Gắn kết nhà trường và doanh nghiệp

Gắn kết nhà trường và doanh nghiệp có thể coi là nhiệm vụ bắt buộc, sống còn hiện nay đối với các cơ sở đào tạo. Các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh vừa tổ chức hội thảo khoa học nhằm tìm giải pháp thúc đẩy sự gắn kết.

Gắn kết nhà trường và doanh nghiệp (DN) có thể coi là nhiệm vụ bắt buộc, sống còn hiện nay đối với các cơ sở đào tạo. Các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh vừa tổ chức hội thảo khoa học nhằm tìm giải pháp thúc đẩy sự gắn kết.

Còn hạn chế

Dự kiến đến năm 2020, ngành Du lịch tỉnh cần thêm khoảng 5.000 lao động. Song hiện nay, 21 cơ sở đào tạo về nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có 4 trường đại học, 7 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm chỉ đào tạo được khoảng 3.200 lao động mỗi năm. Nhiều nhà hàng, khách sạn phản ánh thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để tuyển dụng, trong khi đó người lao động trực tiếp về du lịch có kiến thức nghề nhưng lại thiếu kỹ năng thực hành nên DN phải đào tạo lại.

 Hội chợ ẩm thực giới thiệu các ngành, nghề đào tạo của Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang.

Hội chợ ẩm thực giới thiệu các ngành, nghề đào tạo của Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thương - Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang, thời gian qua, trường đã tổ chức các buổi ký kết hợp tác đào tạo với DN, đổi mới quy trình thực tập, mời những người đứng đầu, các nhà quản trị, người giỏi nghề tham gia xây dựng chương trình đào tạo nên bước đầu thu được những kết quả tốt. Tuy nhiên, khó khăn là trong quá trình triển khai gắn kết đào tạo nhà trường sẽ vừa phải chịu sự ràng buộc bởi một số hệ thống chuẩn, vừa phải đáp ứng nhu cầu DN. Trình độ giảng viên của các trường còn hạn chế, chỉ khoảng 1/3 giảng viên có bằng cấp đúng chuyên ngành du lịch.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Bảy - Khoa Kế toán Tài chính Trường Đại học Nha Trang chia sẻ, việc gắn kết với DN của khoa thông qua 2 hoạt động chủ yếu là: chương trình thực tập viên tiềm năng ở các ngân hàng, được triển khai từ năm 2016 dành cho sinh viên (SV) năm cuối và hoạt động tham gia thực tế tại DN. Hàng năm, tỷ lệ SV được tiếp nhận làm việc từ 60 đến 82% số SV tham gia chương trình. Tuy nhiên, số lượng SV tham gia còn thấp so với số SV theo học tại khoa. Đầu học kỳ, khoa tổ chức cho SV tham quan thực tế tại các ngân hàng và DN song vẫn mang tính chất tự phát, hoạt động do các bộ môn, thầy cô phụ trách môn học tự thiết kế.

Tăng cường các giải pháp

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thương, việc liên kết với DN không chỉ cung cấp cho SV nơi thực tập mà quan trọng nhất là cơ hội làm việc sau khi ra trường; SV có cơ hội thực hành trong môi trường thực tế, DN tuyển dụng được các SV ưu tú, giỏi nghề, đáp ứng yêu cầu. Sự kết hợp này cũng tránh được tình trạng đào tạo tràn lan, mất cân bằng cung cầu của thị trường lao động.

Tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang, nhà trường đã mời các DN tham gia xây dựng những tiêu chuẩn và chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo nghề luôn được cập nhật mới hàng năm, đảm bảo phải phù hợp thực tế DN. Các DN được điều hành việc biên soạn chương trình; thời gian thực tập và đào tạo thực hành được kéo dài đáng kể. Nhà trường trang bị kỹ năng mềm cho SV trước khi thực tập; cử cán bộ giáo viên chuyên trách; thành lập bộ phận đánh giá chất lượng thực hành độc lập. Bên cạnh đó, ký kết các hợp đồng đào tạo, sản xuất; chọn lựa các DN đủ năng lực làm đối tác lâu dài, cho phép công ty đánh giá chất lượng đào tạo. Năm 2018, trường có 51 DN tham gia ký kết hợp tác, trong đó có 13 lượt DN tham gia biên soạn chương trình và 182 lượt DN biên soạn giáo trình; 14 DN tham gia giám sát thi tốt nghiệp; 78 giáo viên giảng dạy thực hành đi thực tập nâng cao trình độ tại DN, 8 giáo viên được cử đi đào tạo tại nước ngoài thông qua các chương trình, dự án nâng cao kỹ năng đào tạo thực hành nghề.

Tại hội thảo, nhiều giải pháp nhằm tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường và DN đã được đưa ra như: DN tham gia tư vấn chương trình đào tạo để từ đó nhà trường xây dựng và cải tiến chương trình cho phù hợp; DN tham gia giảng dạy các học phần trong chương trình hoặc hướng dẫn trực tiếp cho SV trong các kỳ thực tập, học tập thực tiễn, tạo điều kiện cho SV thực tập, làm thêm. Về phía nhà trường cần có các hình thức quảng bá hình ảnh cho DN; tạo điều kiện tuyển dụng; phân loại SV theo ngành hoặc theo yêu cầu DN đặt hàng; hỗ trợ DN tiếp cận các kết quả nghiên cứu khoa học.

H.NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/201907/gan-ket-nha-truong-va-doanh-nghiep-8121397/