Gắn kết, song hành phát huy và bảo tồn giá trị Di sản Vịnh Hạ Long

'Là di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới, vịnh Hạ Long đã trở thành nhân tố, động lực quan trọng để Quảng Ninh phấn đấu đạt mục tiêu tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế'. Đây là chia sẻ của ông Phạm Hồng Hà - Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long - với phóng viên Báo Công Thương.

Sức hút lớn nhất của du lịch Quảng Ninh là nhờ vào Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vậy xin ông cho biết, mức tăng trưởng khách du lịch tại Vịnh thời gian qua có bước đột phá ra sao?

Trong những năm qua, du lịch vịnh Hạ Long liên tục gặt hái được nhiều thành công. Năm 2017, vịnh Hạ Long được trao giải Khu du lịch hàng đầu Việt Nam. Năm 2018 được vinh danh là điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam. Vịnh Hạ Long thường xuyên có mặt trong các bảng xếp hạng, bình chọn về điểm đến du lịch hấp dẫn do nhiều tổ chức quốc tế, hãng truyền thông, trang web uy tín trên thế giới bình chọn.

 Ông Phạm Hồng Hà - Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long

Ông Phạm Hồng Hà - Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long

Giai đoạn 2014 - 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân du khách đến Vịnh đạt 16%/năm; năm 2019, ước tính đạt 4,4 triệu lượt, trong đó khách quốc tế gần 2,9 triệu lượt, tăng 6% so với cùng kỳ 2018.

Vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị của di sản là một bài toán khó, Ban quản lý vịnh Hạ Long đã triển khai công tác này như thế nào?

Giống như nhiều di sản khác tại Việt Nam, vịnh Hạ Long luôn phải giải quyết bài toán về xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, nhằm bảo vệ tính toàn vẹn, các giá trị nổi bật toàn cầu. Những giải pháp đều có sự gắn kết, song hành giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Từ việc thực hiện các đề tài, dự án về bảo tồn di sản phục vụ phát triển bền vững, xây dựng bộ công cụ đánh giá công tác quản lý di sản đến các giải pháp trong bảo vệ môi trường, triển khai phương án giảm thiểu rác thải nhựa, không đánh bắt thủy sản, xây dựng quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản mới ngoài khu vực bảo vệ tuyệt đối của di sản. Các giải pháp về du lịch được Ban quản lý vịnh Hạ Long định hướng quản lý, phát triển bền vững, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng, sản phẩm cộng đồng như du thuyền, du lịch văn hóa làng chài; đảm bảo an toàn, cứu nạn cứu hộ, môi trường kinh doanh du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, Ban quản lý vịnh còn chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, làm rõ giá trị của di sản, trong đó có nghiên cứu đánh giá sức tải vịnh Hạ Long làm cơ sở xây dựng kịch bản, giải pháp bảo vệ, quản lý và phát huy bền vững di sản, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến giá trị cấu thành nên di sản.

Tuy nhiên, vịnh Hạ Long là môi trường biển đảo, rộng lớn với nhiều hoạt động đan xen, tiềm ẩn nguy cơ tác động đến môi trường sinh thái và các giá trị của di sản, đòi hỏi phải tăng cường giải pháp, hành động quản lý đồng bộ để xử lý tốt nước thải đô thị, tàu du lịch cũng như hạn chế rác thải từ nguồn trôi ra vịnh Hạ Long. Về quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên Vịnh, Ban quản lý vịnh Hạ Long cũng sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch an toàn, văn minh, nâng cao chất lượng và trải nghiệm cho khách tham quan.

Du lịch xanh, bền vững, hạn chế sử dụng rác thải nhựa đang được ngành du lịch triển khai rộng rãi, Ban quản lý vịnh Hạ Long đã có chương trình hành động cụ thể nào để thực hiện chủ trương này, thưa ông?

Với danh hiệu Di sản thế giới, vịnh Hạ Long luôn mong muốn và thể hiện quyết tâm là nơi đi đầu, gương mẫu trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là đối với vấn đề toàn cầu hiện nay đó là rác thải nhựa. Ban quản lý đã xây dựng phương án và kế hoạch triển khai giảm thiểu rác thải nhựa trên vịnh Hạ Long với các giải pháp đồng bộ từ tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến thay đổi hành vi, nhận được sự ủng hộ, đồng tình và hưởng ứng tích cực của cộng đồng; lắp đặt hàng chục biển bảng, phát hơn 1.000 poster tuyên truyền về giảm thải nhựa tại các cảng tàu du lịch, điểm tham quan, tàu du lịch...; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên fanpage vịnh Hạ Long. Đặc biệt, tổ chức cho 233 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch; 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay; 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản và 100% viên chức lao động của Ban ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần từ ngày 1/9/2019. Đề nghị các cảng tàu du lịch yêu cầu cửa hàng, điểm kinh doanh dịch vụ tại cảng không bán sản phẩm nhựa dùng một lần cho khách xuống tàu tham quan vịnh, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Riêng với các chủ tàu du lịch, ký bổ sung phụ lục của hợp đồng neo đậu, quay trở, cập cảng bến với nội dung không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển khách trên vịnh Hạ Long.

Xin cảm ơn ông!

Cùng với sự gia tăng về lượng khách, ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng đã có các dự báo, kịch bản, giải pháp, kiểm soát tác động của du lịch đến cảnh quan, giá trị, môi trường vịnh, đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ di sản theo đúng cam kết thực hiện công ước di sản thế giới.

Mai Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gan-ket-song-hanh-phat-huy-va-bao-ton-gia-tri-di-san-vinh-ha-long-130589.html