với Ngọc và Hiếu, có hành vi liên lạc và trực tiếp nhận hơn 1,6 tỷ đồng của các nhà xe để thông qua Phương chuyển cho người có thẩm quyền bảo kê xe ô tô. Đủ căn cứ kết luận, Ngọc, Hiếu phạm tội “Môi giới hối lộ”.

Ngoài ra, trong vụ án còn có sự tiếp tay của Trần Huy Lâm, SN 1980, quê Bắc Giang; Ngô Sỹ Bảo, SN 1987, quê và Đinh Văn Hải, SN 1968, quê Bắc Ninh. Họ tham gia vụ án với tư cách vừa là bị hại đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Phương,vừa là bị cáo thực hiện tội “Đưa hối lộ, do hành vi đưa tiền cho nhóm Ngọc, Hiếu chuyển cho Phương với mục đích đưa hối lộ cho CSGT và TTGT, nhằm tránh việc bị xử lý vi phạm giao thông.

Ban đầu, Phương khai, có quan hệ với một số CSGT, CA tỉnh Bắc Giang, CA tỉnh Bắc Ninh nên có thể “bảo kê” cho các xe ô tô. Phương chỉ đạo Ngọc và Hiếu nhận tiền của các nhà xe để bảo kê xe ô tô. Ngọc chuyển tiền cho Phương để anh ta đưa cho cán bộ CSGT, TTGT hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Nhưng sau, anh ta thay đổi và cho rằng, không nhận tiền “bảo kê” và không chỉ đạo Ngọc, Hiếu và đưa tiền cho CSGT và TTGT.

Trước tòa, Phương thừa nhận, có nói với Hiếu, Ngọc, ai nhờ thì giúp. Thu được tiền, Ngọc đều chuyển hết cho bị cáo. Được tòa hỏi, số tiền thu được, đưa cho ai thì Phương khai một số cái tên cán bộ công tác tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bộ Công an và cứ cuối tháng là đến cảm ơn; đưa từ 10-20 triệu đồng/tháng. Bị cáo thường xuyên liên lạc với nhóm cán bộ CSGT để báo số lượng xe bị bắt mà Ngọc không xin được. Bị cáo buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Phương phủ nhận và cho rằng, giữa bị cáo và các nhà xe là tự nguyện, là sự giúp đỡ nên không có chuyện lừa dối họ. Tòa hỏi, bị cáo nghĩ thế nào mà liên tục thay đổi lời khai, Phương đáp, do nhầm lẫn giữa tội danh nên thay đổi lời khai vì không nhận thức được. Tuy nhiên, Phương không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc đưa tiền cho cán bộ CSGT.

Trước khi bước vào tranh luận, đại diện VKSND tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị tòa xử phạt Phương 13-14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Ngọc, Hiếu bị đề nghị 5-7 năm tù tội “Môi giới hối lộ”; với tội “Đưa hối lộ”, Lâm từ 5-6 năm tù; Bảo, Hải từ 2-3 năm tù.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/gan-logo-xe-vua-lua-bao-ke-360-xe-khach-ke-chu-muu-choi-toi-126734.html