Gắn kết quả nhân sự Đại hội Đảng để giới thiệu người tiêu biểu làm ĐBQH

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chỉ thị nêu rõ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày chủ nhật, 23/5/2021.

Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Để cuộc bầu cử (ĐBQH) khóa 15 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt kết quả cao, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ.

Không giới thiệu những người ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước

Xây dựng kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm ĐBQH và đại biểu HĐND.

Kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu, phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những ĐBQH và đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phấn đấu bầu đủ 500 ĐBQH và đạt tỉ lệ ĐBQH chuyên trách.

Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND phải bảo đảm theo đúng quy trình luật định và hướng dẫn của các cơ quan TƯ có thẩm quyền. Các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.

Tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng lưu ý việc nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cụ thể, chặt chẽ các quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách tổ chức bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử ĐBQH do TƯ giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Quy định cụ thể đối với việc tự ứng cử, phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh; khắc phục hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các khóa gần đây.

Đồng thời, chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; về vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Động viên mọi cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử; mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu, chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử.

Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối. Có các phương án chủ động ứng phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.

Các tỉnh ủy, thành ủy thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử ở địa phương, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử ĐBQH, bầu cử đại biểu HĐND các cấp ở địa phương.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/gan-ket-qua-nhan-su-dai-hoi-dang-de-gioi-thieu-nguoi-tieu-bieu-lam-dbqh-650575.html